Những cột mốc chủ quyền thiêng liêng ở Biển Đông Phần II: Phán quyết lịch sử của Tòa Trọng tài

“Đường chín đoạn, đường lưỡi bò, đường chữ U” là những cách gọi khác nhau mà các học giả trên thế giới dùng để chỉ yêu sách của TQ đối với quyền sở hữu khoảng 80% diện tích trên Biển Đông hiện nay. 

Khi thể hiện trên bản đồ, đường 9 đoạn này chạy sát vào vùng đặc quyền kinh tế các quốc gia ven biển Đông như Philippines, Malaysia, Việt Nam, vùng lãnh thổ Đài Loan. Ngoại trừ các học giả TQ, tất cả các học giả nước ngoài đều chỉ rõ đường lưỡi bò của TQ hoàn toàn không có cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn. Và thực tế những phán quyết của toà trọng tài được thành lập theo phụ lục 7 Công ước của LHQ về luật Biển 1982 trong vụ Philippines kiện TQ đã bác bỏ yêu sách đường 9 đoạn và quyền lịch sử của TQ về những vùng biển nằm bên trong yêu sách 9 đoạn này.

đường lưỡi bò

Ngày 12/7/2016, cả thế giới hướng về LaHay (Hà Lan) để chờ nghe phán quyết của toà trọng tài được thành lập theo phụ lục 7 Công ước của LHQ về luật Biển năm 1982 về vụ Philippines kiện TQ liên quan đến vấn đề Biển Đông.

Hoàng sa Trường sa

Là 1 quốc gia thành viên Công ước của LHQ Luật biển 1982 (UNCLOS), ngày 22/1/2013, Philippines đã đệ đơn kiện về việc TQ đã giải thích và áp dụng sai UNCLOS theo điều 279, điều 283, 284 lên toà trọng tài.

TS Nguyễn Toàn Thắng – Phó Viện trưởng Viện luật so sách, ĐH Luật HN : Trong yêu cầu khởi kiện thì Philippines đã nêu ra tất cả 15 nội dung rất dài. Tựu chung lại có mấy nội dung cơ bản. 

Thứ 1, Philippines yêu cầu toà xác định yêu sách về đường đứt khúc của TQ là hành vi vi phạm các quy định Công ước của LHQ về luật Biển 1982. Và TQ không có quyền yêu cầu “quyền lịch sử” vượt qua những giới hạn mà công ước quy định. 

Thứ 2, Philippines yêu cầu toà xác định một số cấu trúc địa chất mà TQ chiếm đóng trái phép trên Biển Đông, nếu theo UNCLOS, không có quy chế của đảo, mà chỉ có quy chế của đá hoặc bãi cạn lúc chìm lúc nổi. 

Thứ 3, Philippines kiện TQ đã vi phạm UNCLOS khi cản trở Philippines thực thi các quyền chủ quyền, quyền tài phán và quyền tự do trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines. 

Thứ 4, Philippines kiện TQ đã vi phạm các quy định của Công ước UNCLOS khi thực hiện các công trình xây dựng trên quy mô lớn, cải tạo các cấu trúc trên Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng gây ra ô nhiễm đối với môi trường biển.

TS Nguyễn Toàn Thắng

Ngay trong đơn khởi kiện đệ trình toà, Philippines cũng đưa ra lưu ý toà về việc không khởi kiện vấn đề chủ quyền mà chỉ kiện về quy chế pháp lý, các cấu trúc trên vùng biển đang có tranh chấp với TQ. 

Tuy nhiên ngày 31/3/2014, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ đã tuyên bố rằng TQ không chấp nhận và sẽ không tham gia vụ kiện và khẳng định toà trọng tài không có thẩm quyền đối với vụ kiện, cách đúng đắn để giải quyết tranh chấp là thông qua tham vấn và đàm phán, TQ không thay đổi quan điểm hay chính sách hiện hành về vụ kiện.

TS Nguyễn Toàn Thắng

TS Nguyễn Toàn Thắng

Quay trở lại câu chuyện về lịch sử của “đường lưỡi bò”. Yêu sách của “đường lưỡi bò” được TQ đưa ra 1 cách không chính thức từ chính quyền Trung Hoa Dân quốc (chính quyền Tưởng Giới Thạch). 

Tháng 1/1948, Bộ Nội vụ nước Cộng hoà Trung Hoa chính thức công bố “Bản đồ các đảo trên Nam Hải”. Trên bản đồ này có xuất hiện 1 đường đứt khúc bao gồm 11 đoạn mà TQ gọi là đường hình chữ U, một số học giả gọi đó là “đường lưỡi bò”, thể hiện quyền làm chủ đối với 4 nhóm quần đảo, bãi ngầm lớn trên Biển Đông. Đó là các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Pratas và bãi cạn Macclesfield mà TQ gọi là Đông Sa và Trung Sa

Năm 1949, Cộng hoà nhân dân Trung hoa ra đời và tiếp tục sử dụng đường lưỡi bò được thể hiện giống như trên bản đồ trước đó gồm 11 đoạn. Tuy nhiên, đến năm 1953, bản đồ vẽ đường lười bò của TQ xuất bản chỉ còn 9 đoạn, trước đó nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa chưa có 1 tuyên bố chính thức nào về ý nghĩa pháp lý quốc tế cũng như quốc gia của đường đứt đoạn này.

Hoàng sa Trường sa

Thậm chí, trong những văn bản pháp lý quan trọng của CHND Trung Hoa về các vùng biển (như các tuyên bố về Lãnh hải 1958, về Lãnh hải và vùng tiếp giáp 1992, về đường cơ sở 1996 và về vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 1998...) thì đường yêu sách này cũng không hề được nhắc đến.

