KHÔNG GIAN NÀO CHO ÁO DÀI NGŨ THÂN?

Để tôn vinh áo dài nam truyền thống, Sở Văn hóa và Thể thao, đơn vị được tỉnh giao nhiệm vụ thực hiện đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” đã tiên phong may đồng phục áo dài ngũ thân cho nam công chức. Tuy nhiên, hiện có nhiều tranh cãi xung quanh hoạt động này.

 

Quang cảnh buổi giao lưu. Ảnh: Phan Thành

Vì thế, việc mặc áo dài nam trong hoàn cảnh nào, không gian nào là phù hợp là vấn đề được nhiều người quan tâm. Xuất phát từ thực tế đó, Thừa Thiên Huế Online tổ chức giao lưu trực tuyến với chủ đề “KHÔNG GIAN NÀO CHO ÁO DÀI NGŨ THÂN”?

Tham dự buổi giao lưu trực tuyến hôm nay về phía các khách mời có:

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa; -TS. Thái Kim Lan; nhà thiết kế Quang Hòa; họa sĩ Đỗ Văn Lân, cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao.

Mong muốn của Sở Văn hóa và Thể thao khi triển khai cho nam công chức mặc áo dài ngũ thân đi làm và làm lễ chào cờ đầu tháng?

Đức Huy - duchuy1988

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao. Ảnh: Phan Thành

Đây là câu hỏi được nhiều người gửi đến. Rất vui nhận được sự quan tâm của cộng đồng và tôi nghĩ đây là thành công bước đầu. Đặc biệt, các bạn trẻ rất ủng hộ việc nam cán bộ công chức sở mặc áo dài, điều này vượt quá dự đoán ban đầu. Có lẽ chúng tôi  đã khơi gợi đúng sự quan tâm của các bạn.

Chúng tôi thực hiện chủ trương mặc áo dài đối với nam có thể là chuyện lạ nhưng với nữ giới thì không hề xa lạ. Trước đây, việc phụ nữ mặc áo dài từng gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí dậy sóng... nhưng sau đó mọi người nhận ra việc mặc áo dài đối với phụ nữ rất đẹp và phù hợp.

Với áo dài nam cũng vậy, trong quá trình tìm kiếm trang phục, tôi nghĩ có thể vấn đề chưa được nhìn nhận thấu đáo.

Trong mục tiêu xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài không chỉ là việc áo dài ngũ thân mà còn đối với nhiều kiểu áo dài khác. Áo dài ngũ thân là một trong những đột phá được chúng tôi chuẩn bị rất công phu. Chúng tôi mặc trang phục này vào thứ 2 tuần đầu của tháng. Sau lời kêu gọi, nam công chức Sở Văn hóa và Thể thao rất đồng tình, hào hứng. Trong buổi đầu tiên, anh em chỉ mặc trong buổi chào cờ, sau đó thì các anh mặc luôn để làm việc. Tôi mặc áo dài hơn mười năm nên thấy khá thoải mái.

Mặc áo dài và thực hiện nghi lễ chào cờ giúp khơi dậy lòng tự hào dân tộc và chúng tôi nhận thấy rõ điều đó!

 

Có ý kiến cho rằng, việc Sở Văn hóa và Thể thao quy định nam công chức mặc trang phục áo dài đến công sở là vi phạm quy định về trang phục công sở theo Quy chế văn hóa công sở. Ông có thể giải thích rõ điểm này?

Nhã Uyên - nguyennha175

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao

Nam công chức Sở Văn hóa-Thể thao mặc áo dài chào cờ đầu tháng. Ảnh: Trang Hiền

Chúng tôi không quy định nam công chức mặc áo dài mà chỉ vận động, khuyến khích nhằm nêu cao lòng tự hào dân tộc.

Chúng tôi nghiên cứu kỹ quy chế trang phục công sở. Chúng tôi không hề làm trái quy định này. Chúng tôi khuyến khích mặc áo dài là tôn vinh truyền thống, tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, hướng tới giá trị tốt đẹp của con người.

Việc chúng tôi mặc áo dài không hề trái với quy định của Chính phủ.

 

 

Hiếm có người phản đối phụ nữ mặc áo dài đến công sở, nhưng với nam giới tại sao lại có nhiều ý kiến phản đối. Làm sao để phá bỏ những định kiến này?

Công Thiện - congthien9590

TS. Thái Kim Lan

TS. Thái Kim Lan. Ảnh: Phan Thành

Tôi nghĩ, đây là bước đầu để áo dài phổ biến nhiều hơn và lan tỏa rộng rãi.

