Lê Nguyễn Lưu: Một đời đam mê nghiên cứu

Với trên 1.000 công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Huế, nhất là những đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu, bảo tồn di sản Hán Nôm, nhà nghiên cứu (NNC) Lê Nguyễn Lưu xứng đáng với danh hiệu “cây đại thụ Hán Nôm Huế”.

Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu

Nhà Hán Nôm học

Sinh ngày 12/11/1937 tại làng Tả Phan, xã Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), sau khi tốt nghiệp ngành Việt - Hán tại Đại học Văn khoa Huế, ông theo nghiệp giáo viên giảng dạy môn văn tại Trường THPT Vinh Lộc, Trường THCS Hương Phú rồi Trường THCS Nguyễn Chí Diểu. Ông về công tác tại Sở Giáo dục & Đào tạo Thừa Thiên Huế một thời gian trước khi chuyển sang làm chuyên viên tại Nhà Bảo tàng Huế, từ năm 1991 đến 2011. Tại đây, ông đã có nhiều đóng góp, công bố các công trình nghiên cứu về lĩnh vực lịch sử, văn hóa có giá trị, như: Tư liệu điền dã vùng Huế về thời kì Tây Sơn (NXB Thuận Hóa, 1997),  Địa chí làng Mĩ Lợi (NXB Thuận Hóa, 1999), Văn bản Hán Nôm làng xã vùng Huế - nghiên cứu và tuyển dịch (NXB Thuận Hóa, 2006),Văn hóa Huế xưa (gồm 3 tập, NXB Thuận Hóa Huế, 2006), Mạch sống của hương ước trong làng Việt miền Trung (NXB Thuận Hóa, 2007), Vua Minh Mạng và viện Thái y triều Nguyễn (NXB Thuận Hóa, 2007)… Đặc biệt, cuốn Ấn chương Việt Nam từ thế kỷ 16 đến cuối thế kỷ 19 trong dân gian vùng Huế đã công bố nhiều văn bản Hán Nôm được phát hiện tại làng Mĩ Lợi, liên quan đếnviệc khẳng định chủ quyền về quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Riêng mảng đề tài Hán Nôm, ông có những công trình đồ sộ khá ấn tượng, như Từ chữ Hán đến chữ Nôm (NXB Thuận Hóa, 2002), Đường thi tuyển dịch (2 tập, NXB Thuận Hóa, 1997; tái bản lại năm 2007), Bích Phong di cảo (NXB Thuận Hóa, 2006), Nguồn suối Nho học trong thi ca Bạch Vân cư sĩ (NXB Thuận Hóa, 2000), Khoán định, Hương ước và đời sống làng xã xứ Huế (Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam - Hà Nội, 2012)…

Dịch thơ không phải là một công việc dễ dàng. Dịch thơ Đường lại khó khăn gấp bội. Muốn dịch được thơ Đường, phải đáp ứng đủ ít nhất ba điều kiện: tinh thông Hán tự, phải nắm được cái “tạng” của thi nhân và phải dịch làm sao vẫn giữ nguyên phần hồn và niêm luật vốn khắt khe của thơ Đường. Đó là lý do vì sao ông Lưu tâm đắc nhất vẫn là hai tập Đường thi tuyển dịch, dày gần 2.000 trang mà ông dành cả tâm hồn, trí lực và thời gian để cố gắng chuyển thể loại thơ ca bác học kinh điển này sang ngôn ngữ Việt.

Niềm đam mê với di sản văn hóa Huế

Mỗi lần đến thăm căn nhà nhỏ của ông bên bờ sông An Cựu trên đường Phan Đình Phùng, lúc nào chúng tôi cũng bắt gặp “ôn" Lưu cặm cụi bên bàn làm việc, gõ từng chữ trên máy tính mà theo ông: “Đó là những công trình tâm huyết về di sản văn hóa Huế mà cả đời đã nghiên cứu, sưu tầm, nay cần phải lưu trữ một cách bền vững và bài bản bằng công nghệ tin học”. Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên, với một độ tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng ông vẫn dành niềm đam mê cho sách vở, cho nghiên cứu, tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho khoa học.

