NHẬN DIỆN, PHÁT HUY BẢN SẮC VĂN HÓA HUẾ

Ai cũng nói văn hóa Huế phong phú, độc đáo, không nơi nào có được… Thế nhưng, văn hóa Huế gồm những gì, bản sắc ra sao… không phải ai cũng biết. Việc nhận diện bản sắc, chỉ rõ văn hóa Huế là gì để mọi người dân đều hiểu rõ, tự hào và cùng chung sức gìn giữ, phát huy là vấn đề cần đặt ra.

Ngày hội tôn vinh áo dài

Nhận diện bản sắc

Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng, Phân viện trưởng Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại Huế, trong lịch sử dân tộc, Huế nổi lên như một hiện tượng đặc biệt, từ một vùng biên viễn phương Nam “Ô châu ác địa” trở thành một trọng trấn rồi thủ phủ vùng miền, kinh đô cả nước thời Nguyễn, kế thừa rực rỡ nhiều thành tựu cổ kim của đất nước. Tất cả chồng lớp, hòa quyện để làm nên “chất Huế” riêng có đến mức khó nhận ra.

Là nơi hội tụ hàng loạt yếu tố khách quan lẫn chủ quan, thủ đắc những “kho báu” từ một số cơ duyên hiếm hoi và diễm phúc trong lịch sử, Huế là thành phố di sản còn lưu giữ khá đậm các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể và văn hóa tinh thần.

Nhận diện bản sắc văn hóa Huế, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật nhấn mạnh: Văn hóa Huế tồn tại trong không gian vùng Huế qua hơn 700 năm hình thành và phát triển của Thuận Hóa – Phú Xuân – Huế, được gìn giữ bao đời nay. Di sản văn hóa Huế là nơi hội tụ trí tuệ của cả dân tộc mà đỉnh cao là 7 di sản thế giới: Quần thể Di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc, Mộc bản, Châu bản, thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, tín ngưỡng thờ Mẫu và nghệ thuật bài chòi. Đó còn là di sản văn hóa nghệ thuật, ẩm thực, áo dài, ca Huế, kiến trúc vườn Huế, lễ hội dân gian, truyền thống đất học…

Nghiên cứu sâu về văn hóa Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông chia sẻ, chúng ta nên hiểu, tự hào không phải địa phương nào trên đất nước này cũng có được điều ấy. Tại sao Huế hiện hữu tràn ngập trong nhiều áng văn chương, thơ, nhạc… từ các nghệ sĩ khắp nơi khi đến Huế, hẳn nhiên, không chỉ do cảnh sắc Huế đẹp mà tính cách con người ở đây đóng vai trò không nhỏ. Huế trong tôi luôn khiêm tốn ẩn chứa niềm kiêu hãnh ngầm, luôn bí ẩn và buộc mọi người phải khám phá…

Tại hội thảo “Văn hóa Huế: Nhận diện giá trị bản sắc và hướng phát triển” do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tổ chức vào tháng 10/2020, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đã đặt vấn đề: “Nhiều năm qua, chúng ta đã có thành tích và kinh nghiệm về bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tuy nhiên, phần di sản tinh thần được nuôi dưỡng và bảo lưu trong mỗi con người Huế lại là phần di sản quan trọng nhưng chưa được đánh giá, bảo vệ và phát huy đầy đủ. Đó là lòng yêu nước; tinh thần hiếu hòa, nhân hậu, trọng lễ nghĩa; coi trọng tri thức, các giá trị tinh thần, luật pháp; ý thức riêng về bản sắc ngôn ngữ, giọng nói, nếp sống, truyền thống văn hóa với ý thức giấy rách vẫn giữ lấy lề. Những giá trị này cũng không ngoài những phẩm chất của dân tộc, có điều ở Huế nó được hội tụ theo một cách riêng, tạo nên vẻ khác biệt trong con người Huế”.

Đưa văn hóa Huế tỏa sáng

Theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, phát huy bản sắc văn hóa Huế, con người Huế là phát huy cái tốt, hạn chế cái còn hạn chế. Quan điểm cần thống nhất là những gì làm nên văn hóa Huế thì cần gìn giữ, bảo tồn rồi mới phát huy. Ngoài bảo tồn, phát huy giá trị Quần thể Di tích Cố đô Huế và các di sản thế giới, cần khai thác các giá trị tiêu biểu khác của văn hóa Huế, như: các thiết chế văn học nghệ thuật, ẩm thực, áo dài, ca Huế, vườn Huế, lễ hội dân gian, truyền thống hiếu học, sông Hương và các di sản thiên nhiên…

Bàn về những giá trị riêng có, những gì cần gìn giữ của Huế, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông cho rằng, thiên nhiên, lịch sử, văn hóa Huế hàm chứa nhiều điều mà ai cũng nhận ra. Vấn đề làm nó tỏa sáng là của chúng ta. Giữ gìn giá trị của những nề nếp cũ không phải là động thái quay lại ngưỡng mộ quá khứ, mà là một cách dọn đường đầy trí tuệ để xác lập cái riêng trên nền dự phóng tương lai. Tất nhiên, chúng ta không quên tận hưởng những giá trị đương đại để bồi đắp cho những gì vốn có trở nên hoàn hảo nhất trong điều kiện có thể.

Hệ giá trị truyền thống gắn với đời sống cung đình ở Huế là di sản độc đáo duy nhất, đặc trưng, giàu tiềm năng phát triển du lịch – dịch vụ trong xã hội hiện đại. Bảo tồn và phát huy, phát triển các giá trị di sản văn hóa truyền thống là hai nhiệm vụ song hành, có thể trở thành sức sống riêng có cho Huế để gắn kết truyền thống với hiện đại.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Hằng đề xuất, trong nguyên lý bảo tồn các giá trị di sản văn hóa Huế, nên chú trọng áp dụng linh hoạt bảo tồn nguyên trạng và bảo tồn thích ứng. Việc sưu tầm, nghiên cứu các nguồn tài liệu sẽ giúp xây dựng nên cơ sở dữ liệu di sản văn hóa ngày càng đầy đủ để phục vụ cho việc bảo tồn nguyên trạng. Đồng thời, cũng cần linh hoạt trong việc bảo tồn thích ứng để thổi hồn, hơi thở của cuộc sống hiện đại vào trong di sản một cách phù hợp.

Theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, chúng ta có thể lưu ý nhận diện những đặc thù về sở trường và sở đoản của Huế, từ đó tìm cho Huế một hướng đi phù hợp, vừa bảo tồn được di sản vừa phát huy giá trị để phát triển. Huế không cạnh tranh với các tỉnh, thành khác về kinh tế công nghiệp mà nên cạnh tranh về kinh tế văn hóa, kinh tế môi trường, du lịch văn hóa và cả kinh tế nhân lực văn hóa… coi đây là sở trường lâu dài, phát triển bền vững của Huế.

Thừa Thiên Huế online