Vì sao có sự phản đối nam công chức mặc áo dài? Tôi nghĩ chúng ta có thể thấy 100 năm nay, áo dài nam áo không được phổ biến so với áo dài nữ, nhất là giai đoạn cách tân trang phục nam và nữ ở thế kỷ XX, nên áo dài nam bị đẩy lùi phía sau “hậu trường”. Áo dài nam còn thi thoảng xuất hiện ở một số lễ hội, gia đình; còn bên ngoài, áo dài nam bị bỏ quên. Đó là lý do tại sao khi Sở Văn hóa và Thể thao đề nghị mặc áo dài nam trở lại thì sự phản đối là hiển nhiên. Không thể trách người phản đối vì họ đã quá quen thuộc với trang phục hiện đại.

Tôi nghĩ thời gian đến, việc mặc áo dài nam sẽ được công chúng công nhận vì áo dài nam nữ cần bình đẳng, chứ không thể áo dài nữ được ca ngợi còn áo dài nam không được quan tâm.

Trở lại áo dài nam là trở lại ý thức khác, là bản sắc, tự tin, độc lập trên phương diện văn hóa, tư cách con người; khơi dậy vấn đề này là rất cấp thiết để nhận diện bản sắc, nhận diện tính văn hóa mình ra bên ngoài.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao

Đoàn dâng hương trong trang phục áo dài đến lăng Trường Thái dự lễ tri ân. Ảnh: Bảo Minh

Chúng ta chịu ảnh hưởng văn minh phương Tây, có suy nghĩ cho rằng cần đoạn tuyệt với quá khứ, hướng tới văn minh. Tôi nghĩ đó không chỉ ở vấn đề trang phục. Áo ngũ thân của người đàn ông Việt Nam một thời gian dài mất chỗ đứng. Khi chúng ta quay trở lại thì không dễ dàng, nhưng tôi tin tưởng vào việc khôi phục thành công loại trang phục này.

Sau năm 1975, ở miền Bắc, đa số phụ nữ không biết áo dài là gì, đến thời kỳ đổi mới người ta mới mang áo dài ra mặc lại. Tại Huế, năm 1989, áo dài nữ mới phục hồi trở lại. Cuộc phục hưng của áo dài nam cần thời gian, song áo dài nam cũng phải cải biến trong từng hoàn cảnh khác nhau.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa  

Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao mặc áo dài nam chào cờ sáng thứ 2 tuần đầu tháng đã tạo ra một phản ứng rất nhiều chiều, ủng hộ có, chê bai có, thậm chí là dè bỉu cũng có.

Tôi nghĩ đây là hiện tượng bình thường, bởi quá lâu rồi, áo dài nam đã mai một, biểu hiện của sự đứt gãy văn hoá trong áo dài. Trải qua 4 giai đoạn bị dẹp bỏ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa. Ảnh: Phan Thành

Sớm nhất là khi thế hệ ông cha chúng ta cổ vũ phong trào Duy Tân, cùng việc cắt múi tóc, vận động để thay vào đó là âu phục như một sự đổi mới.

Thứ hai là thời kỳ Tự Lực Văn Đoàn, xu hướng đoạn tuyệt với cái cũ. Trên tờ báo Phong Hoá, Ngày Nay, có mục Hý Họa hằng tuần đều có hình ảnh của 2 nhân vật rất đặc biệt: Xã Xệ và Lý Tuệ, mặc áo dài và khăn đóng, cái gì ngớ ngẩn nhất, đều thể hiện qua nhân vật này.

Thứ ba, hai cuộc chiến rất ác liệt, diễn ra đi liền với cuộc sống khắc khổ ở phía Bắc, làm chiếc áo dài trở nên không phù hợp với xã hội lúc đó.

Thứ tư, áo dài chỉ còn tồn tại 2 dạng: Tế tự tín ngưỡng ở làng xã, nhưng cũng rất ít; phổ biến nhất ở trên sân khấu (hài, tuồng), những nhân vật mặc áo dài  đều là những nhân vật phản diện, hình ảnh áo dài trở thành đại diện cho cổ hủ, lạc hậu, như là sự trái ngược với sự tân tiến.

Chính điều đó tạo ra sự đứt gãy. Vì vậy, cần thiết phải khôi phục vẻ đẹp của áo dài nam.

Riêng đối với Huế, áo dài nam có vẻ đẹp đa sắc màu hơn các địa phương khác, đây là vùng đất kinh kỳ. Tôi tin rằng, vẻ đẹp của những chiếc áo dài nam không thua kém gì trang phục của những nền văn hoá khác.

Cần khôi phục và quảng bá vẻ đẹp của áo dài ngũ thân, làm thấm vào lòng người dân, giúp họ hiểu, thay đổi về mặt nhận thức với áo dài ngũ thân.

 

Bản thân anh cảm thấy thế nào khi mặc trang phục này dự lễ chào cờ và đi làm?

Thanh Mai - maithanhhue99

Họa sĩ Đỗ Văn Lân, cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao

Họa sĩ Đỗ Văn Lân, cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao. Ảnh: Phan Thành

Cách đây khoảng 1 tháng, Sở Văn hóa và Thể Thao là cơ quan đầu tiên khuyến khích cán bộ công chức nam mặc áo dài để chào cờ hàng tháng. Có thể nói, nghi lễ chào cờ là một trong những phương thức biểu lộ lòng tự hào dân tộc.

