KHÁNH QUÝ QUỐC TỰ THIÊN MỤ

Công sứ Pháp R. Orband có viết bài khảo cứu về chiếc khánh đá phát hiện tại làng La Chữ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên đăng trong tạp chí Bulletin des Amis du Vieux Hué (B.A.V.H., 1915). Ông cho biết: theo dân làng La Chữ kể lại, đầu triều Gia Long (1803) trong lúc đào con ngòi đi qua trước sân đình, người dân đã phát hiện được cái khánh đá bị vỡ nằm sâu dưới đất, họ đem khánh vào chùa cất giữ. Năm 1915, hương chức làng La Chữ đem khánh tặng cho Hội đô thành hiếu cổ. Năm 1923, khi Viện bảo tàng Khải Định thành lập, khánh đá được mang ra trưng bày tại đây.
Để giải tỏa những nghi ngờ và góp phần đính chính những nhầm lẫn của các nhà nghiên cứu trước đây, trong bài viết này chúng tôi xin cung cấp thêm một số thông tin chính xác về chiếc khánh đá, một bảo vật đã chìm nổi theo vận nước hơn 200 năm nay.


Hiện tại, khánh đá quý còn nằm yên trong kho của Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế. Căn cứ theo bản vẽ của họa sĩ Tôn Thất Sa năm 1915, chiếc khánh đá này đã bị vỡ làm 3 mảnh (xem bản vẽ minh họa): (1) mảnh vỡ lớn nhất: từ phần đầu xuống thân khắc minh văn, (2) mảnh vỡ góc bên trái của khánh; (3) mảnh vỡ góc bên phải của khánh (bị mất từ trước năm 1915).
Rất tiếc, tại kho lưu trữ của Bảo tàng Mỹ thuật cung đình Huế hiện nay, không biết do nguyên nhân nào, chúng tôi lại phát hiện chiếc khánh đá không còn nguyên trạng như thời điểm Tôn Thất Sa mô tả, mà lại bị vỡ thêm phần đầu, còn phần thân khắc minh văn (tức mảnh vỡ lớn nhất) thì lại bị vỡ làm hai!
Căn cứ hiện trạng và những thông tin từ bài minh văn được khắc trên khánh đá, chúng tôi phiên âm và dịch nghĩa như sau:
Phiên âm:
“… Tuế thứ Mậu Tuất… mệnh Cai bộ quan Vĩnh Khánh hầu Trịnh Phước Trí(1) trúc tu Trừng Giang tự. Hà hạnh tam nguyệt thập thất nhật, tại ư tự tiền giang trung đắc nhất ban thạch sắc như tử ngọc, vận đới kim thanh. Tùy tức hiến Thượng ngự lãm, quả hệ mỹ thạch, tri thị tường thụy, nan khảo niên đại. Tùy mệnh thạch công trúc vi vân khánh, ngự bút lộng đề ký, tán. Vĩnh trấn bang gia thắng ư Sở quốc chi thiện nhân dã.
Tán viết:
Thạch sanh tú thủy – Ngọc xuất Côn sơn
Tề an tích nhật – Trừng thủy thử gian
Điển chi bất dị - Ngộ chi diệc nan
Sắc phân ngũ thái – Thanh đới kim am
Trúc thành vân khánh – Bát âm liệt ban
Vĩnh trấn cổ tự – Tường thụy vạn niên.
Bảo Thái ngũ niên, tuế thứ Giáp Thìn, thập nguyệt sơ tam cát đán kỉ”.
Dịch nghĩa:
“Năm Mậu Tuất… ra lệnh cho Cai bộ Vĩnh Khánh hầu Trịnh Phước Trí sửa chữa, xây dựng chùa Trừng Giang. Ngày 17 tháng 3, may sao tìm được phiến đá hoa văn màu như ngọc đỏ thẩm, âm thanh như tiếng chuông, ngay giữa khúc sông trước mặt chùa, bèn đem dâng ngay lên chúa thượng xem xét. Ngài xác nhận đúng là loại đá tốt, biết rõ điềm lành, nhưng khó khảo xét niên đại. Ra lệnh cho thợ đá chế tạo thành chiếc khánh hình mây. Chúa thân viết bài văn và bài tán ca ngợi sự việc hy hữu, cho khắc vào khánh để giữ làm vật báu của nước nhà, còn hơn người lương dân nước Sở(2) vậy.
