Những cột mốc chủ quyền thiêng liêng ở Biển Đông Phần I: BẰNG CHỨNG LỊCH SỬ XÁC ĐÁNG

Trong vùng biển bạc, mỗi hòn đảo không chỉ như những thỏi vàng xanh mà còn là cột mốc chủ quyền tự nhiên của quốc gia. Số liệu thống kê cho thấy, cứ 100km vuông lãnh thổ đất liền có 1km bờ biển. Tỉ lệ này của VN cao gấp 6 lần trung bình thế giới.

GS TS Nguyễn Chu Hồi

Chủ quyền biển đảo VN tính về mặt địa lý kéo dài liên tục từ Bắc tới Nam trong một phạm vi diện tích rộng lớn và được khẳng định trên các chứng cớ lịch sử vững chắc, các cơ sở pháp lý theo luật biển quốc tế và quá trình cư trú trong một thời gian dài liên tục của bao thế hệ cha ông người Việt.

Hoàng sa Trường sa

Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm gần như giữa Biển Đông, có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, là khu vực có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Trường Sa và Hoàng Sa là hồn thiêng sông núi, nơi thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu của những thế hệ người con đất Việt và là những cột mốc chủ quyền không cần phải tranh cãi của Việt Nam ở biển Đông

Các tư liệu cho thấy nhà nước Việt Nam, từ thời kỳ phong kiến, đến thời kỳ XHCN ngày nay, đã khai phá, xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nhiều vùng biển đảo khác thuộc lãnh thổ Việt Nam. 

Có thể kể đến một số ví dụ như bản đồ hành chính chính thức về cương vực nước ta thời Nguyễn là “Đại Nam nhất thống toàn đồ” được hoàn thành vào năm 1838 đã thể hiện đầy đủ hình ảnh quần đảo Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa và các đảo nhỏ riêng biệt.

Đại Nam thống nhất toàn đồ

Đây là tấm bản đồ gần như hoàn toàn trùng khớp bản đồ về lãnh thổ và hải giới Việt Nam sau này. Điều này cho thấy ngay từ thời kỳ đầu triều đình nhà Nguyễn đặc biệt chú trọng tới phân giới, cắm mốc và khẳng định chủ quyền biển đảo của quốc gia. 

Những cuốn sách sử dưới triều Nguyễn có giá trị như: “Đại Nam Thực Lục Chính biên”, “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục”, “Minh Mệnh Chính Yếu”, “Đại Nam Nhất Thống Chí...” 

Việc xác lập chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cũng được ghi nhiều trên Châu bản triều Nguyễn đã được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thuộc chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 

Dẫn chứng như Châu bản ngày 12/2 năm Minh Mạng thứ 17 (năm 1836) ghi nhận phúc trình của Bộ Công về sai người ra Hoàng Sa thực thi nhiệm vụ. 

Theo GS, TS Nguyễn Quang Ngọc - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển, Đại học Quốc gia HN, tư liệu Châu bản nhà Nguyễn là những công văn, giấy tờ, báo cáo của các Bộ và các địa phương lên nhà vua, được nhà vua trực tiếp nghiên cứu, xem xét và phê duyệt, có ý kiến ở đó.

châu bản triều Nguyễn

Châu bản năm Minh Mệnh thứ 19

Ý kiến của vua được đánh dấu bằng các hình thức như châu phê, châu điểm..., các dấu đó là dấu son của nhà vua, trực tiếp đánh dấu trên văn bản. 

Đấy là cơ sở pháp lý cực kỳ quan trọng vì nói đến chủ quyền quốc gia lãnh thổ thì chủ quyền đó phải là chủ quyền của Nhà nước. 

Nhà Nguyễn đã đẩy hoạt động chủ quyền lên đến tầm cao nhất, tức nhà vua trực tiếp chỉ đạo từng công việc cụ thể một ở Hoàng Sa, Trường Sa”, ông Ngọc nói.

