Ấn tượng đình làng xứ Huế

Huế hiện vẫn lưu lại trong lòng những ngôi đình cổ kính. Thoạt nhìn từ bên trong ra ngoài, cơ cấu toàn bộ các ngôi đình cổ được bố trí tổng thể gồm: một tòa đại đình, sân đình, cổng đình, hàng trụ biểu... đều liên kết với nhau theo một trục dọc.

Nổi tiếng nhất ở Huế là đình làng Lại Thế (xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế), cách thành phố 3 km. Đình Lại Thế xưa là một “tứ trấn” - trấn phía đông của kinh đô. Văn bản cổ nhất về di tích này ghi lại rằng: đình được xây dựng từ năm 1741, thời Lê. Ngôi đình cổ có giá trị kiến trúc nghệ thuật rất đẹp, được tu sửa nhiều lần vào các năm: 1780, 1845, 1891 và 1998.

Đình Lại Thế được xây dựng theo kiểu kiến trúc truyền thống là ngôi nhà rường, dựng bằng những cột lim tròn to thẳng tắp. Điểm đặc biệt trên các xà ngang, vì, kèo có chạm khắc rất tỉ mỉ, hình rồng hay hình hoa lá. Không gian trang nghiêm trong đình, mỗi gian đều lập một áng thờ. Gian giữa là nơi thờ vị thành hoàng của làng, các áng thờ khác thờ những người có công với làng. Đình Lại Thế còn giữ được 4 bức hoành sơn son thếp vàng chữ Hán, hệ thống câu đối và 6 sắc phong các đời vua ban tặng.

Rời đình Lại Thế, đi theo sông Như Ý khoảng 5 km thì gặp đình làng Chiết Bi, xây lên từ thế kỷ 19. Ngôi đình kiến trúc kiểu nhà rường 5 gian, 2 chái, nhưng nay chỉ còn 3 gian 2 chái, vẫn giữ được nét đẹp xưa. Bên cạnh đình là chùa Linh Quang, miếu Khổng Tử, miếu các vị khai canh. Tiếp theo đến đình làng Dưỡng Mông Thượng, xây thời vua Minh Mạng, thuộc tổng Ngọc Anh (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang). Ngôi đình có khuôn viên rất rộng rãi gồm có 3 gian, thay cho 2 chái là 2 nhà phụ. Trang trí mặt nhật trên nóc như gian chính và mỗi đầu hồi nhà chái đều có phù điêu. Mỗi gian nhà phụ lại có hai cửa sổ hình vuông chạm nổi các linh thú. Bên góc đình hướng đông là miếu Khai canh.

Đi hết làng Dưỡng Mông Thượng, băng qua sông Như Ý là đến làng Công Lương, có chợ Dạ Lê Chánh là chợ đầu mối buôn bán nón và nguyên vật liệu để làm nón Huế. Làng này còn gọi là Dạ Lê gót, do nghề truyền thống của dân làng là đan các tấm gót bằng tre. Tại đây còn đình Dạ Lê, xây dựng từ năm 1826, dưới triều vua Minh Mạng, đã được công nhận Di tích lịch sử quốc gia. Đình xây kiểu nhà rường 3 gian, 2 chái, tiền đường khá rộng, trước đình có hồ bán nguyệt. Bên trong đình có 28 cột với 20 câu đối chữ Hán. Ở giữa có bức hoành với bốn chữ “mỹ tục khả gia”- đây là một loại “bằng khen” của triều đình ban cho những làng giữ gìn tốt nề nếp gia phong.

Ngày nay, tuy thời gian đã làm phôi pha những sắc màu sơn son thếp vàng rực rỡ, nhưng những nét chạm khắc công phu vẫn còn tinh xảo. Ngắm nhìn những đường nét hoa văn chạm khắc trang trí trong đình cổ, vừa cảm nhận hương thơm của những loại kỳ hoa dị thảo, du khách bắt gặp cảm xúc vừa xa xưa, vừa gần gũi.

Theo Khoa học phổ thông