Do đó, khi mặc áo dài, tôi cảm thấy rất tự hào và hãnh diện. Đồng thời, tôi, cũng như anh em đồng nghiệp làm việc tại sở mặc áo dài cũng là đang góp phần phục hưng trở lại truyền thống văn hóa của dân tộc, vốn lâu nay nhiều người có thể đã lãng quên nó.

 

Hình như chị là người phụ nữ đầu tiên ở Huế cổ vũ mạnh nhất chiếc áo dài nam? Chị cũng là người hay tổ chức các sự kiện văn hóa tại tư gia, tại không gian nhà vườn cổ Lan Thái. Tôi mong muốn trong giấy mời chị nên có một dòng: "Đề nghị quý anh chị, quý ông quý bà đến dự trong trang phục áo dài". Xin chị cho biết lời đề nghị này có khả thi không ạ?

Phạm Thanh Tùng - thanhtungbtp

TS. Thái Kim Lan

Các khách mời trong trang phục áo dài ngũ thân dự Lễ kỷ niệm 60 năm Hà Nội - Huế  - Sài Gòn. Ảnh: T.H

Tôi rất vui trước câu hỏi của bạn, dĩ nhiên trong tương lai, tôi sẽ có đề nghị này.

Chúng tôi từng thực hiện nhiều chương trình mặc áo dài. Trong một lần tổ chức triển lãm bộ sưu tập áo dài nam, rất nhiều quan khách, bạn bè tôi đều đến dự trong trang phục áo dài. Theo tôi, áo dài nam không thể thiếu trong các khung cảnh, không gian khác nhau.

Tôi nghĩ đây là đề nghị khả thi và có lẽ sau chương trình này, sẽ có nhiều người mặc áo dài đến nhà tôi hơn (cười).

 

Anh là người thiết kế bộ sưu tập áo dài ngũ thân, đảm nhận việc may trang phục này cho lãnh đạo tỉnh và công chức Sở Văn hóa và Thể thao. Dưới góc độ là người thiết kế, anh nhận xét như thế nào về chiếc áo dài ngũ thân ở mặt thời trang và đời sống?

Minh Trí - triminhnguyen

Nhà thiết kế Quang Hòa

Nhà thiết kế Quang Hòa. Ảnh: Phan Thành

Việc công chức Sở Văn hóa và Thể thao tiên phong xây dựng và khôi phục mặc áo dài ngũ thân tôi thấy là rất cần thiết. Áo dài nữ đã được nhìn nhận về vẻ đẹp của nó thì áo dài nam được khôi phục là rất cần thiết để khẳng định hình ảnh của áo dài nam. Áo dài nam cũng mang ý nghĩa về bản sắc văn hóa và tính nhân văn cao.

Trong xu thế thời trang đang phát triển theo hướng sáng tạo và thay đổi theo thời gian, áo dài nam hiện diện trên sân khấu đã là hình ảnh khác biệt so với áo dài ngũ thân truyền thống. Việc Sở Văn hóa tiên phong trong khôi phục và mặc áo dài ngũ thân nam rất ý nghĩa để áo dài nam được đồng hành cùng áo dài nữ, góp phần quảng bá cho áo dài truyền thống Việt Nam ra thế giới.

 

Hình ảnh nam công chức mặc áo dài là lạc hậu, cổ hủ, khôi phục hình ảnh của tàn dư phong kiến, xa cách với người dân... Được biết, ông là nhà nghiên cứu văn hóa, vậy ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Hoài Nam - namhoainguyen

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa

Trong điều kiện hiện nay, những người Việt Nam cả nam và nữ đều tự hào với vẻ đẹp của áo dài phụ nữ Việt Nam, coi áo dài như biểu tượng văn hoá của phụ nữ Việt Nam. Phụ nữ mặc áo dài đến công sở thì không ai nói là cổ hủ, bất tiện cả…

Nam công chức Sở Văn hóa - Thể thao mặc áo dài trong công sở. Ảnh: Minh Hiền

Đến khi nam giới công chức viên chức mặc áo dài thì có ý kiến cho là lạc hậu. Tôi nghĩ đó là điều phi lý. Hiện tượng đứt gãy văn hoá khiến người ta không cảm nhận hết vẻ đẹp của áo dài ngũ thân.

Người ta chỉ mới nhìn qua hình ảnh, chứ chưa tận mắt nhìn thấy những bộ áo dài ngũ thân đa sắc màu của Huế. Nếu chúng ta tiếp tục quảng bá, những ý kiến đó sẽ dần dần được điều chỉnh.

 

Việc mặc áo dài ngũ thân có bất tiện hay ảnh hưởng gì trong quá di chuyển, đưa đón con cái học hành… ? Anh và các đồng nghiệp nghĩ sao nếu tăng số ngày mặc trang phục này lên theo tuần như áo dài nữ chẳng hạn.

