Tấn công Syria, Mỹ muốn Nga - Iran trả giá?

Hành động bất ngờ

Ngay sau khi Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, bà Nikki Haley “xuống giọng” trong vấn đề Syria với tuyên bố tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an rằng không nên vội vã với một cuộc tấn công Syria, Mỹ cùng Anh và Pháp đã bất ngờ không kích các mục tiêu ở quốc gia Trung Đông này.

Sáng sớm 14/4, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford cho biết đợt không kích đầu tiên tại Syria đã kết thúc. Hiện Mỹ chưa có kế hoạch tiến hành thêm các vụ tấn công tại Syria.

Ông Dunford cho hay Mỹ đã sử dụng các máy bay có người lái trong chiến dịch tấn công. Mục tiêu đầu tiên của Mỹ là một cơ sở nghiên cứu khoa học tại Syria.

Tan cong Syria, My muon Nga - Iran tra gia?
Tên lửa bay trên bầu trời Damascus, Syria rạng sáng 14/4

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết có tổng cộng 3 trung tâm nghiên cứu khoa học bị tấn công, trong đó có 1 trung tâm ở khu vực Homs.

Theo ông Dunford, Mỹ không báo trước cho phía Nga trước khi bắt đầu chiến dịch này. Tuy nhiên, quan chức quân sự này cho biết Mỹ muốn giảm đến mức tối thiểu nguy cơ thương vong cho lực lượng Nga trong chiến dịch tấn công Syria.

Washington đã sử dụng các kênh giảm căng thẳng thông thường liên quan đến vấn đề không phận.

Trong khi đó, Đại sứ quán Nga tại Syria cho biết hiện vẫn chưa có thông tin về thương vong đối với công dân Nga trong chiến dịch tấn công.

Một số nguồn tin cho hay lực lượng phòng không của quân đội Syria đã đánh chặn hơn 20 tên lửa. Nhiều tiếng nổ đã xuất hiện ở thủ đô Damascus cũng như thành phố Masyaf ở tỉnh Hama.

Còn tin của hãng SANA của Syria cho biết quân đội nước này đã đánh chặn 13 tên lửa ở phía Nam thủ đô Damascus.

Giữa lúc Mỹ cùng các đồng minh Anh, Pháp tấn công Syria, tờ The Wall Street Journal của Mỹ dẫn nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết Tổng thống Donald Trump không chỉ ủng hộ tấn công quân sự quy mô lớn chống Syria mà còn yêu cầu làm sao để gây ra thiệt hại đối với Nga và Iran.

Tan cong Syria, My muon Nga - Iran tra gia?
Mỹ sẽ huy động tổng lực buộc Nga-Iran trả giá?

Cũng theo tờ báo này, ông Trump đã không hài lòng với những phương án tấn công hạn chế được đệ trình. Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, Tổng thống Trump yêu cầu phải tiến hành một cuộc tấn công sao cho không chỉ trừng phạt Syria mà còn khiến hai đồng minh “bảo trợ” (Nga và Iran) phải trả giá.

Trong phản ứng đầu tiên sau Mỹ cùng Anh và Pháp tấn công Syria, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Quốc phòng Duma quốc gia (Hạ viện) Nga Aleksandr Sherin cho rằng việc Mỹ tấn công Syria vi phạm tất cả các chuẩn mực quốc tế, trong khi Nga nhận được một hành động gây hấn từ phía Mỹ.

Ông Sherin nhấn mạnh: "Đây là Beograd thứ hai, hôm nay là bước ngoặt. Nga đã nhận được một hành động gây hấn từ phía Mỹ", bởi vì hành động này vi phạm tất cả các chuẩn mực, luật pháp quốc tế.

Theo ông, mục đích cuộc tấn công Syria nhằm hủy hoại những nỗ lực của Nga giúp đỡ quốc gia trung Đông này, và qua đó bắt Nga phải "khuất phục".

Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov tuyên bố hành động này chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường. Nga đã cảnh báo và Mỹ phải chịu toàn bộ trách nhiệm về những hậu qủa này.

Ông khẳng định Mỹ không có quyền cáo buộc các nước khác về vũ khí hóa học trong khi chính bản thân sở hữu một kho vũ khí hóa học khổng lồ.

Nga đủ sức kháng cự?

