“Mùa xuân Arab” trở lại?

 

Những cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra ở Algeria và Sudan gần đây khiến nhiều người liên tưởng tới sự trở lại của cuộc cách mạng “Mùa xuân Arab” từng diễn ra trên khắp các quốc gia khu vực Trung Đông-Bắc Phi năm 2011.

Từ tia lửa nhỏ đến đám cháy lớn

Tương tự như những gì đã diễn ra ở Trung Đông-Bắc Phi 8 năm trước, mâu thuẫn phát sinh từ chính tình trạng khó khăn về kinh tế, bất ổn về chính trị-xã hội và an ninh ở Algeria và Sudan, như nạn tham nhũng, thất nghiệp, sự bất bình đẳng ngày một lớn hơn trong xã hội, hệ thống quân sự và an ninh bị chia rẽ, chính quyền bảo thủ và trì trệ trong nhiều năm... được xem là nguồn cơn tạo nên tâm lý bất mãn của người dân, dẫn tới những cuộc biểu tình rầm rộ bùng phát trên khắp đất nước.

Từ cuối năm ngoái, Sudan đã rơi vào tình trạng hỗn loạn bắt đầu từ các cuộc biểu tình nổ ra ngày 19-12-2018, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực và các mặt hàng nhu yếu phẩm tăng mạnh, đồng thời bất bình khi chính quyền thể hiện năng lực quản lý yếu kém, khiến đời sống của người dân khó khăn hơn. Thời điểm đó, Sudan phải đối mặt với cuộc khủng hoảng ngoại hối trầm trọng và tỷ lệ lạm phát tăng vọt, lên tới 70%, giá trị đồng nội tệ lao dốc mạnh, trong khi tình trạng khan hiếm lương thực, nhiên liệu kéo dài tại nhiều địa phương trong cả nước. Quyết định của Chính phủ Sudan tăng giá mặt hàng thiết yếu bánh mỳ lên gấp 3 lần được cho là “giọt nước tràn ly” khiến làn sóng biểu tình lan rộng và nhanh chóng biến thành bạo lực, tựa như một đám cỏ khô chỉ cần bén một tia lửa nhỏ châm ngòi là bùng phát thành đám cháy lớn, khó dập tắt.

“Mùa xuân Arab” trở lại?
Người biểu tình Sudan tập trung gần trụ sở quân đội ở thủ đô Khartoum ngày 15-4. Ảnh: France 24.

Còn đối với Algeria, những dấu hiệu bất ổn đã xuất hiện vài năm gần đây, trong bối cảnh tình hình sức khỏe của Tổng thống Abdelaziz Bouteflika ngày càng suy yếu sau cơn đột quỵ năm 2013, khiến ông hầu như không thể xuất hiện và được cho là không thể điều hành đất nước. Algeria dần dần rơi vào tình trạng trì trệ và người dân bắt đầu mất lòng tin vào bộ máy chính quyền khi nạn tham nhũng hoành hành, tình trạng vi hiến, vi phạm các quy định pháp luật ngày càng nghiêm trọng… Trong khi đó, nền kinh tế Algeria, vốn phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu dầu, đã rơi vào tình trạng khó khăn kéo dài, đặc biệt khi giá dầu thế giới giảm “không phanh” vào cuối năm 2014 và nhiều năm tiếp theo. Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, tình hình chính trị, an ninh không được bảo đảm và nạn khủng bố gia tăng... càng tạo nên tâm lý bất mãn của người dân, nhất là trong bộ phận người dưới 40 tuổi, vốn chiếm tới 70% dân số Algeria. Làn sóng biểu tình bùng phát hơn một tháng qua phản đối chính quyền có nguyên nhân bắt nguồn từ sự mất lòng tin và bất mãn vốn đã âm ỉ trong lòng người dân Algeria thời gian qua.

Một ngã rẽ mới

Những diễn biến bất ngờ trên chính trường Algeria và Sudan đã đưa hai quốc gia Arab bước sang một ngã rẽ mới. Song không có gì bảo đảm ngã rẽ này có thể đưa Algiers và Khartoum thoát khỏi tình trạng trì trệ, khủng hoảng hiện nay.

Theo quy định của Hiến pháp Algeria, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Abdelkader Bensalah, người đang tạm thời giữ chức tổng thống, sẽ có tối đa 90 ngày để tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống và trao quyền cho người đứng đầu nhà nước đắc cử. Tuy nhiên, để tổ chức cuộc bầu cử đúng thời hạn như quy định của Hiến pháp là điều không hề dễ dàng. Chưa kể kết quả bầu cử có thể không đáp ứng được một trong những yêu sách của người biểu tình là "thay đổi triệt để hệ thống chính quyền”, thay thế toàn bộ những nhân vật được cho là thân tín của cựu Tổng thống Bouteflika. Khi đó phong trào biểu tình và làn sóng phản kháng đường phố có thể tái diễn để duy trì sức ép đòi hỏi cải cách.

Tại Sudan, mặc dù quân đội tuyên bố chỉ tạm thời tiếp quản chính quyền và sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử sau hai năm nữa, song dư luận vẫn lo ngại liệu chính quyền chuyển tiếp của quân đội có khả năng đưa ra một kế hoạch cụ thể về thời điểm cũng như cách thức chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân sự hay không. Đặc biệt, vai trò không nhỏ của quân đội trong tiến trình chuyển tiếp chính trị cũng khiến không ít người phỏng đoán về khả năng xảy ra các cuộc đấu đá tranh giành quyền lực kéo theo những bất ổn mới tại quốc gia này.

Năm 2011, khi “Mùa xuân Arab” quét qua Trung Đông-Bắc Phi, kéo theo sự sụp đổ của những thể chế đã tồn tại hàng chục năm ở châu Phi, như: Tunisia, Ai Cập, Libya, Yemen… nhiều người đã hy vọng về một tương lai mới. Nhưng những gì họ cảm nhận được giờ đây lại là một cuộc sống thậm chí còn khó khăn hơn trước. Những gì đang diễn biến ở Sudan và Algeria có phải là “Mùa xuân Arab” hay không thì chưa rõ, song có một điều chắc chắn rằng “mùa xuân” chỉ thật sự đến với những quốc gia này khi người dân không còn đói nghèo và thiếu thốn, khi những bất ổn chính trị được đẩy lùi và cải cách kinh tế được thực hiện.

HÙNG HÀ