BÀI THƠ CON TRÂU CỦA VUA THIỆU TRỊ

Bút lực của nhà vua sung mãn, làm thơ hàng ngày với hứng khởi từ công việc triều chính cộng hưởng với cuộc sống xung quanh.

 

Có lẽ trong lịch sử văn học Trung đại Việt Nam, hoàng đế Thiệu Trị (1841-1847) là người làm thơ nhiều nhất nước Việt Nam. Chỉ trong thời gian chỉ 7 năm trị vì, nhà vua đã “ngự chế” đến hơn 3.200 bài thơ. Giả sử nếu lấy số lượng thơ đó chia cho thời gian trị vì của nhà vua thì bình quân mỗi ngày đều đặn nhà vua đã sáng tác 1,6 bài thơ.

Đó chỉ bàn luận về số lượng, còn về “chất lượng” xét nghệ thuật ngôn ngữ, thì đến nay thơ vua Thiệu Trị được đánh giá rất cao về mặt chữ nghĩa. Chỉ riêng 2 bài thơ “Vũ Trung sơn thủy” (Non nước trong mưa) và “Phước viên văn hội lương dạ mạn ngâm” (Ngâm vịnh trong đêm thơ ở vườn Phước Viên) cũng đủ chứng minh điều này. Cả hai bài thơ đều có cùng hình thức trình bày, chạm khảm theo đồ hình bát quái. Bài thơ là một kiểu chơi chữ trí tuệ của một vị vua. Chỉ từ 56 chữ, vua Thiệu Trị đã cho đến 64 bài thơ thất ngôn bát cú (chưa kể 64 bài ngũ ngôn bát cú). Đó là một cách sắp xếp cực kỳ công phu, người thật có tài và vốn chữ nghĩa phong phú mới có thể làm được. Trong tập “Ngự chế cổ kim thể cách thi pháp tập” của vua Thiệu Trị có chép 2 bài thơ này cùng với 155 bài chơi chữ khác theo lối đọc xuôi, đọc ngược, đọc ngang, đọc vòng quanh.

Bút lực của nhà vua sung mãn, làm thơ hàng ngày với hứng khởi từ công việc triều chính cộng hưởng với cuộc sống xung quanh. Đặc biệt, nhà vua có tập thơ Ngự đề đồ hội thi tập (hơn 1 ngàn trang). Trong tập này, có phần Ngự đề nhân, vật đồ hội thi tập. Ở phần đề vịnh vật, ngoài các đề vịnh các loài hoa, quả, có 12 bài thơ vịnh 12 con vật gồm sư tử, hổ, báo, beo, voi, ngựa, gấu, nai, hươu, dê, trâu, lạc đà. Điều thú vị là tương ứng với mỗi bài thơ là một bức tranh vẽ minh họa con vật được đề vịnh ấy. Các bức tranh vẽ đều do Bộ Công thực hiện. Tại tờ 47 a,b quyển 14 là bức tranh vẽ con trâu và bài thơ vịnh về “Con trâu” của vua Thiệu Trị. Nhân năm Tân Sửu, xin giới thiệu bức tranh vẽ và bài thơ đề vịnh này:

Phiên âm chữ Hán:

Ngưu

Phẩm bình bách thú lượng vi tiên,

Giá sắc chi tư lịch hữu niên.

Chung tuế sừ vân đồ thư lực,

Thâm tiêu suyễn nguyệt phất hoàng miên.

Vĩ thiêu bất quản mục công trận,

Giai ổn hoàn năng nhập tướng quyền.

Phủ súc hư mi ứng khả quý,

Nhất nguyên đại vũ lễ thành toàn.

Dịch thơ:

Con trâu

Muôn thú đầu tiên xét luận bàn,

Giúp người gieo gặt suốt bao năm.

Mây đùn hết vụ hình thư tịch,

Trăng thở đêm sâu vội giấc tàn.

Nóng nảy theo sau roi mục quất,

Vững vàng trở lại hợp uy tràn.

Mất công nuôi vỗ đúng không phí,

Trâu đúng giúp người việc vẹn toàn.

(Hải Trung dịch)

So với thơ các vua Nguyễn, thơ vua Thiệu Trị thường sử dụng nhiều điển tích, do vậy nên khó dịch, điều này cũng liên quan đến kiến văn sâu rộng của nhà vua. Ngay trong bài thơ này, nhà vua đã dùng một tên gọi không phổ biến để chỉ con trâu đó là “nhất nguyên đại vũ”. Tên gọi này gắn với điển tích. Sách Khúc Lễ chép: Trâu gọi là nhất nguyên đại vũ, lợn gọi là cang liệp, cừu gọi là nhu mao, gà gọi là hàn âm (Ngưu viết Nhất nguyên đại vũ; Thỉ viết Cang liệp; dương viết Nhu mao; Kê viết Hàn âm). Điều đó cho thấy nhà vua là người thông tuệ nhiều kinh sách.

 Tuy nhiên, toàn bộ bài thơ vẫn là hình ảnh của một con trâu gần gũi, siêng năng, luôn cùng con người cần cù việc nông để tạo ra cái ăn hàng ngày. Trên hết là tình cảm của nhà vua dành cho hình tượng con trâu khi tác giả mở đầu bài thơ bằng một nhận định: trong trăm loài thú, khi bàn luận, trước tiên là về con vật này (Phẩm bình bách thú lượng vi tiên)... Có lẽ, luận bàn đầu tiên vì trâu là loài vật gần gũi nhất đối với cuộc sống con người phương Đông và là biểu tượng của đức cần cù, cam chịu, siêng năng, dãi dầu mưa nắng từ bao kiếp...   

Thừa Thiên Huế online