Bảo Châu - ntbchau1985

Họa sĩ Đỗ Văn Lân, cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao

Từ khi có chủ trương của tỉnh về việc xây dựng Huế trở thành kinh đô áo dài, bản thân tôi cũng thường xuyên mặc áo dài đi trên các con đường từ nhà, đến cơ quan, hay đến tham dự hội thảo, hội nghị, hoạt động văn hóa nghệ thuật...

Lâu nay, các cô, các chị, các dì, các em học sinh cũng đã mặc áo dài đi học, đi chợ, đứng trên bục giảng… Điều này các chị em làm được, tôi nghĩ cánh đàn ông chúng tôi cũng làm được và không có gì bất tiện.

Nam công chức Sở Văn hóa và Thể thao mặc áo dài trong giờ làm việc. Ảnh: Trang Hiền

Hiện tại Sở Văn hóa và Thể thao đang khuyến khích nam giới mặc áo dài tuần đầu của tháng. Và tôi mong muốn tăng số lượng ngày mặc áo dài lên. Tuy nhiên mọi việc không nên vội vàng. Cần phải để cho mọi người hiểu được giá trị của áo dài ngũ thân, từ đó những phản ứng “tự vệ thái quá” sẽ chùng xuống và không dữ dội như ban đầu, hướng đến đồng tình với ý kiến của ngành văn hóa chúng tôi.

 

Ở một số quốc gia, nam giới đều có trang phục truyền thống. Áo dài được xem là quốc phục của nước ta nhưng hình ảnh nam giới mặc áo dài truyền thống trong các dịp lễ, sự kiện ngoại giao, văn hóa… vẫn rất ít. Để giữ gìn bản sắc và truyền thống của dân tộc, nên chăng, cần đưa áo dài nam quay trở lại với đời sống hiện nay?

Quang Thân - thanquang84

TS. Thái Kim Lan

Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cùng cán bộ và thành viên đoàn dâng hương tri ân chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ảnh: Ngọc Lục Bảo

Tôi nghĩ là nên chứ! Trong các sự kiện ngoại giao, áo dài nam rất quan trọng, thể hiện được tính cách của người Việt. Trên phương diện thời trang, áo dài nam sẽ gây ra sự ngạc nhiên, một khám phá mới về người Việt đối với thế giới; trước những cặp mắt sành điệu ngoại quốc, cặp mắt kính phục đối với các nhà ngoại giao trên thế giới.

Tôi cho rằng, áo dài nam có tầm quan trọng như vậy nhưng lâu nay trong các cuộc gặp ngoại giao ít khi được chú trọng.

 

Ngoài ý nghĩa là trang phục, ông có thể chia sẻ nét văn hóa độc đáo, đạo lý dân tộc được ông cha ta gửi gắm qua chiếc áo dài ngũ thân?

Nguyên Thảo - thaonguyenxanh

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa

Khi các vua triều Nguyễn có những chỉ dụ hướng dẫn người dân cả nước mặc áo dài thống nhất, áo dài ngũ thân được gắn với một giá trị đạo lý khác biệt. Người ta cho rằng, áo dài ngũ thân tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu và người đang mặc, tổng cộng là 5 thân.

2 vạt trước là cha và mẹ, người sinh thành; 2 vạt sau là cha và mẹ của người người hôn phối với mình, và 1 thân con nằm đằng sau 2 thân của cha mẹ mình.

Các quan chức thời Bảo Đại với áo dài ngũ thân đen, quần trắng.  Ảnh Tư liệu chụp khoảng năm 1930

Ngoài ra, 5 hạt nút tượng trưng cho ngũ thừa: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Ngày xưa mặc áo dài, người ta gìn giữ lễ nghĩa. Khi mặc áo dài, người ta ý thức là đang mang trong mình đạo lý làm người.

Ý nghĩa thứ hai, đó như là trang phục thống nhất của người Việt Nam. Khi chiếc áo dài ngũ thân trở thành trang phục của dân tộc, nó tạo nên sự thống nhất của trang phục, thể hiện ý thức thống nhất dân tộc của người Việt Nam.

Chiếc áo dài nam tạo ra một cái gì đó trang trọng, rất khiêm cung, không loè loẹt như một vài trang phục như chúng ta đã thấy.

 

Ban đầu, hình ảnh đồng phục áo dài ngũ thân nam của Sở Văn hóa và Thể thao nhận được nhiều lời khen ngợi của cộng đồng. Tuy nhiên, khi họ mặc đến công sở, đã dấy lên hàng loạt ý kiến đa chiều. Việc đưa áo dài nam đến không gian công sở liệu có phù hợp hay nên chọn một không gian nào khác?

Bảo Khánh - baokhanh89

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao

Khi đưa ra chủ trương và áp dụng thực hiện, chúng tôi cũng lường trước phản ứng dư luận. Chúng tôi luôn cầu thị và lắng nghe.

