LEXOLOGY: VIỆT NAM - QUỐC GIA HIẾM HOI CÓ VỊ THẾ TUYỆT VỜI THU HÚT FDI TOÀN CẦU

Trang Lexology của Anh vừa có bài viết khẳng định với nhận định nền kinh tế Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu khả quan hơn so với nhiều nước khác trong thời kỳ đại dịch Covid-19 và đang có vị thế tốt để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo Lexology, trong những năm qua, Việt Nam đã trở thành điểm đến của các nhà đầu tư toàn cầu, kể từ khi mở cửa thị trường, đồng thời thúc đẩy quan hệ thương mại quốc tế vô cùng tốt.

Hơn nữa, sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007. Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại truyền thống khu vực với Mỹ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới.

Việt Nam cũng đã trở thành thành viên của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) toàn cầu “kỷ nguyên mới”, hình thành các khối thương mại lớn nhất thế giới hiện nay, trong đó có Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và các FTA với Liên minh châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Trong xếp hạng mức độ thuận lợi kinh doanh hàng năm của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã tăng từ vị trí 91/183 năm 2010 lên vị trí 70/190 vào năm 2019. Không chỉ vậy, Việt Nam đã chuyển từ lĩnh vực sản xuất công nghệ thấp sang các lĩnh vực của nền kinh tế mới có giá trị gia tăng cao và công nghệ cao, công nghiệp 4.0 và chuyển đổi kỹ thuật số, theo Lexology.

Hiểu rõ khả năng duy trì lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất giá rẻ là rất hạn chế, nên Chính phủ Việt Nam đã dồn sức tập trung vào các ngành công nghiệp có giá trị cao như điện tử và kỹ thuật phần mềm, tận dụng lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Ngành công nghiệp điện tử là một trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất của Việt Nam. Trong bảng xếp hạng toàn cầu về các nhà xuất khẩu điện tử, Việt Nam đã vươn từ vị trí 47 năm 2001 lên vị trí thứ 12 vào năm 2019.

Việt Nam cũng cam kết gia tăng chuỗi giá trị sản xuất thông qua FDI và đã nỗ lực trong nhiều năm để nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Cụ thể, tháng 4 vừa qua, Việt Nam đã khởi động dự án thí điểm với 5 trường đại học của Australia để cung cấp các khóa học trực tuyến nước ngoài cho sinh viên trong nước. Động thái này đưa Việt Nam lên vị trí hàng đầu ở châu Á về hệ thống giáo dục trực tuyến.

Những nỗ lực về kinh tế và quản lý của Chính phủ Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy FDI đổ vào Việt Nam trong những năm tới, Lexology nhận định.

Bảo Trâm (Theo Lexology)