NỖI THẤT VỌNG MANG TÊN ĐƯỜNG SÁCH

Sau gần hai năm tổ chức thí điểm, UBND TP. Huế buộc phải ra thông báo cho thôi thí điểm dự án đường sách Hai Bà Trưng. Đường sách đầu tiên của Huế ra đời nhưng bộc lộ rất nhiều thiếu sót, vi phạm. Những người yêu sách, yêu văn hóa Huế không khỏi tiếc nuối, và đặt câu hỏi rằng bao giờ Huế mới có một đường sách đúng nghĩa.

Đường sách Hai Bà Trưng bị buộc phải dừng thí điểm

Tôi nhớ, một ngày đầu tháng 5/2018, đường sách thí điểm này chính thức đi vào hoạt động. Rất nhiều người đến dự với niềm vui, điều mà họ mơ ước bấy lâu nay cũng trở thành hiện thực - đường sách nằm ở giữa lòng thành phố nổi tiếng bề dày tri thức, văn hóa đọc ra đời. Ngày đó, ai ai cũng hy vọng, một không gian với chiều dài 100m nằm đường Hai Bà Trưng sẽ trở thành một điểm đến ấn tượng thú vị không chỉ với người dân mà còn với du khách gần xa.

Cũng chính hôm đó, ông chủ Hà Huy Chiến, Giám đốc Công ty CP Sách Huế C&C – đơn vị được UBND TP. Huế cho phép thí điểm đã mong mỏi rằng: Việc xây dựng không gian đường sách Hai Bà Trưng không chỉ giới thiệu thương hiệu, quảng bá và bán sách mà mục đích cốt yếu của công ty là đưa sách đến gần với độc giả qua nhiều chuỗi hoạt động liên quan đến sách. Không gian sách sẽ trở thành một nơi tiêu biểu định hướng gu đọc cho người dân, góp phần phát triển văn hóa đọc vốn đang đứng trước nguy cơ bị mai một bởi sự lấn lướt của các phương tiện nghe nhìn.

Ấy vậy mà, những chuỗi ngày hoạt động sau đó, “lời hứa” của ông chủ cất công thí điểm đường sách cho Huế đã “phản bội” lại những mong mỏi của chính mình, cũng như với người dân Huế, người yêu sách, yêu văn hóa đọc. Liên tiếp những sai phạm của đơn vị này đã được các cơ quan chức năng chỉ ra, nào là sách lậu, bày bán các mặt hàng không đúng với đề án, lấn chiếm không gian, không đảm bảo phòng cháy chữa cháy…

Tất nhiên, ông chủ này thừa nhận những sai sót và xin cơ hội để sửa sai. Thế nhưng việc sửa sai này gần như rơi vào bế tắc, UBND TP. Huế buộc phải chấm dứt việc thí điểm và cho thời hạn hoàn trả mặt bằng vào ngày 10/1/2020. Đường sách đầu tiên của Huế đã ra đời, và… thất bại như thế.

Đường sách không còn xa lạ với các nước trên thế giới và ngay tại Việt Nam rất nhiều đường sách đã ra đời từ trước đó, ít nhiều gây được tiếng vang. Chúng ta có thể bắt gặp được không gian đường sách Nguyễn Văn Bình ở TP. Hồ Chí Minh hoạt động một cách bài bản, thoát khỏi không gian đọc đơn thuần, để tiến đến không gian văn hóa, là điểm đến cho mỗi người dân, gia đình, trường học, các cơ quan... Ở đó, những đứa trẻ vừa đọc sách vừa vui đùa, những chương trình giao lưu của các nghệ sĩ diễn ra thường xuyên, rồi những cuộc đấu giá, giới thiệu sách của các nhà xuất bản luôn thu hút công chúng. Ngày lễ lớn, hay dịp Tết, không gian đường sách cũng trở thành điểm nhấn của hồn đô thị, nơi mà mọi người dân mặc định phải tìm về.

Trở lại vấn đề với đường sách Hai Bà Trưng, nó quá chật hẹp, quá ngắn và nói đúng nghĩa hơn đó là… vỉa hè sách! Tất cả đều được bày biện trên một đoạn vỉa hè vô cùng lộn xộn, không gian bụi bặm, nắng thiếu bóng mát, mưa phải dùng bạt để che đậy, nhìn rất nham nhở, phản cảm. Thử hỏi, người ta sẽ dừng chân ở một không gian như thế trong bao lâu, và có quay trở lại?

Sẽ không ai vui về sự thất bại ngay từ lần thí điểm đầu tiên. Ông Chiến chạnh buồn nói, dù sao cũng tự hào vì là người đầu tiên dám thí điểm đường sách cho Huế. Nói về sự thất bại này, ông cũng tự trách mình đầu tiên và không thôi hy vọng, thời gian tới sẽ có người khác có đủ tâm, đủ tầm hơn để tiếp tục làm mới một không gian sách hay hơn, hấp dẫn hơn, mang đúng nghĩa của một điểm nhấn văn hóa.

Dừng lại vì sự thất bại của ông Chiến là chưa đủ. Phải kể đến trách nhiệm của các cơ quan thẩm định, đánh giá và cho triển khai đề án thí điểm này. Việc thí điểm có quá vội vàng không khi chọn không gian đường Hai Bà Trưng để thực hiện đường sách? Đường sách nào cho Huế vẫn là câu hỏi lớn luôn chờ câu trả lời từ các đơn vị xây dựng và triển khai đề án.

Rồi đây, việc thí điểm có thể sẽ tiếp tục. Hy vọng, bài học thất bại của lần thí điểm đầu tiên sẽ ít nhiều giúp các đơn vị chức năng, quản lý phải nhìn lại vấn đề, để Huế có một đường sách đúng nghĩa.

Theo Thuathiehue online