Đa số ý kiến phản đối nặng về cảm tính, chưa phải là luận giải dựa trên căn cứ khoa học, văn hóa. Có thể do cách nhìn nhận về cách làm tạo ra những định kiến, ác cảm, khiến người ta không nhận ra giá trị vẻ đẹp của áo dài ngũ thân.

Chúng ta không nên phân định một không gian cụ thể, quan trọng áo dài có thích hợp với không gian đó hay không. Công sở cũng là nơi tiên phong để thấy lại hình ảnh đã có từ rất lâu.

Người ta băn khoăn về sự bất tiện của áo dài thì tôi đồ rằng, những người đó chưa bao giờ mặc áo ngũ thân.

Các đại biểu tham dự một hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật tại Hà Nội. Ảnh: P.T.H

Khi xây dựng hồ sơ để công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với áo dài thì áo ngũ thân đáp ứng tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt. Khi đón nhận dư luận xã hội, chúng tôi vẫn bình tĩnh phân tích, tiếp thu những ý kiến phù hợp.

Hiện sức lan tỏa áo dài ngũ thân khá mạnh mẽ. Chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến để chúng tôi phục hồi áo dài ngũ thân cho nam giới.

TS. Thái Kim Lan

Áo dài ngũ thân cho nam giới là quá tối ưu rồi, nhưng khi đưa vào sử dụng thì nên uyển chuyển trong từng không gian. Trong bộ sưu tập của tôi có áo dài bốn mùa, tùy thuộc vào hoàn cảnh, thời tiết, yếu tố thời trang và phù hợp vào từng không gian.

Theo tôi, để nói áo dài nam phù hợp với không gian nào, phải khẳng định là hợp với không gian Việt Nam, trên khắp đất nước, không riêng không gian nào cả. Trong công sở hay ngoài công sở không khác nhau. Không nên dùng ý thức mình để “đóng khung” áo dài nam. Vì thế, nên cởi mở, gỡ bỏ định kiến đó.

Thực ra khi ra đời áo dài, chúa Nguyễn không chỉ dùng trong cung cấm mà cho tất cả mọi người, mọi tầng lớp.

Họa Sĩ Đỗ Văn Lân

Áo dài nam hiện nay cần có sự cách tân, nhưng ở mức độ như thế nào để làm sao nó vẫn giữ được bản sắc văn hoá Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa  

Những khen chê, ủng hộ vừa qua diễn ra khá sôi động, có lẽ chưa bao giờ áo dài nam được xã hội quan tâm đến vậy.

Đây là một cơ hội tốt với không chỉ những ai ở Huế mà còn tạo ra sự lan toả nhiều nơi, dẫn đến cách nhìn nhận về trang phục truyền thống của người Việt Nam.

Tác động thứ hai, Thừa Thiên Huế đang thực hiện chủ trương xây dựng thành một thành phố di sản cấp quốc gia. Sự kiện dư luận khen chê chiếc áo dài chúng ta nên tranh thủ vừa quảng bá trang phục dân tộc, vừa quảng bá hình ảnh thành phố di sản.

Nhà thiết kế Quang Hòa         

Trên sàn diễn, nhà thiết kế có thể thay đổi cho phù hợp xu hướng hiện đại nhưng về trang phục mang tính dân tộc chỉ thay đổi chất liệu, độ rộng hẹp của tà áo cho phù hợp với việc di chuyển, tay rộng để làm việc thuận tiện.

Khách hàng mặc thử áo dài ngũ thân do Nhà thiết kế Quang Hòa thiết kế. Ảnh: Quang Thiều

Việc các nhà thiết kế, nhà may có thể thay đổi chất liệu, về độ rộng, chật của tà áo, tay áo chỉ là thay đổi một chút cho phù hợp xu hướng thời trang hiện đại và thuận tiện hơn cho người mặc, nhưng những quy chuẩn của áo dài ngũ thân thì không thể thay đổi vì nó là bản sắc văn hóa. Nếu thay đổi thì sẽ bị đánh đồng với áo dài Ấn Độ, trường sang của Trung Quốc và sẽ đánh mất bản sắc văn hóa Việt Nam.

TS. Thái Kim La

 

Trong khi nhiều ý kiến khác nhau về mặc áo dài ngũ thân nam ở công sở thì giới trẻ lại hào hứng với và thích chụp ảnh với trang phục này? Liệu có phải họ có cái nhìn cởi mở hơn?

Keng Nguyễn - kengngkien78

Nhà thiết kế Quang Hòa

Từ cách đây hai năm, một số bạn trẻ ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã quan tâm và mặc những cổ phục như áo ngũ thân, áo tấc, áo Nhật Bình.

