CÁC NƯỚC CHÂU Á - THÁI BÌNH DƯƠNG ĐẠT ĐƯỢC NHIỀU CAM KẾT HỢP TÁC

Vừa qua, trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), các lãnh đạo đã nhất trí đưa ra cam kết sẽ đẩy mạnh tiến trình phục hồi kinh tế trong khu vực bằng cách thúc đẩy chuỗi cung ứng, giải quyết vấn đề về lao động và tiếp tục ứng phó với đại dịch COVID-19.

 

Hợp tác quốc tế là "chìa khóa" giúp khu vực châu Á - Thái Bình Dương xây dựng nền kinh tế lớn mạnh hơn. Ảnh minh họa: Tuyengiao.vn 

Bên cạnh đó, trong một tuyên bố chung sau cuộc họp trực tuyến được New Zealand chủ trì, các nhà lãnh đạo của 21 quốc gia thành viên cũng cam kết hành động cùng nhau để giải quyết những thách thức về khí hậu và môi trường.

“Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, chúng ta quyết tâm sử dụng tất cả những công cụ kinh tế vĩ mô sẵn có để giải quyết những hậu quả bất lợi gây nên bởi đại dịch và duy trì tiến trình phục hồi kinh tế, đồng thời duy trì tính bền vững tài khóa dài hạn. Chúng ta sẽ tăng cường nỗ lực để đảm bảo hàng hóa tiếp tục lưu thông, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn”, các nhà lãnh đạo cho biết trong một tuyên bố chung.

Được biết, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh căng thẳng thương mại khu vực vẫn đang tồn tại và căng thẳng địa chính trị gia tăng, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như các nước vẫn đang triển khai nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết đại dịch và khủng hoảng khí hậu.

Phát biểu trước các nhà lãnh đạo APEC tại hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh cam kết tăng cường quan hệ của Mỹ với các nền kinh tế APEC “nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư công bằng, cởi mở, tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ và đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Cũng theo Tổng thống Joe Biden, cuộc khủng hoảng khí hậu là một cơ hội to lớn để tạo ra nhiều việc làm và các quốc gia phải làm việc cùng nhau để hướng tới một tương lai bền vững.

Một tuyên bố của Nhà Trắng cũng thông tin rằng Tổng thống Joe Biden đã thảo luận về các cách để giải phóng sức mạnh kinh tế của khu vực và tăng cường sự hiện diện kinh tế của Mỹ trên khắp Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong một thông tin có liên quan, Hội nghị cấp cao APEC diễn ra trước thềm hội nghị trực tuyến giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, sự kiện được nhiều người mong đợi dự kiến tổ chức vào ngày 15/11 tới.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng nhấn mạnh rằng khi mọi người sống chung với COVID-19, hợp tác quốc tế là “chìa khóa” để giúp khu vực châu Á - Thái Bình Dương xây dựng nền kinh tế mạnh hơn.

Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, những nỗ lực cần phải được thực hiện ngay lập tức để giúp khu vực châu Á - Thái Bình Dương phục hồi, bắt đầu từ tiến trình mở lại biên giới.

“Giờ đây, tiến trình tiêm chủng vaccine COVID-19 đã được triển khai với tốc độ ổn định và an toàn. Nhiều nền kinh tế đã giới thiệu các hành lang đi lại cho những du khách đã tiêm chủng đầy đủ và mong muốn mở rộng chính sách này”, Thủ tướng Lý Hiển Long chia sẻ.

Tuy nhiên, vấn đề phức tạp sẽ xuất hiện giữa các nền kinh tế áp dụng chiến lược “Zero COVID” và những nền kinh tế đã chuyển sang sống chung với COVID.

Vấn đề quan trọng lúc này là phải nhận ra tầm quan trọng của việc mở lại biên giới trong nhiều lĩnh vực. APEC là một nền tảng tốt để chia sẻ các ý tưởng và thực tiễn tốt nhất về cách mở lại biên giới an toàn.

Thủ tướng Lý Hiển Long cũng khuyến khích các nền kinh tế nhanh chóng công nhận lẫn nhau về chứng chỉ y tế kỹ thuật số và tiếp tục thu hút sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp thông qua Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC.

Ngoài ra, các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng cần tăng cường độ tin cậy trong chuỗi cung ứng. Đây là vấn đề cần thiết phải được xem xét, nhất là trong bối cảnh đại dịch đã thúc đẩy các nền kinh tế xem xét khả năng phục hồi chuỗi cung ứng...

Hội nhập kinh tế khu vực một cách sâu rộng cũng phải được thúc đẩy. Cụ thể, các thành viên APEC đã có những bước đi đáng khích lệ hướng tới tầm nhìn về một khu vực thương mại tự do ở châu Á - Thái Bình Dương. Trong đó bao gồm các hiệp định như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Dựa trên những thành quả này, các nước nên tiếp tục lên kế hoạch để cố gắng và đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa cho khu vực thương mại tự do của châu Á - Thái Bình Dương. Các nền kinh tế phải nhìn ra và nắm bắt cơ hội trong các lĩnh vực tăng trưởng mới...