Trước đó, trước khả năng phương Tây tấn công Syria, Nga đã tiến hành những biện pháp ngăn chặn. Đáng chú ý là ngày 12/4, các tàu chiến và tàu ngầm của Nga đã rời khỏi trung tâm đảm bảo hậu cần kỹ thuật hải quân ở Tartus.

Trên bầu trời, các máy bay chống tàu ngầm Il-38H, máy bay phát hiện radar tầm xa A-50 đang hoạt động, và các lực lượng phòng không của Nga và Syria luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu cao độ.

Tại sân bay Hmeymin, tất cả các lực lượng không quân của Nga đều hoạt động, cũng như phần lớn không quân Syria, cho thấy Moscow có sự tự tin nhất định rằng Mỹ không có ý định tấn công vào các địa điểm có quân đội Nga.

Căn cứ này được các hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 và Pantsir-S1, có khả năng tiêu diệt các tên lửa hành trình Tomahawk và các mục tiêu trên không khác, bảo vệ.

Hệ thống phòng không S-400 và Pantsir của Nga tại Hmeymim

Giới phân tích Nga cũng cảnh báo, để đối phó với những tên lửa và các đòn không kích “thông minh” theo lời Tổng thống Mỹ, phía Nga sẽ sử dụng các phương tiện tác chiến diện tử, mà theo thông tin của Lầu Năm Góc là trên thực tế đã làm tê liệt hoạt động của các máy bay không người lái Mỹ trên lãnh thổ Syria. Các phương tiện tác chiến điện tử này được hy vọng có thể chống lại các tên lửa hành trình và các phương tiện khác của Mỹ một cách hiệu quả.

Trong trường hợp cần thiết, để tiêu diệt các tàu sân bay mang tên lửa hành trình và bom thì từ phía các tàu chiến Nga có thể sử dụng các tên lửa hành trình Kalibr, còn từ các máy bay của lực lượng không quân Nga có thể sử dụng tên lửa hành trình chống hạm X-32 và X-35.

Không loại trừ khả năng Nga sử dụng cả những máy bay chiến đấu siêu thanh MiG-31 được trang bị tên lửa siêu thanh Kinzhal độc nhất trên thế giới (tầm bắn hơn 2.000 km). Đáng chú ý là hiện chưa có “thuốc giải” chống lại tên lửa này của Nga.

Theo nguồn tin của Iran, Bộ Quốc phòng Nga đề nghị sử dụng lãnh thổ Iran cho các máy bay chiến đấu tầm xa của nước này - như máy bay mang tên lửa, ném bom siêu thanh Tu-22M3 và Tu-95, cũng như các máy bay tiếp liệu Il-78.

Khói bốc lên từ một mục tiêu bị không kích tại Damascus rạng sáng 14/4

Báo chí Nga không loại trừ khả năng các loại tên lửa diệt hạm và tên lửa hành trình chiến lược không đối đất X-101 có khả năng tấn công các mục tiêu trên biển sẽ được sử dụng. X-101 có xác suất sai số chỉ 5 m ở tầm bắn 5.500 km, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu di động với độ chính xác cao.

Ngay cả hãng tin Reuters của Anh cũng phải dẫn lời Trung tướng đã nghỉ hưu Ben Hodges, từng là chỉ huy trưởng lực lượng quân đội Mỹ tại châu Âu, cho rằng quân đội Nga chắc chắn đã triển khai nhiều lớp phòng thủ để bảo vệ máy bay và các tài sản của mình tại Syria, đồng thời nhận định Nga có đủ khả năng để chống lại các cuộc tấn công từ Mỹ.

Ông Hodges nói: “Từ Thế chiến II tới nay, người Nga luôn làm rất tốt việc tự bảo vệ mình bằng hệ thống phòng không. Điểm mấu chốt của thành công này là gì? Chính là nhiều lớp phòng thủ. Đó không phải là một hệ thống bắn hạ được mọi thứ. Họ triển khai nhiều lớp tên lửa hoặc các hệ thống phòng không được tích hợp với nhau, hệ thống radar giám sát được đồng bộ và nhận lệnh tập trung”.

Theo đánh giá của giới phân tích Nga, rõ ràng cho tới nay Mỹ chỉ tiến hành cuộc chiến tranh lai ghép với mục đích chính là chứng minh sự "vĩ đại" của đất nước này và cạnh tranh với Nga trong kế hoạch về quân sự và kinh tế. Bất chấp các cuộc tấn công của Mỹ và đồng minh, Nga sẽ không thay đổi quan điểm của mình về vấn đề Syria.

Theo Đất Việt