KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ HOÀNG VĂN THỤ (4/11/1909-4/11/2019) TẤM GƯƠNG KIÊN TRUNG, BẤT KHUẤT

Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã cống hiến trọn cuộc đời cho Tổ quốc, cho Nhân dân, với niềm tin không lay chuyển ở thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Đồng chí đi vào cõi bất tử trong niềm tiếc thương và cảm phục của đồng chí, đồng bào.

Tuổi trẻ Lạng Sơn tìm hiểu sự nghiệp cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Ảnh: tienphong.vn

Người cán bộ tận tụy của phong trào

Đồng chí Hoàng Văn Thụ là người dân tộc Tày, sinh tại tổng Nhân Lý, châu Văn Uyên (nay là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn).

Hoàng Văn Thụ thông minh, học giỏi, sớm tiếp thu ảnh hưởng của các phong trào yêu nước. Tháng giêng năm 1928, Hoàng Văn Thụ cùng Lương Văn Chi từ Đồng Đăng sang Trung Quốc tìm bắt liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Lúc này, Tưởng Giới Thạch đã phá vỡ liên minh quốc - cộng, quay lại khủng bố những người cộng sản.

Hoàng Văn Thụ không được dự các lớp huấn luyện ở Quảng Châu nhưng anh đã trở thành hội viên của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1933, được đồng chí Lê Hồng Phong trực tiếp bồi dư­ỡng, Hoàng Văn Thụ chính thức trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dư­ơng. Đồng chí tích cực hoạt động xây dựng cơ sở và phong trào cách mạng ở vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Từ giữa năm 1938, đồng chí Hoàng Văn Thụ được Xứ ủy Bắc kỳ phân công chỉ đạo phong trào cách mạng ở Thái Nguyên, Vĩnh Yên, Quảng Ninh. Hội nghị Trung ương 6 của Đảng (11/1939) đã giao cho đồng chí trách nhiệm Bí thư Xứ ủy Bắc kỳ. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, phong trào cách mạng ở các tỉnh phía Bắc được củng cố và phát triển.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ đã cùng Xứ ủy Bắc kỳ đề ra chủ trương củng cố khu căn cứ địa Bắc Sơn - Vũ Nhai và duy trì đội du kích Bắc Sơn làm nòng cốt cho sự phát triển lực lượng vũ trang của cách mạng. Đồng chí cũng là người trực tiếp nhận chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Tĩnh Tây (Trung Quốc) cuối năm 1940 và chuẩn bị tổ chức Hội nghị Trung ương 8 (5/1941) tại Pắc Bó (Cao Bằng).

Tại Hội nghị này, đồng chí Hoàng Văn Thụ được bầu vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng, phụ trách công tác binh vận và công vận. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí, phong trào đi lên, lan rộng trong công nhân và lôi kéo cả một bộ phận tiểu thương tham gia ủng hộ. Tổ chức Công nhân cứu quốc được phát triển trong các nhà máy. Tháng 3/1943, đồng chí Hoàng Văn Thụ chỉ đạo cuộc đấu tranh của công nhân xưởng gỗ Săng-Cô của Nhật. Thắng lợi của cuộc đấu tranh này có ảnh hưởng lớn, khích lệ tinh thần đấu tranh của công nhân các xí nghiệp khác.

Người đồng chí được mến yêu, cảm phục

Hoàng Văn Thụ là ngư­ời cộng sản gan dạ, dũng cảm, sẵn sàng nhận những nhiệm vụ khó khăn nhất khi phong trào cách mạng yêu cầu. Những năm đầu Chiến tranh thế giới thứ hai, kẻ địch khủng bố gắt gao. Xứ ủy phải nhiều lần chuyển địa điểm. Nhiều khi không chắp được mối, anh Lý (đồng chí Hoàng Văn Thụ), anh Toàn (đồng chí Trường Chinh) phải ngủ ngoài ruộng ngô, phải ăn bánh đúc trừ bữa. Nhưng Hoàng Văn Thụ vẫn vững tin vào quần chúng cách mạng. Anh nói: “Quân địch cố nhiên không để ta yên. Nhưng quần chúng nhất định không xa rời cách mạng. Chỉ sợ những người lãnh đạo chúng ta xa rời quần chúng, không sợ quần chúng xa ta. Quân địch không có quần chúng ủng hộ. Chẳng bao lâu chúng ta sẽ chắp được mối, lúc đó quần chúng lại che chở cho ta, và phong trào lại lên...”.

Với các cơ sở cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ luôn hòa mình vào cuộc sống bình dị hàng ngày. Ở mỏ Hà Lầm (Hòn Gai), với tên mới là Vân, đồng chí trực tiếp lao động như­ một công nhân thực thụ. Thái độ khiêm tốn, chân thành, lối sống giản dị, chan hoà của anh đ­ược anh em công nhân rất yêu mến và gần gũi. Anh Lý - bí danh của đồng chí Hoàng Văn Thụ - luôn luôn được mọi người tin yêu. Đi đến đâu, “anh Lý” cũng được dân thương, dân đùm bọc, nuôi giấu.

Người cộng sản kiên cường, bất khuất

Đồng chí Hoàng Văn Thụ bị mật thám Pháp bắt tại khu Tám Mái (Hà Nội) do một kẻ phản bội. Mọi thủ đoạn dụ dỗ mua chuộc hay tra tấn dã man đều thất bại trước dũng khí của đồng chí. Bất lực, thực dân Pháp đã tuyên án tử hình đồng chí trong phiên toà đại hình ngày 21/12/1943.

Sáng sớm ngày 24/5/1944, trước khi bị đưa đi bắn, đồng chí Hoàng Văn Thụ bình tĩnh sửa sang lại quần áo, nói với các đồng chí của mình: “Tôi xin gửi lời chào tất cả các đồng chí trong tù và bên ngoài. Chúc các đồng chí mạnh khỏe. Chúc cách mạng của chúng ta mau chóng thành công”.

Theo lời người giám thị kể lại: Một cha cố được đưa đến để rửa tội (!) hỏi: “Anh có muốn nói gì nữa không?”. Anh Thụ bình tĩnh trả lời: “Không nói gì nữa. Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước, và các ông, những kẻ cướp nước, sự hy sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”.

Báo cáo ngày 24/5/1944 của Sở mật thám Bắc kỳ viết: “Người có tên Hoàng Văn Thụ, tức Lý, tức Giáo, Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, người đã bị phân ban đặc biệt toà án binh thường trực Hà Nội kết án tử hình ngày 21/12 năm ngoái (1943) đã bị bắn sáng ngày 24 này tại trường bắn Bạch Mai. Trước đội lính, người tử tù vẫn hô to nhiều lần khẩu hiệu bằng tiếng Pháp và tiếng Việt: Đảng Cộng sản Đông Dương muôn năm! Đảng Cộng sản Pháp muôn năm! Việt Nam độc lập muôn năm!”.

TS. NGÔ VƯƠNG ANH