Để tuyên truyền đường lưỡi bò, TQ đã truyền đạt các kiến thức phi lý trên cho thế hệ trẻ nước này vào chương trình SGK dành cho học sinh trung học, tuy nhiên TQ chưa bao giờ đưa ra tuyên bố chính thức trước dư luận quốc tế. Cho đến ngày 7/5/2009, lấy cớ phản đối báo cáo quốc gia của Việt Nam và báo cáo chung của Việt Nam và Malaysia về xác định ranh giới ngoài thềm lục địa, TQ đã gửi cho Tổng thư ký LHQ Công hàm kèm theo tấm bản đồ đường lưỡi bò, hay gọi là đường 9 đoạn, đường chữ U. đây được coi là tuyên bố đầu tiên bằng văn bản trong hơn 60 năm qua thể hiện quan điểm chính thức của TQ về chủ quyền tại khu vực Biển Đông và công bố bản đồ đường yêu sách này với thế giới.

Khi xem xét những vấn đề này, toà trọng tài nhận thấy các bản đồ về đường đứt khúc 9 đoạn, 10 đoạn, 11 đoạn tuy không trùng khớp về vị trí địa lý, về toạ độ nhưng có đường vẽ vùng hướng đi không thay đổi nên toà trọng tài đã căn cứ vào tấm bản đồ kèm văn bản TQ gửi LHQ năm 2009 để làm căn cứ xác định cho vụ kiện. 

TS Nguyễn Toàn Thắng - Phó Viện trưởng Viện luật so sách, ĐH Luật HN nói, việc TQ đưa ra yêu cầu đấy là quyền lịch sử thì 1 trong những câu hỏi toà đặt ra liệu TQ có thực hiện quyền lịch sử trong đường đứt khúc 9 đoạn hay không. Để xác định điều đó thì toà đã xem xét những bằng chứng để xác định là từ thời xa xưa thì liệu rằng chỉ có ngư dân TQ thực hiện các hoạt động đánh bắt khai thác hải sản trong đường này hay không, hay bao gồm như dân của tất cả các nước. Thì với những bằng chứng thu được thì đã khẳng định không phải chỉ của ngư dân TQ mà tất cả ngư dân các nước trong khu vực đều thực hiện việc đánh bắt hải sản tại khu vực này. Vì vậy việc TQ khẳng định là có quyền từ lâu, duy nhất trong việc khai thác, đánh bắt nguồn tài nguyên trong đường đứt khúc là không có cơ sở pháp lý. Hơn nữa toà khẳng định là mỗi quốc gia khi yêu sách về lịch sử thì quyền này, yêu sách này đã chấm dứt khi anh trở thành thành viên của Công ước. Vì vậy quyền lịch sử mâu thuẫn với quyền của quốc gia ven biển trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thì không tồn tại khi mà các quốc gia như Philippines, TQ trở thành thành viên của Công ước. Với những lập luận, nguyên tắc xuất phát từ thống trị biển như vậy thì toà đi đến kết luận yêu sách vè đường đứt khúc 9 đoạn, về quyền lịch sử của TQ là không có cơ sở pháp lý, và vi phạm các quy định của Công ước Luật biển 1982.

Bác bỏ yêu sách “quyền lịch sử” của TQ đối với vùng biển nằm trong phạm vi đường lưỡi bò. 

Chiều 12/7/2016, phán quyết của hội đồng trọng tài chính thức được công bố. Nội dung của phán quyết đã đề cập đầy đủ 7 nội dung mà toà trọng tài đã lựa chọn thẩm quyền xét xử của mình trong số 15 điểm của đơn khởi kiện. Nội dung phán quyết của toà chỉ tập trung phán xét về việc giải thích và áp dụng sai các quy định công ước LHQ về luật biển, không liên quan gì đến tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và tranh chấp về phân định các vùng chồng lấn. 
- Bác bỏ “quyền lịch sử” đối với tài nguyên trong đường yêu sách 9 đoạn; 
- Khẳng định các cấu trúc (thực thể địa lý) thuộc Trường Sa không có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý;
- Các hoạt động của TQ ngăn cản Philippines thực hiện các quyền của mình trong vùng đặc quyền kinh tế, kể cả vùng biển xung quanh bãi cạn Scaborough là vi phạm UNCLOS 1982;
- Các hoạt động khai thác, xây đảo nhân tạo của TQ đã gây hại cho môi trường biển;
- Tất cả những hoạt động đó của TQ đã làm trầm trọng thêm tranh chấp.

TS Trần Việt Thái – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Học viện Ngoại giao nói, có thể nói rằng với những phán quyết như vậy, toà đã nêu bật được chiến thắng của công lý, thắng lợi của công lý quốc tế, của quan hệ quốc tế dựa trên pháp quyền. Một điểm nữa toà cũng chỉ rõ các loại hành vi vi phạm bao gồm 9 loại hành vi vi phạm khác nhau. Về lâu dài trở thành những chuẩn mực ứng xử trong quan hệ giữa các nước không chỉ ở khu vực Biển Đông mà trên toàn cầu. Tôi cho rằng phán quyết của toà là bước diễn giải quan trọng công ước luật biển, và vì toà có tính ràng buộc nên các biên liên quan sẽ phải tuân thủ. Tôi nghĩ rằng nó sẽ đóng góp quan trọng vào việc duy trì hoà bình, ổn định ở khu vực, góp phần bước tiến quan trọng để các quốc gia ven biển sống với nhau 1 cách hoà bình hữu nghị.

Theo VIETNAMNET