Khen rằng:
Nước tốt sanh đá – non Côn xuất ngọc
Từ xưa vẫn yên – dòng nước sông Trừng
Được nó không dễ – gặp nó cũng khó
Sắc phô năm màu – tiếng nhẹ chuông ngân
Chế thành khánh mây – bày theo lễ nhạc
Trấn mãi chùa xưa – điềm lành vạn thuở.
Niên hiệu Bảo Thái thứ 5, buổi mai đẹp trời, ngày 3 tháng 10 năm Giáp Thìn, ghi lại”.
Nhận xét:
Ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tuất (17/4/1718), Cai bộ Trịnh Phước Trí phát hiện phiến đá kỳ lạ tại khúc sông trước chùa Trừng Giang, thuộc làng Trường Giang, tổng Đa Hòa thượng, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Sau đó đưa về Phú Xuân tiến lên Minh vương Nguyễn Phước Chu (1691-1725). Chúa cho chế tạo thành chiếc khánh hình đám mây (vân khánh), hoàn thành vào ngày 3 tháng 10 năm Giáp Thìn (18/11/1724), đưa vào tôn trí trong ngôi chùa cổ làm bảo vật của đất nước. Qua bản vẽ của họa sĩ Tôn Thất Sa năm 1915, chúng ta thấy chiếc khánh là một tác phẩm điêu khắc mỹ thuật hoàn hảo. Một mặt, phần đầu khánh khắc hai con rồng năm móng chầu vào hai chữ “Quốc chúa”, phía dưới khắc hình ấn vuông ghi: “Quốc chúa ngự bút chi bảo”, kèm hai chữ “Ngự thư”. Phần thân khánh khắc minh văn kèm hai dấu tròn và vuông nhỏ ghi “Vạn cơ dư hạ”. Bài minh văn với bút pháp bay lượn tuyệt đẹp, chứng tỏ Minh vương Nguyễn Phước Chu không chỉ là tác gia văn học lớn mà còn là một thư pháp gia ở Đàng Trong thế kỉ 18, khó ai sánh bằng. Mặt kia của khánh khắc đề tài “ngũ long tranh châu”, với hình ảnh rồng năm móng bay lượn trong mây giành nhau ngọc quý.
Chúng ta biết, Minh vương Nguyễn Phước Chu là vị chúa hết lòng sùng mộ đạo Phật. Dưới thời ông, chùa Thiên Mụ được kiến thiết nguy nga trở thành ngôi chùa lớn nhất ở Nam hà. Lễ Phật đản năm Canh Dần (1710) Quốc chúa cho đúc quả chuông lớn cúng vào chùa Thiên Mụ. Năm Ất Mùi (1715), chúa cho dựng bia đá lớn ghi lại công việc xây dựng ngôi quốc tự và quan điểm của ông về tôn giáo. Qua các sự việc đó chúng ta có thể tin rằng, chiếc vân khánh quý báu phải được đưa đến tôn trí tại chùa Thiên Mụ mới phù hợp tâm cảnh của Minh vương.
Nhiều văn gia, thi sĩ xưa có đề cập đến chiếc khánh quý báu nổi tiếng của chùa Thiên Mụ(3). Tiến sĩ Phan Huy Ích (1750-1822), một đại thần triều Cảnh Thịnh (Tây sơn), ghi rõ ràng nhất: “Chùa Thiên Mụ xưa đã do Hiếu Minh Vương xây dựng nên, cơ ngơi rộng rãi, tráng lệ nguy nga; dựng bia đá trắng khắc văn ghi việc; lại có chiếc khánh đá quý từ hướng tây đưa về treo gác chùa. Đó là cảnh đẹp bậc nhất của thiền lâm ở chốn Nam hà. Mùa Đông năm Bính Thìn (1796), Huy Ích tôi vâng lệnh đi công cán ở Phú Xuân, từng qua vãn cảnh thăm chùa. Trước năm này, quan quân đã triệt bỏ các điện chùa cũ. Mùa Xuân năm Bính Thìn đã đem chiếc khánh quý để vào trong điện vua, nền chùa còn lại thì san đi để đắp thành đàn cúng tế. Ngày Hạ chí, vua (Cảnh Thịnh) ngự ra tế thần đất, thấy còn lại một tòa Phật đường làm nơi vua ngự. Ngoài ra, nào viện, nào am đều đổ nát không còn gì… Huy Ích tôi ngẫu nhiên lại thăm chốn cũ, bùi ngùi xúc cảm…”(4).
