Tháng 4/1975, truyền thông Mỹ nói gì về tình hình Việt Nam?

 

Tạp chí Time số ra ngày 14/4/1975 có bài viết “Chán nản và buông xuôi” (Fed up and turned off) viết về đợt đi gặp cử tri của dân biểu Mỹ trong dịp lễ Phục sinh 1975, cũng như về phản ứng của báo chí Mỹ xung quanh kết cục của cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Dù người Mỹ thấy buồn với sự sụp đổ ở Đông Dương, các nghị sĩ Quốc hội Mỹ về địa hạt của mình trong kỳ nghỉ lễ Phục sinh đã bất ngờ khi hầu như không gặp một ủng hộ nào cho cam kết viện trợ quân sự (cho Sài Gòn) của Tổng thống Ford. Don Bonker, nghị sĩ Dân chủ bang Washington nhận định: “Người dân đã kiệt quệ (drained). Họ muốn chôn vùi ký ức về Đông Dương. Họ coi đây là một chương bi thảm của đời sống nước Mỹ, nhưng họ không muốn thêm một đoạn nào nữa kéo dài chương này”.Nghị sĩ Cộng hòa bang Kansas nói: “Có một cảm nhận là chúng ta đã gánh vác đáng kể ở Campuchia và Nam Việt Nam, và những gì chúng ta đã làm là (quá) đủ”. Nghị sĩ Dân chủ Joseph Gaydos, người mà địa hạt của mình bao gồm những thị trấn trước kia chủ chiến ở miền Tây Pennsylvania, nói thêm: “Bức tranh toàn cảnh là hầu hết người dân đều nhận thấy, bất chấp chúng ta có tiêu phí thêm sinh mạng hay tiền của, chúng ta không thể thay đổi được kết cục”.

Trong các cuộc phỏng vấn do các phóng viên của Time tiến hành, hơn ba chục ông nghị thuật lại rằng cử tri của họ đã chán nản và buông xuôi trước (những biến cố) xảy ra ở Đông Nam Á, và lo lắng hơn về tình trạng suy thoái do lạm phát và về thất nghiệp quốc nội. Manuel Lujan, dân biểu đảng Cộng hòa bang New Mexico nói: “Người dân cảm thấy cả hai vấn đề Nam Việt Nam và Campuchia đã chìm xuống khỏi màn hình, và chúng ta cần phải lo thân cho chính mình”.

Phản ứng điển hình của cử tri mà các nghị sĩ thường nghe, chẳng hạn từ Dan Merwin, một nhân viên cứu hỏa ở Girant, Ohio: “Họ đã chấp nhận trôi xuống cống ngầm không tranh đấu, vậy mà chúng ta vẫn nói về chuyện gửi cho họ hàng triệu USD? Tôi không hiểu nổi. Đang còn nhiều người bị đói ở miền Tây Virginia”. Del, một công nhân xây dựng ở Wilmington phát biểu: “Tất cả số tiền mà (tổng thống) Ford muốn tiêu ở Đông Dương có thể đem làm nhiều việc tốt hơn ở Mỹ”.

Biên tập viên tờ Đối ngoại (Foreign AfFairs) William Bundy, người từng là Thứ trưởng Ngoại giao trong chính quyền Johnson cho rằng: “Chúng ta (Hoa Kỳ) đã làm nhiều hơn gấp bội so với những gì mà Việt Nam Cộng hòa có thể mong đợi một cách đúng mực, tại mọi giai đoạn của tiến trình (can thiệp của Mỹ) này”. Theo người kế nhiệm của Bundy ở Bộ Ngoại giao Mỹ, Roger Hilsman, hiện là một giáo sư Đại học Columbia, câu “những gì chúng ta nợ người Việt là một nền hòa bình”, nay dóng dả tại Hoa Kỳ (ý nói nay chính nước Mỹ cần phải thịnh vượng trong thái bình).

Các nhà báo cũng nhấn mạnh những quan điểm tương tự. Báo Press ở thành phố Pitsburg viết: “Cung cách đánh trận của Sài Gòn kém cỏi và đầy sợ hãi đến mức không ai có thể tin rằng, thêm viện trợ rồi sẽ thay đổi được kết cục”. Tờ Tribune ở Chicago viết: “Một cuộc can thiệp biết điều không có nghĩa là một nghĩa vụ giúp đỡ một quốc gia chảy máu đến người cuối cùng”.

Cùng lúc, các ông nghị nhận thấy hầu hết các cử tri đều cảm thông với những người tị nạn (Việt Nam) và mong Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ thức ăn, thuốc men, và nơi ở. Nghị sĩ Dân chủ Edward Koch, bang New York, nhận thấy “một nỗi đau” (trong lòng dân Mỹ) về điều kiện ăn ở của người tị nạn…

Bởi vì hầu hết các cử tri đều tin rằng sự sụp đổ của Sài Gòn và Campuchia là không tránh khỏi, các dân biểu nhận thấy dân chúng không mấy hoan nghênh nỗ lực của chính quyền Ford đổ cho Quốc hội Mỹ (đã gây nên) tình thế (thất thủ) ở Nam Việt Nam và Campuchia. Nghị sĩ Dân chủ bang Georgia, Elliott Levitas nói: “Tôi nghĩ Ford gần như đã làm mất lòng tin của người dân bằng cách tung những tin vịt như vậy”.

Tờ Free Press ở Detroit trong một cú “nổ” đầu tiên nhằm vào nguyên thủ, tuyên bố rằng “nỗ lực nhếch nhác tạo ra một con dê tế thần” sẽ chẳng đem lại cái gì, ngoài sự bị xem thường. Tờ Inquirer ở Philadenphia cho rằng những cáo buộc lẫn nhau về việc vì ai làm mất Việt Nam Cộng hòa chỉ “gây độc hại cho bầu không khí trên toàn nước Mỹ, cả hôm nay lẫn trong tương lai”.

Một triển vọng như thế làm cho các ông nghị lo lắng là cảm giác (Mỹ) đã không được tích sự gì cho Đông Dương có thể làm nước Mỹ sa vào chủ nghĩa biệt lập. Chẳng hạn, một cử tri đã viết cho nghị sĩ Dân chủ Joseph Biden, bang Delaware: “Không, không, không, không một viện trợ nào cho nước khác, trừ thức ăn, cứu trợ khẩn cấp, và giáo dục”. Nghị sĩ Dân chủ Mike McCormark bang Washington nhận thấy một sự “không sẵn lòng rõ rệt trong ủng hộ các chiến dịch viễn chinh và viện trợ cho nước ngoài”.

Tại vùng ngoại ô Chicago, nghị sĩ Dân chủ Abner Mikva nhận thấy “người dân Mỹ như muốn kéo hết các đại dương về che chắn cho mình”. Nhưng hầu hết những người Mỹ đều nhận thức được rằng các đại dương bấy nay đã không còn cung cấp được (lá chắn) bảo vệ, rằng với mọi người Mỹ, đã rõ là họ cần phải giải quyết các vấn đề trong nước, và Hoa Kỳ vẫn cần phải đối đầu với các nghĩa vụ và các thách thức trên thế giới.

Theo CÔNG AN NHÂN DÂN