Bảo tồn cây thị di sản ở làng cổ Phước Tích

Viện Bảo tồn Di tích, Viện Tài nguyên và Môi trường và Đại học Huế (Viện TN&MT-ĐHH) vừa ký kết hợp đồng về việc “Khảo sát cây thị di sản ở làng cổ Phước Tích, xây dựng các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo sự tồn tại, sinh trưởng của cây”.

Một cành của cây thị di sản có nguy cơ gãy đổ

Cây thị di sản ở làng cổ Phước Tích với tuổi thọ đã trên 500 năm, là một trong 5 cây cổ thụ ở Thừa Thiên Huế đã được công nhận là cây di sản Việt Nam. Do nhiều tác động, cây ngày càng tiềm ẩn  nguy cơ bị chết hoặc có thể gãy đỗ khi gặp gió bão lớn. Ngay sau khi ký hợp đồng, Viện TN&MT-ĐHH đã thành lập tổ công tác để khảo sát hiện trường, xác định các yếu tố ảnh hưởng và các yếu tố tác động tiêu cực gây hại cây thị di sản nhằm đưa ra các giải pháp kỹ thuật khả thi để cứu hộ, bảo vệ và chăm sóc cây thị di sản. Viện TN&MT-ĐHH cũng tổ chức hội thảo tham vấn “Xây dựng các biện pháp kỹ thuật để đảm bảo sự tồn tại, sinh trưởng của cây thị di sản tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế”.

TS. Trương Thị Hiếu Thảo, chuyên gia thực vật học thuộc Trường ĐH sư phạm Huế nêu bật các đặc điểm sinh học, sinh thái và phân loại của cây thị di sản và giới thiệu ra danh mục các loài thực vật bì sinh trên vỏ cây thị, đặc biệt có một cây thắt nghẹt đang phát triển hệ rễ bao quấn thân cây thị và đã tiếp đất rất cần được loại bỏ.

TS. Lê Anh Tuấn – chuyên gia văn hoá, nghệ thuật thuộc Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Quốc gia tại Huế đã nêu lên những tác động tiêu cực mang tính xã hội, như tín ngưỡng, phong tục tập quán, ý thức của người dân, lịch sử, di sản… đối với sự tồn vong của cây thị.

Cây thắt nghẹt trên ngọn thân cây thị di sản

ThS. Trần Hiếu Quang cán bộ Viện TN&MT-ĐHH đã đưa ra 3 nhóm giải pháp kỹ thuật để cứu hộ, bảo vệ và chăm sóc cây thị di sản, bao gồm nhóm giải pháp tác động trực tiếp lên cây thị (loại bỏ cây thắt nghẹt, lớp địa y, tảo, dương xỉ; làm đai chống bảo vệ các cành có nguy cơ gãy đổ; tỉa cành tạo tán), nhóm giải pháp cải thiện môi trường chung quanh (vệ sinh và loại bỏ các vật thải quanh gốc cây; trục hạ các cây lâm nghiệp quanh cây thị có khả năng gây ảnh hưởng tiêu cực; di dời cột điện ra khỏi không gian tán cây thị…) và nhóm giải pháp dựạ vào cộng đồng (có quy định cụ thể để khách tham quan, hành hương hạn chế đốt nến, hương, vàng mã dưới gốc cây; thiết lập các biện pháp quản lý bằng nội quy bảo vệ cây thị; xây dựng quỹ chăm sóc, bảo tồn cây thị; tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân về việc bảo vệ cây di sản...).

Tham gia thảo luận, đại biểu các bên đã đóng góp tích cực nhiều ý kiến cho nội dung của các báo cáo. Hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao hoạt động của Viện TN&MT-ĐHH trong thời gian vừa qua và nhất trí cao với những kết quả điều tra hiện trạng cũng như những giải pháp kỹ thuật do Viện TN&MT-ĐHH nêu.

Để góp phần cho việc cứu hộ, bảo vệ, chăm sóc hiệu quả cây thị di sản Phước Tích, nhiều đại biểu đã góp thêm một số biện pháp với mong muốn Viện TN&MT-ĐHH tham khảo bổ sung để tăng tính hiệu quả cho việc bảo tồn cây thị di sản trong thời gian trước mắt và lâu dài. Một số ý kiến cho rằng, cần phải có nội quy bảo vệ cây thị di sản để giảm tác động tiêu cực từ phía người dân địa phương cũng như khách tham quan; vận động cộng đồng địa phương đóng góp công của để tôn tạo cảnh quan cho không gian cây thị; gắn liền việc bảo tồn cây thị với chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng kế hoạch cụ thể ngắn hạn, dài hạn để kiến nghị UBND xã, huyện hỗ trợ. Ngoài ra, cũng có một số ý kiến còn lưu tâm đến việc truyền thông cây thị di sản thông qua sản phẩm du lịch như tạo hình cây thị di sản trên đồ gốm, nhân giống cây thị con…

Ngoài các giải pháp trên, cần lưu ý xử lý bộng thân. Mặc dù có ý kiến cho rằng cây thị di sản đã sống chung với bộng thân gần cả trăm năm nhưng chẳng sao. Nhưng chính bộng thân là nguy cơ làm giảm tuổi thọ cây thị. Về mặt nguyên lý sinh học thì cây thị trưởng thành bộng ruột là lẽ tất yếu, bộng này ngày càng rộng ra theo năm tháng sinh trưởng của cây. Nếu cây khoẻ thì phần gỗ mới tăng trưởng hằng năm sẽ làm tăng đường kính thân, bù cho phần bộng ruột để giúp cây hoạt động vận chuyển nước và muối khoáng từ rễ lên lá. Tuy nhiên, nếu ruột thân bị tổn thương quá nhanh do các yếu tố ngoại tác (vi nấm, vi khuẩn, côn trùng…) thì bộng phát triển mạnh vượt qua quy luật tự nhiên, làm giảm sức chống đỡ cơ học đồng thời tạo môi trường cho các vi sinh vật thâm nhập sâu vào phần gỗ thân còn lại, là nguy cơ tiềm ẩn khiến cây có thể gãy ngang khi có gió bão.

Theo Thừa Thiên Huế online