Một trong những bằng chứng quý giá khác khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là bộ Atlas thế giới của nhà địa lý học Philippe Vandermaelen xuất bản năm 1827 tại Brussels (Vương quốc Bỉ). 

Trong bộ Atlas này, Việt Nam được giới thiệu thông qua 4 tấm bản đồ số 97, 105, 106 và 110. 

Ví dụ như tấm 106 vẽ đường bờ biển miền Trung Việt Nam từ vĩ tuyến 12 đến vĩ tuyến 16, phía ngoài khơi quần đảo Hoàng Sa đã được vẽ khá chi tiết và chuẩn xác trong khoảng vĩ độ 16-17 và kinh độ từ 109-111, bên cạnh khu vực được xác định là Hoàng Sa có 1 bản giới thiệu tóm tắt về đế chế An Nam. 

Ngoài ra, bộ Atlas còn có tấm bản đồ số 98 mang tên Partie de la Chine vẽ khu vực Quảng Đông và đảo Hải Nam của Trung Quốc nằm trong khoảng vĩ độ 18-21, kinh độ từ 106-114. Điều đó ghi nhận biên giới cực Nam của Trung Quốc chưa chạm đến vĩ độ 18.

bản đồ Việt Nam

Có 1 điều đáng lưu ý, đó là tất cả các bản đồ của Trung Quốc từ thập kỷ đầu thế kỷ 20 trở về trước cũng hoàn toàn thống nhất với tấm bản đồ của Philippe Vandermaelen cũng như các bản đồ khác mà phương Tây đã vẽ. Tất cả đều không vẽ biên giới lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc xuống dưới vĩ độ 18.

Một minh chứng khác là vào ngày 25/8/1883, bản hoà ước giữa Pháp và triều Nguyễn đã xác lập quyền bảo hộ lâu dài của Pháp trên toàn bộ đất nước Việt Nam. 

Điều này đồng nghĩa với việc chủ quyền của Việt Nam, trong đó có chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều do người Pháp quyết định. 

Trong khoảng thời gian từ năm 1925-1949 với tư cách là đại diện nhà nước Việt Nam về mặt đối ngoại, Pháp đã thực thi các chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, lập đồn trú, dựng bia chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa cũng như giải quyết tranh chấp về chủ quyền với Nhật và Trung Quốc. 

Từ ngày 5/9-8/9/1951 tại hội nghị San Francisco có đại diện của 51 nước tham dự để ký kết hoà ước với Nhật. Trong phiên họp toàn thể mở rộng ngày 5/9, với 48 phiếu trống, 3 phiếu thuận đã bác bỏ chủ quyền của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đối với quần đảo Hoàng Sa và những đảo xa hơn nữa phía Nam. 

Tới ngày 7/9/1951, Thủ tướng kiêm Ngoại giao trưởng của Chính phủ quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu đã tuyên bố 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam, không một đại biểu nào trong hội nghị có bình luận gì về tuyên bố này.

Hiệp định Geneve

Không chỉ vậy, Hiệp định Geneve được ký kết ngày 20/7/1954cũng đã công nhận Việt Nam là một nước có nền độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất. 

Ngày 2/7/1976, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá 6 (1976-1981), Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất được bầu vào ngày 25/4/1976 đã quyết định đổi tên nước là Cộng hoà XHCN Việt Nam. Nhà nước Cộng hoà XHCN Việt Nam hoàn toàn có nghĩa vụ, quyền hạn tiếp tục quản lý và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. 

Năm 1988, trong chuyến thị sát tại quần đảo Trường Sa, Đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng đã dự lễ kỷ niệm 33 năm truyền thống của Quân chủng Hải quân Việt Nam tại đảo Trường Sa Lớn. 

Tại đây, Đại tướng đã có phát biểu quan trọng khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thật sự trên thực tế, phù hợp với pháp lý quốc tế, đạo lý quốc tế.

Nguồn: VIETNAMNET.VN