Vời vợi nỗi nhớ thương đồng đội

Những người lính Hà Tĩnh và trên cả nước nói chung trở về từ chiến trường ác liệt thường mang trong mình nỗi nhớ thương về những đồng đội đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Ký ức ấy thường có một “điểm chạm” để cồn lên tha thiết.

Vời vợi nỗi nhớ thương đồng đội

Trong những phút trong lòng cuộn trào nỗi nhớ, CCB Nguyễn Ngọc Ký lại lần giở những trang lưu bút của đồng đội để tìm lại những vui buồn của một thời đạn bom.

Đón tôi ven quốc lộ 1A (qua thôn Thắng Thạch, xã Cẩm Hưng, Cẩm Xuyên) là người đàn ông rắn rỏi - cựu lính đặc công Nguyễn Ngọc Ký. Tôi nhận ra ông bởi một cánh tay đã bị cụt cứ giơ lên vẫy vẫy những chiếc xe chạy qua và nói “tôi, Ký đây”. Tôi đã dừng lại khi ông vừa dứt câu nói ấy và có cảm giác như đó là âm vực vọng lên từ xa xôi trong lồng ngực ông, đó là lời nói giản đơn nhất, tha thiết nhất mà ông muốn cất lên khi có điều kiện trở lại chiến trường xưa.

Năm 1967, khi chàng thanh niên Nguyễn Ngọc Ký vừa tròn đôi mươi thì cũng là lúc cuộc chiến tranh chống Mỹ của dân tộc bước vào giai đoạn khốc liệt nhất. Nơi ông đến sau khi nhập ngũ là chiến trường Bình Trị Thiên.

Ông Ký chia sẻ: “Lúc đấy trong tôi, lý tưởng cách mạng sáng rực, chỉ muốn đến những nơi khốc liệt nhất, háo hức được hòa mình vào khí thế ra trận trùng trùng của dân tộc. Đạn bom không sợ, đói khổ không sợ, chỉ mong được hiến dâng tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước”.

Bây giờ, ký ức về những trận đánh vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Ở đó có sự kiêu hùng, có tinh thần quyết tử. Ở đó cũng rưng rức nỗi nhớ thương những đồng đội, đồng chí đã mãi mãi gửi lại cuộc đời nơi sâu thẳm sông núi Trị Thiên.

Vời vợi nỗi nhớ thương đồng đội

Lúc rảnh rỗi, cựu lính đặc công lại kể với cháu con chuyện chiến trường năm nào...

Một phần trong ký ức hào hùng ấy đã được ông chia sẻ: “Mùa xuân năm Mậu Thân 1968, đất trời Trị Thiên không ngày nào bình yên, khắp nơi chỉ là những tọa độ chết. Ấy thế mà, đơn vị đặc công của tôi (Đại đội 1, Trung đoàn 812, Sư đoàn 324) ai cũng muốn quyết tử với kẻ thù. Ngay khi được lệnh vượt qua kho xăng La Văng (giáp giữa Quảng Trị và Thừa Thiên Huế) để tiến vào Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, tất cả đã hăm hở lên đường. Có những khi chúng tôi đi trong mịt mù khói lửa bởi địch đổ bộ số lượng quân rất lớn và đánh liên tục. Có khi tiểu đội lính đặc công của ta, 10 người phải đấu với cả tiểu đoàn địch. Hàng trăm chiến sĩ của ta đã hy sinh. Đồng đội của tôi, những người cùng quê hương, ra đi khi vừa cưới vợ, ra đi khi chưa kịp biết sự ấm mềm của bàn tay con gái đều đã nằm lại mãi mãi”.

Trong chiến dịch tiến công Đường 9 - Khe Sanh xuân hè 1968, đơn vị của ông Nguyễn Ngọc Ký tiếp tục tham gia đánh Sư đoàn thủy quân lục chiến và kỵ binh bay của Mỹ ở Đường 9 - Khe Sanh rồi sang mặt trận Nam Lào năm 1971. Cũng trong trận chiến này, ông mất đi cánh tay khi ném lựu đạn để đánh trả địch.

Vời vợi nỗi nhớ thương đồng độiCuộc sống bình dị, hạnh phúc của cựu lính đặc công bên người vợ hiền.

Sau khi bị thương, ông ngất lịm giữa chiến trường rồi bị địch bắt và trở thành tù binh nhà lao Phú Quốc. Rơi vào tay địch, chúng hỏi gì ông cũng không khai, hỏi tên thì ông khai là Quý ở đơn vị vận tải. Những ngày ấy, dưới sự tàn độc của những ngón đòn tra khảo, ông Ký đã kiên cường vượt qua. Năm 1973, ông Nguyễn Ngọc Ký được trao trả theo Hiệp định Paris. Ông trở về trong niềm vui tột cùng của gia đình khi họ đã 3 lần nhận được giấy báo tử.

Từ bấy đến nay, điều ám ảnh lớn nhất trong ông không phải đòn roi tra khảo mà chính là những khoảnh khắc chứng kiến đồng đội ngã xuống, là khoảnh khắc bới đất để chôn vội đồng đội rồi tiếp tục cầm súng chiến đấu.

Bây giờ, mỗi ngày, người thương binh 2/4 ấy vẫn thường kể chuyện chiến trường cho con cháu nghe. Ông kể để át đi nỗi nhớ thương đồng đội và hoài niệm về những năm tháng “nếm mật, nằm gai”, chia sẻ với nhau niềm mong ước tương lai…

Theo Báo Hà Tĩnh