Nhà thiết kế Quang Hòa bên bộ sưu tập áo dài ngũ thân nam. Ảnh: Quang Thiều

Vừa rồi tại Huế có chương trình "Sự tử tế với những sản phẩm", tôi cũng tham gia chương trình này để quảng bá về áo dài ngũ thân. Rất vui là các bạn rất thích thú mặc thử áo dài ngũ thân, quấn khăn như cách người xưa và chụp hình với trang phục này. Như vậy, các bạn trẻ đã đón nhận và góp phần lan tỏa việc mặc áo dài ngũ thân. Điều này mang lại thông điệp lớn hơn là tìm hiểu về bản sắc văn hóa cha ông.

Tôi nghĩ đó là tín hiệu đáng mừng và tạo sức lan tỏa hơn cho áo dài ngũ thân, giúp áo dài ngũ thân trở nên gần gũi và tiếp cận cộng đồng nhiều hơn.

TS. Thái Kim Lan         

Theo tôi nghĩ, chiếc áo dài khi may và mặc có hai yếu tố. Người thiết kế sẽ may và áp đặt mẫu mã đến người may; người mặc tự nguyện và sáng tạo. Chính người may cũng đề nghị và đưa ra kiểu sáng tạo của mình. Nên người trẻ có thể sáng kiến ra nhiều chất liệu thoải mái, đơn giản mà vẫn rất đẹp và sang. Với khí hậu nắng, gió, mưa nhiều như ở Huế thì chất liệu cần phù hợp, đảm bảo thỏa mái khi mặc.

 

Đến nay, gần như những tranh luận đã dần lắng xuống, nhường chỗ cho những suy nghĩ cẩn trọng hơn về một vấn đề khá nghiêm túc. Vậy người Việt Nam chúng ta có cần nối tiếp nguồn mạch để dựng lại bản sắc trang phục truyền thống hay không?

Thanh Tâm - thanhtamnguye

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa

Đây là thời điểm phù hợp nhất để đặt lại vấn đề nối tiếp trang phục truyền thống của người Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hoá, gần như đất nước nào cũng tìm các giải pháp phù hợp để bắt kịp sự phát triển của thế giới; đồng thời rất nhiều đất nước vừa bắt nhịp, vừa quay lại khai thác giá trị truyền thống của đất nước mình, gần như tạo được bản sắc riêng, tạo nét văn hiến của đất nước.

Chúng ta cổ vũ sự khôi phục của trang phục truyền thống Việt Nam, nếu làm tốt, đó là một trong những cách để quảng bá văn hoá người Việt.

Về phía Huế, đã tới lúc chúng ta nên xây dựng bộ hồ sơ công nhận áo dài, đặc biệt là áo dài Huế, như là một di dản của nhân loại. Khi được công nhận, thì nó sẽ có tác động trở lại ngay với người Việt Nam.

Có thể thấy, khi nhã nhạc được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới, giá trị của nhã nhạc càng được phổ cập và được quảng bá.

Đây là lúc phù hợp nhất, để nối kết lại những giá trị văn hoá truyền thống của đất nước, trước hết là trang phục truyền thống dân tộc.

Theo cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao, mặc áo dài đi làm vẫn tiện lợi, thoải mái. Ảnh: Trang Hiền

Ở thế hệ của tôi, lúc đó tôi ra đường thì thấy nam hay nữ cũng đều mặc áo dài, không có sự phân biệt. Đến khi tôi vào đại học, các thầy vẫn mặc áo dài đi dạy bình thường trong khi các giáo sư khác vẫn mặc âu phục.

Theo tôi, trang phục có 3 loại là: truyền thống, đương đại và thời trang.

Công sở là nơi đòi hỏi tác phong phải lịch sự, nghiêm túc. Nếu ở đó xuất hiện áo dài ngũ thân thì cũng rất gọn gàng lịch sự, không có gì bị ảnh hưởng.

Từ việc chúng ta khôi phục áo dài ngũ thân sẽ tiến tới khôi phục bộ quốc phục và lễ phục của người Việt Nam. Điều đó quan trọng hơn.

 

Nếu nhìn nhận một cách khách quan, lỗi không phải ở chiếc áo mà là ở người sử dụng nó và người nhìn nhận nó? Nên chăng có cần tổ chức một cuộc trình diễn áo dài nam và kêu gọi mặc áo dài nam cùng với nữ trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật đường phố nhiều hơn. Liệu vấn đề này có khả thi không thưa các ông bà?

Phúc Hòa - phuchoa77

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao

Trên các sân khấu trong các kỳ festival, chúng ta đều có tổ chức lễ hội áo dài (có cả áo dài nam), nhưng đó mới chỉ là ngôn ngữ của sân khấu. Chúng tôi đưa áo dài nam vào công sở là một cách tiếp cận; để hơn 6 triệu công chức Việt Nam nhìn vào việc công chức Sở Văn hóa và Thể thao đến công sở trong bộ áo dài như thế nào.

Chúng tôi sẽ kết hợp với không gian xã hội để những hoạt động tương tự diễn ra phổ biến hơn, thu hút giới trẻ, góp phần khôi phục ý thức, giáo dục truyền thống cho thế hệ sau này.

