Đu tiên, mong ngày trở lại

Cứ vào dịp đầu xuân, các làng Thế Chí Tây (xã Điền Hòa), Gia Viên (xã Phong Hiền), Thủ Lễ (xã Quảng Phước)… của Thừa Thiên Huế thường tổ chức hội đu xuân để cầu cho dân an vật thịnh.

 

Đu tiên Phong Hiền. Ảnh: BẢO MINH

Các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin đều cho rằng, đây là loại hình “đu tiên”. Thực ra, đó là đu nhún, còn “đu tiên” từ lâu đã không còn xuất hiện trong lễ hội vui xuân trên đất Thừa Thiên Huế. Trước đây, khi nghiên cứu về lễ hội dân gian ở làng Phò Trạch, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, tôi đã được người cậu là Nguyễn Đức Doãn kể lại các trò đu trong hội xuân ngày xưa ở Phò Trạch gồm: đu tiên, đu nhún, đu rút và đu giàn xay (còn gọi là đu ngóc). Song từ kháng chiến chống Pháp, trong các hội đu xuân, cùng các loại hình nghệ thuật dân gian nổi tiếng, như múa hát sắc bùa, hát trò, tập chèo… đã bị mai một. Những địa danh: Cồn Hội, Cồn Đu, Bến Trò... vẫn còn đó nhưng chỉ là hình ảnh của một thời vang bóng xa xưa.

Cách đây khá lâu, TS. Ngô Văn Trân, Phó Giám đốc thường trực Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại thành phố Huế, khi đọc bài nghiên cứu về trò đu của tôi (trong đó có mô tả về đu tiên), ông cho biết quê ông ở làng Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc cũng có trò đu tiên. Gần đây, khi tham gia Trại sáng tác do Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế tổ chức tại Lăng Cô, tôi mới có dịp về Phú Gia để nghiên cứu về trò đu tiên sôi nổi một thời ở làng này.

Đón tôi là anh Ngô Văn Bản, trưởng thôn Phú Gia. Khi biết tôi về tìm hiểu về đu tiên của làng, anh tỏ ra phấn khởi và nhiệt tình, vì lâu rồi chưa có ai đến tìm hiểu về nét đẹp văn hóa ở làng quê này. Lúc đầu tôi cũng nghĩ chắc trò đu tiên ở đây chỉ còn trong ký ức của những người già, nhưng trái lại ở đây lại nhiều người biết, vì trong hội xuân Ất Hợi năm 1995, làng Phú Gia vẫn còn tổ chức trò đu tiên kéo dài từ mồng 1 cho đến ngày mồng 6 tết. Nhưng rồi hơn 20 năm qua, trò đu này cũng đã vắng bóng trong hội xuân của làng. Mặc dù những người từng trực tiếp làm đu tiên hoặc tham gia đu tiên ngày đó vẫn còn sống. Anh Bản kể rằng, năm đó anh đang làm thợ sơn ở Hà Nội nhưng vẫn gửi tiền về ủng hộ làng làm đu tiên. Bác Lê Sắc năm nay 70 tuổi, là người tổ chức hội xuân năm đó còn kể lại, lần đó đó có mấy người khách nước ngoài đến xem đu tiên, có ủng hộ tiền cho làng.

Để hiểu về trò đu tiên, có lẽ phải dẫn tư liệu của cụ Trịnh Hoài Đức (1765 – 1825) viết trong sách Gia Định thành thông chí (viết khoảng từ năm 1820 – 1822) ở chương Phong tục chí, mục phong tục toàn thành (tức tục ở Nông Nại đại phố, sau gọi là Gia Định thành). Nguyên văn Hán Nôm giới thiệu về đu tiên, tạm dịch như sau: “… lại có trò vân xa thu thiên (tục gọi tên là đu tiên), và tiếp tục mô tả chi tiết: “hai bên trồng hai trụ gỗ cao, gác ngang một cái trục bằng gỗ xoay động được, khoét lỗ bánh xe bằng ván luồn vô trục như bánh xe guồng lấy nước vậy. Ngoài vành bánh xe đặt 8 ròng rọc bằng ván để làm chỗ ngồi, rồi 8 người phụ nữ trang sức đẹp đẽ, y phục lộng lẫy, lên ngồi theo thứ tự miếng ván ấy, đầu tiên mượn người xây bánh xe cho chạy tròn, rồi tiếp theo người ngồi trên bánh xe khi tới phiên mình ngang mặt đất thì lấy chân đạp mạnh lên mặt đất cho trớn đẩy bánh xe xoay chuyển, trông thấy y phục phơ phất như bầy tiên bay múa trong mây mù rất đẹp mắt, cuộc chơi này khởi sự từ buổi mai Nguyên đán cho đến đêm rằm tháng Giêng mới thôi”

Như vậy, ở Thừa Thiên Huế từng có trò đu tiên mà tôi đã ghi ghép trước đây ở làng Phò Trạch, xã Phong Bình, huyện Phong Điền. Và đến nay, được biết thêm đu tiên đã từng là trò chơi truyền thống từ lâu đời của người dân làng Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc trong mỗi dịp xuân về. Qua ghi chép ở Phò Trạch và được nghe các cụ ở Phú Gia mô tả, so sánh với tư liệu trong sách Gia Định thành thông chí của cụ Trịnh Hoài Đức, về nguyên lý cơ bản cách làm giàn đu đều giống nhau, vật liệu chủ yếu là gỗ lim, sến (nằm trong loại gỗ tứ thiết: đinh, lim, sến, táu) và tre đực (loại tre nhỏ, có độ chắc và dai), được tạo hình như cái guồng quay lấy nước vào ruộng. Đây chính là trò chơi xuất phát từ nền văn minh lúa nước lâu đời của người Việt.

Ngày xưa, giàn đu tiên thường có đường kính khoảng 5 – 6 mét, chơi một lượt 8 người. Ở làng Phú Gia, giàn đu tiên (theo các cụ mô tả), được làm qui mô nhỏ hơn, chỉ để chơi một lượt 4 người. Đu tiên ở Phò Trạch dựng hai trụ, nhưng ở Phú Gia lại dựng 4 trụ (chân choãi theo thế thượng thu hạ thách), có hai trếnh để luồn trục chính vào, tạo cho giàn đu vững chắc hơn. Ở làng Phò Trạch, người chơi đạp mạnh lên mặt đất, lấy đà cho giàn đu quay, còn ở Phú Gia có bố trí người đạp vào các cây tre gắn ở hai bên trục đu để làm cho đu quay tròn.

Đã hơn hai mươi năm người dân làng Phú Gia chưa có điều kiện tổ chức lại trò đu tiên. Họ bảo rằng, ngày tết xem truyền hình, thấy đưa tin về đu tiên mà hình ảnh là đu nhún là họ không chịu được vì trò đu ở Phú Gia mới gọi là đu tiên. Những người từng làm đu tiên và chơi đu tiên ở Phú Gia vẫn còn sống và luôn ước muốn khôi phục lại trò đu tiên trong ngày xuân của làng.

Theo Thừa Thiên Huế online