Cho đến nay, ông đã có trên ngàn bài về lịch sử và di sản văn hóa Huế công bố trên 2 tạp chí mà ông cộng tác thường xuyên là Huế xưa & nay và Nghiên cứu & Phát triển của Sở Khoa học & Công nghệ . Ông tự nhận mình là một “nhà Nho” nhưng lại có duyên với Phật học, với di sản văn hóa Phật giáo Huế. Ông cho rằng, “Huế là mảnh đất hội tụ nhiều nền tinh hoa của văn hóa dân tộc, đặc biệt là thánh địa của Phật giáo”.

Ông đã cho công bố một số công trình di sản văn hóa Phật giáo xứ Huế mà theo chúng tôi, thật hiếm người có thể làm được. Đó là cuốn Tuyển dịch văn bia chùa Huế do Tạp chí Nghiên cứu & Phát triển Thừa Thiên Huế ấn hành (NC&PT, số 49,50, 2005), gồm 45 bài văn bia thuộc 22 ngôi cổ tự xứ Thuận Hóa. Công trình mang tính chất giới thiệu, dịch thuật văn bản học, mang đến độc giả các giá trị và lịch sử hình thành các ngôi chùa cổ tại Huế thể hiện trên hệ thống văn bia chữ Hán, như chùa Từ Hiếu, Thiên Mụ, Ba La Mật, Linh Quang, Diệu Đế, Tường Vân, Thuyền Tôn, Trúc Lâm, Thánh Duyên...

Ấn tượng nhất là công trình khái quát quá trình hình thành, lịch sử trùng tu, và dấu tích của các vị Hòa thượng khai sơn những ngôi cổ tự, thậm chí là những nhân vật gắn bó với lịch sử Phật giáo xứ Đàng Trong, như chúa Nguyễn Phúc Chu, vua Minh Mạng, Thiệu Trị... hay các Nho sĩ, văn học gia như Tuy Lý Vương Miên Trinh, Nguyễn Thượng Hiền… đã từng để lại bút tích nay vẫn còn lưu dấu trên di sản văn bia chùa Huế.

Vẫn còn những ấp ủ

Dù đã bước qua cái độ tuổi “xưa nay hiếm” nhưng với nhiệt huyết và niềm đam mê, ông Lưu vẫn dành phần lớn thời gian để tìm tòi, khảo cứu, miệt mài trên từng trang sách, từng trang tư liệu Hán Nôm mà trước đây ông đã sưu tầm được để cho ra những bài viết hay và có giá trị. Nhiều người trong giới nghiên cứu, kể cả sinh viên, học viên mỗi khi “bí” các vấn đề liên quan đến mảng văn tự học chữ Hán đều tìm đến và được ông chỉ bảo, nhiệt tình giảng giải thấu đáo.

Hiện nay, ông Lưu có trong tay ba bộ công trình đồ sộ về Hán Nôm Huế. Đó là 3 tập bản thảo Văn khắc Hán Nôm Huế (mỗi tập dày trên cả ngàn trang) chia làm ba đề tài: cung đình-phủ đệ, chùa chiền và hệ thống văn khắc Hán Nôm dân gian. Ngoài ra, còn có các cuốn Biền văn và đối liễn (dày cả 1.000 trang), Giáo dục Huế từ những năm đầu thế kỷ 20 đến 1975, Làng Phước Yên - Hương chí lược biên và làng Thanh Phước - Hương chí lược biên.

Trong khi thị trường xuất bản, in ấn các văn hóa phẩm sách, báo, tạp chí đang ngày một “nhốn nháo” về mặt chất lượng, học thuật cũng như nội dung đề tài nghiên cứu thì việc những tư liệu quý có giá trị về thật sự về mặt di sản văn hóa Huế, đặc biệt về mảng Hán Nôm Huế do Nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu dành tâm huyết cả một đời biên soạn hiện đang phải “cất kho, xếp xó”, quả là một điều đáng tiếc.

Bài, ảnh: Nguyễn Văn Cương