Mặc dài tham gia hoạt động tại Đại Nội Huế. Ảnh: N.P.B. M

Áo dài nam giới hơi khó tiếp cận bởi người may áo ngũ thân chuẩn hiện không còn nhiều, giá thành còn cao. Song, có một “làn sóng ngầm” lan tỏa trong nam giới về sử dụng áo ngũ thân. Qua mối quan hệ công việc, bạn bè, tôi thấy rõ điều đó.

Trào lưu phục hồi trang phục cổ của giới trẻ đang diễn ra mạnh mẽ và đó là tín hiệu đáng mừng.

Nhà thiết kế Quang Hòa

Từ xưa các áo dài ngũ thân được may trên chất liệu gấm, lụa... nên giá thành cao. Với chất liệu mới hiện nay ví dụ như kaki và cách may giả áo dài hai lớp, cách điệu thêm một số chi tiết để phù hợp thì giá thành sẽ phù hợp hơn.

Giá cả thì tùy theo yêu cầu của người mặc nhưng tầm trên dưới 1 triệu/bộ tùy thuộc vào chất liệu. Sở dĩ giá thành loại áo dài này cao là vì áo dài ngũ thân tốn rất nhiều vải. Một bộ áo dài ngũ thân cần tới khoảng 10m vải nên giá thành đội lên so với bình thường.

Nhà thiết kế Quang Hòa hướng dẫn khách hàng cách gấp áo dài ngũ thân. Ảnh: Minh Quân

TS. Thái Kim Lan

Tôi nghĩ, chiếc áo dài khi may và mặc có nhiều yếu tố. Nó đến từ nhà thiết kế và người mặc. Người thiết kế sẽ may và đưa mẫu mã đến người mặc lựa chọn; người mặc tự nguyện và sáng tạo. Chính người may cũng đề nghị và đưa ra kiểu sáng tạo của mình. Nên người trẻ có thể sáng kiến ra nhiều chất liệu rất thỏa mái, đơn giản mà vẫn rất đẹp và sang. Với khí hậu nắng, gió, mưa nhiều như ở Huế thì chất liệu cần phù hợp, đảm bảo thỏa mái khi mặc.

 

Bà từng đưa ra ý kiến: “Cần nối lại sự “đứt gãy” cho áo dài nam”. Vậy, chúng ta cần hành động như thế nào để đưa áo dài nam đi vào cuộc sống nhiều hơn?

Minh Duy - minhduyqrt

TS. Thái Kim Lan

Tôi nghĩ, buổi giao lưu hôm nay cũng là cách góp phần nối lại sự "đứt gãy" đó!

Theo tôi, có nhiều khả năng để áo dài trở lại với khung cảnh sinh hoạt ở Việt Nam. Đầu tiên cần khởi tạo ý thức về vẻ đẹp áo dài nam trong mọi tầng lớp, độ tuổi. Làm thế nào để khích lệ, tạo sự tương đồng hưởng ứng. Thật ra, dư luận suốt một tháng nay phản ứng như kiểu một "người ngủ say" vừa được "đánh thức" nên họ có cảm giác khó chịu nhất thời.

Tôi đi xa vừa trở về nên có góc nhìn khác để so sánh. Trong mắt tôi, không chỉ áo dài nữ, áo dài nam cũng thể hiện sự chuẩn mực và sự nghệ thuật.

Sau khi tạo được ý thức, cần sự quảng bá rộng rãi về áo dài. Đó là nhiệm vụ của truyền thông, các cuộc hội thảo, giúp những người định kiến nhìn nhận chưa thuyết phục chuyển qua yêu thích hơn áo dài nam.

Cuối cùng là làm thế nào để có một bộ sưu tập áo dài trình lên UNESCO. Việc  thế giới công nhận thì áo dài sẽ có sức sống và lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.

 

Dưới góc độ người mặc, theo anh có cần chỉnh sửa gì ở áo dài ngũ thân để phục trang và làm việc thuận lợi hơn?

Thanh Hà - hathanhhue

Họa sĩ Đỗ Văn Lân, cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao

Dưới góc độ là một người họa sĩ, cũng là người đang mặc áo dài ngũ thân, chúng ta hiểu rõ áo dài ngũ thân gồm 5 thành tố: Khăn, giày, áo lót, quần và áo ngũ thân.

Mỗi thành tố đều có một chức năng và mang ý nghĩa thẩm mĩ khác nhau. Mặc áo ngũ thân là để cho tâm sáng hơn. Do đó, cá nhân tôi cho rằng, áo dài có thể có những cách tân nhẹ nhàng. Nên chăng nên chỉnh sửa quần: có thêm dây kéo khóa, lưng chun, túi giấu… để thuận thiện hơn trong sử dụng.