Mùa Hè năm Tân Dậu (1801), chúa Nguyễn Phúc Ánh thu phục kinh thành Phú Xuân, triều đình Tây Sơn tan rã tháo chạy ra Bắc. Có thể trong biến cố này chiếc khánh đá trong cung vua đã thất lạc về làng La Chữ, nơi đại tướng Tây sơn Võ Văn Dũng đặt tổng hành dinh. Sau quân đội Tây sơn rút đi, dân làng sợ liên lụy nên đem chôn giấu trước sân đình. Đến triều Gia Long (1802-1819), tái thiết chùa Thiên Mụ, vua cho đem chiếc “Bình Trung quán khánh” bằng đồng do Trần Đình Ân làm Hội chủ đúc năm Đinh Tỵ (1677) về tôn trí ở điện Phật, thay thế chiếc khánh đá đã bị thất lạc.
Chiếc khánh đồng này dài 1m60 rộng 0,80m, hai mặt trang trí hoa văn hình mặt trời, mặt trăng và các chòm sao. Mặt trước ghi: “Khánh của quán Bình Trung, đúc vào giữa mùa Thu năm Đinh Tỵ (1677), niên hiệu Vĩnh Trị thứ 2 (Lê Hy Tông)”. Mặt sau ghi: “Hội chủ Trần Đình Ân, đạo hiệu Minh Hồng, pháp danh Tịnh Tín, mười phương công đức”(5).
Hơn 400 năm lịch sử, biết bao nhiêu chuyện thăng trầm của đất nước, thịnh suy của các triều đại nhưng tiếng chuông Thiên Mụ vẫn vang vọng thức tỉnh lòng người. Tấm bia đá vẫn uy nghi ngự trên lưng rùa thần giúp hậu thế biết rõ công đức hộ trì Phật pháp của Quốc chúa Bồ tát Hưng Long Nguyễn Phúc Chu. Chỉ tiếc chiếc “Vân Khánh” chưa đủ duyên lành để trở về quốc tự Thiên Mụ, theo đúng tâm nguyện của người xưa khi tạo ra khánh quý để “Vĩnh trấn cổ tự, tường thụy vạn niên”!

Chú thích:
(1). Trịnh Phước Trí được phong tước Vĩnh Khánh hầu, đứng đầu Tướng thần lại ty, phụ trách việc tài chánh, thuế khóa thời chúa Nguyễn.
(2). “Sở quốc chi thiện nhân”: Nhắc tích người thợ ngọc Biện Hòa, người nước Sở thời Chiến Quốc.
(3). Xem: Bài thơ “Thiên Mụ tự” trong Tang thương ngẫu lục của Nguyễn Án và Phạm Đình Hổ; và bài thơ “Viếng chùa Thiên Mụ” của Bùi Huy Bích.
(4). Lời dẫn trước bài thơ “Phỏng Thiên Mụ tự chỉ tác” của Phan Huy Ích.
(5). Quán Bình Trung do Cư sĩ Trần Đình Ân lập nên, nay là chùa Bình Trung, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Theo chúng tôi được biết, chiếc khánh đồng của quán Bình Trung bị triều Tây Sơn thu dụng và để lại tại Phú Xuân sau khi tan rã. Đến triều Gia Long, vua cho đem chiếc khánh đồng này vào tôn trí tại Quốc tự Thiên Mụ thay, cho chiếc khánh đá quý đã bị mất.

http://huehoc.com/di-san-vat-chat/di-san-co-vat/khanh-quy-quoc-tu-thien-mu/