Nhà thiết kế Quang Hòa lấy số đo khách hàng để may áo dài ngũ thân. Ảnh: Nguyễn Quân

Nhà thiết kế Quang Hòa

Hiện tôi đã có thay đổi về kiểu dáng nhưng không thay đổi quy cách ví dụ như thiết kế và may phần tay thoải mái hơn, nách và tà gọn hơn. Về phần quần, tôi sẽ có thay đổi ví dụ như quần có lưng thun, túi giấu để bỏ những vật dụng cần thiết như điện thoại, chìa khóa,... Những thay đổi này để thuận tiện cho việc di chuyển và sinh hoạt của người mặc.

Thừa Thiên Huế đang trong quá trình thực hiện đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”; xây dựng bộ hồ sơ công nhận áo dài truyền thống Huế là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể. Dự kiến Sở Văn hóa và Thể thao sẽ có những bước gì tiếp theo để chiếc áo dài nam được đón nhận?

Gia Thịnh - thinhgialam

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao

Đây là đề án lớn, phải thực hiện trong nhiều năm.

Chúng tôi có rất nhiều hoạt động bề nổi hướng về cộng đồng và hoạt động chuyên môn để lan tỏa áo dài truyền thống, trọng tâm là áo dài ngũ thân.

Trước tiên là việc khôi phục lan tỏa áo dài để Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch ghi tên vào di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, sau đó mới tranh thủ nhiều ý kiến và hoàn chỉnh hồ sơ để trình lên UNESCO.

Người mẫu trong các mẫu áo dài tại lễ tri ân người sáng lập áo dài Việt Nam. Ảnh: Ngọc Lục Bảo

Chúng tôi bắt đầu từ khối công chức ngành văn hóa để lan tỏa áo dài ngũ thân. Chúng tôi có văn bản gửi UBND tỉnh cho phép Sở mở rộng việc mặc áo dài đến công sở. Vận động các cơ quan trong khối văn hóa sẽ hưởng ứng. Từ đó có sự lan tỏa mạnh mẽ hơn. Tiếp tục đầu tư nghiên cứu khoa học để lý giải một cách đầy đủ về truyền thống, nét văn hóa đặc sắc của áo dài.

Việc phục hồi bộ quốc phục của người đàn ông Việt Nam, nếu làm thành công tại Huế sẽ lan tỏa trong cả nước.

Họa sĩ Đỗ Văn Lân, cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao

Để thực hiện thành công đề án kinh đô áo dài, tôi cho rằng cần có sự vào cuộc của rất nhiều ngành. Song song với ngành văn hóa là ngành du lịch. Nếu các hướng dẫn viên nam, người làm dịch vụ du lịch mặc áo ngũ thân khi đón khách thì áo dài ngũ thân sẽ có nhiều cơ hội hơn để quảng bá, làm “sống lại” áo dài ngũ thân.

Áo dài nam sống lại trong môi trường giáo dục có ý nghĩa rất quan trọng. Hiện các học sinh nam, các thầy vẫn chưa mặc áo dài như nữ sinh và các cô giáo. Do đó, ngành giáo dục cần chung tay với ngành văn hóa để đưa áo dài nam vào các trường học, song cần có phương pháp, kế hoạch cụ thể để áo dài ngũ thân nam có thể sống lại và nổi bật như áo dài nữ.

Nhà thiết kế Quang Hòa

Cái quan trọng để truyền tải sức lan tỏa của áo dài ngũ thân là cần truyền thông nhiều hơn để truyền tải ý nghĩa nhân văn của áo dài ngũ thân. Vì một thời gian dài, áo dài ngũ thân như GS Thái Kim Lan nói bị “đứt gãy” nên có thể nhiều người chưa hiểu được giá trị và ý nghĩa của áo dài ngũ thân. Vừa rồi trong chương trình "Sự tử tế" tôi tham gia, rất nhiều bạn trẻ cảm thấy thích thú. Họ đã có những phản hồi rất tích cực. Rõ ràng là so với Kimono của Nhật Bản hay Hanbok của Hàn Quốc thì mặc áo dài ngũ thân khá đơn giản chứ không như những ý kiến trái chiều là bất tiện hay không phù hợp...

TS. Thái Kim Lan

Tôi xin nhấn mạnh là giải pháp giáo dục, từng bước thay đổi định kiến về áo dài nam. Để tạo dựng ý thức thì cần giáo dục, tạo sự tự giác, đồng thời có sự hướng dẫn, uốn nắn. Để xây dựng đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam”, có nhiều con đường thực hiện, nhưng chung quy là tạo được sự yêu thích và tôn trọng… trang phục này.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao

Chúng tôi khi vận động công chức mặc áo dài đều có sự định hướng, gắn liền với nhiệm vụ thực hiện đề án “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” nên phải biết vượt qua những ngại ngùng ban đầu.

Chương trình giao lưu trực tuyến đến đây xin kết thúc, những câu hỏi gửi đến sau chúng tôi sẽ chuyển đến khách mời để trả lời cho bạn đọc.

Xin cảm ơn bạn đọc đã theo dõi và tương tác.