HỌ ĐÃ SỐNG NHƯ THẾ!

 

Một vắt cơm cũng chia nhau, khi đối diện với sự sống và cái chết, tình đồng đội đồng chí càng trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Cũng có những lúc họ chùn chân sợ hãi nhưng chỉ là phút mềm lòng thoáng qua. Họ đã sống và chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng.

1. Mãi mãi tuổi 20

Từ trên lán chỉ huy về, ông Nguyễn Trọng Lượng lẳng lặng xuống các đơn vị để thăm anh em, làm công tác động viên tinh thần trước giờ xuất phát. Mệnh lệnh của cấp trên vẫn được giữ kín. Cả tiểu đoàn hơn 500 người gồm 3 đại đội, mỗi đại đội có 3 trung đội hoạt động độc lập với nhau.

Xuống tới đại đội của mình, nhìn những gương mặt lính 17 - 18 tuổi mà lòng ông nghẹn đắng. Anh em vẫn cười đùa, chào hỏi nhau, vẫn kể chuyện gia đình, tình yêu, có người còn mải viết thư cho gia đình, người yêu… không ai nghĩ rằng chỉ vài tiếng đồng hồ nữa thôi, giờ phút định mệnh cho cả đơn vị sẽ bắt đầu.

Có những lá thư không bao giờ được hoàn tất… Những chiếc lán dựng tạm bợ lính tráng vẫn quây quần ngồi kể chuyện, người nào cũng hướng về Bắc, mong ngày chiến thắng trở về. Có người, thực tế hơn, chỉ mong sống sót qua được chiến dịch là mừng. Mỗi người một việc, một tâm sự khác nhau, một hoàn cảnh xuất thân… nhiều gương mặt, cho đến bây giờ ngay cả trong giấc mơ, ông Lượng vẫn còn nhớ tới họ như một người em, một người bạn, một người đồng chí.

2. Đường Trường Sơn trong chiến tranh

Trước thời điểm này, tháng 3/1968, miền Bắc đã chi viện thêm cho chiến trường một đợt quân mới nên hầu hết, lính trong tiểu đoàn đều là lính mới, kinh nghiệm chiến đấu cũng còn hạn chế. Chủ yếu số quân mới được bổ sung là con em các tỉnh từ Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đổ vào, một phần khác được bổ sung từ Hải Phòng, Nam Định, Hưng Yên… Có những người đang ngồi trên ghế nhà trường, khi lên đường hành quân còn dắt theo cây bút trong túi áo ngực. Lính trẻ, ít kinh nghiệm nhưng bù lại tinh thần chiến đấu và lý tưởng xả thân thì không gì sánh được.

Ngồi nói chuyện với anh em, không dám tiết lộ chỉ thị của cấp trên, ông chỉ dám động viên mọi người cùng cố gắng, ngồi cười mà chảy nước mắt ở trong lòng. Vì nhiệm vụ chung, vì toàn cục, đã là người lính thì luôn phải chấp hành và sẵn sàng hy sinh bất kể lúc nào. Dù có biết nhiệm vụ chiến lược của đơn vị là hy sinh, dẫu có biết, tất cả cũng phải chấp hành. Có điều, ông Lượng và những đồng chí chỉ huy đơn vị đều muốn giữ cho anh em những giờ phút vui vẻ, lạc quan cuối cùng này.

Có một chiến sĩ trẻ người Hưng Yên, mới 17 tuổi tên là Thắng được xem như em út trong đơn vị, rất được mọi người quý mến. Nhìn chàng trai trẻ với gương mặt còn "búng ra sữa", luyên thuyên kể chuyện trường lớp, gia đình và những ước mơ khiến ông Lượng không cầm lòng được. Ông nghĩ, trong trận chiến này, bản thân ông và tất cả các chiến sĩ khác đều phải hy sinh, vậy thì đơn vị sẽ chẳng còn một ai, nếu chỉ còn lại 1 người thì tên đơn vị vẫn còn. Nếu chỉ có 1 người còn được sống thì câu chuyện về những người đã khuất sẽ không bị trôi đi.

Mặt khác vì thương quá, ông mới quyết định lệnh cho cậu lính lập tức nhận nhiệm vụ mới và thực hiện ngay trong đêm là trở về tuyến sau. Lý do được đưa ra là trong trận đánh trước đó, cậu Thắng đã bị thương, vết thương tuy không quá nặng, vẫn còn khả năng chiến đấu nhưng ông nhất quyết "đuổi" đi. Dù tha thiết được ở lại nhưng vì là lệnh nên Thắng vẫn phải thu xếp hành lý và rời khỏi đơn vị. Chỉ vài tiếng sau khi cậu lính trẻ đi, trận chiến bắt đầu.

Sau khi nhận nhiệm vụ ra Bắc, vì bị thương trong chiến đấu, cậu lính trẻ được cử đi học bổ sung lớp cán bộ ở trường sĩ quan Sơn Tây. Về sau, do quá trình học tập và phấn đấu, cậu được giữ lại làm giảng viên của trường. Câu chuyện về đơn vị tiểu đoàn 8 vẫn in sâu trong ký ức đồng chí Thắng. Đến mãi hàng chục năm sau, Thắng may mắn có cơ hội tri ngộ lại với người thủ trưởng cũ của mình là ông Lượng, anh em gặp nhau trong nước mắt và kỷ niệm.

Mỗi người còn sống sót lại đã là một điều thần kỳ. Ngồi suy ngẫm, ông chia sẻ, có thể do chính hương hồn những người đồng đội đã từng vào sinh ra tử với mình phù hộ nên ông mới vượt qua ngục tù và mưa bom bão đạn sống sót cho đến ngày hôm nay.

Hàng ngàn chiến sĩ đã ngã xuống nơi chiến trường nhưng câu chuyện về họ thì vẫn còn sống mãi

3. Tám ngày đêm lửa đạn

Từ 23/4 đến 30/4/1968, trận chiến diễn ra trong thế giằng co ác liệt. Do tương quan lực lượng chênh lệch, chiến sĩ ta hy sinh nhiều. Chiến đấu trong địa hình đồng bằng, quân ta không được sự hỗ trợ của rừng núi nên gặp khó khăn hơn. Vùng Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, một bên là con sông Bồ chắn ngang, một bên là bảo an, dân vệ chĩa súng sang, một bên là Mỹ - ngụy dồn dần khiến cho quân ta dần bị đẩy vào thế bị bao vây tứ phía. Địch biết thế, càng vây ta vào khu vực thung lũng sông để tiêu diệt, vòng vây càng bị khép chặt lại, ta dần bị dồn ép vào sâu trong một ngôi làng nhỏ.

Phạm vi hoạt động của ta từ gần 1 cây số vuông bị thu hẹp tới mức chỉ còn ở một làng rồi một xóm nhỏ. Lúc này, dân trong làng đã sơ tán hết, bỏ lại vườn không nhà trống. Bộ đội chiến đấu quyết giữ từng gốc chuối, từng nóc nhà với địch. Không được tiếp viện, công tác hậu cần cũng không thực hiện được, địch bắn rát, súng cối, súng đại liên giã liên tục, bộ đội cũng không có một phút nào dừng tay súng.

Suốt 7 ngày liền, không lương thực, không nước uống, chiến sĩ ta phải dựa vào chính "vườn không nhà trống" của bà con để lại để tiếp tục chiến đấu. Từng gốc sắn, gốc mía, từng ngọn rau, từng nắm gạo sót cũng chỉ đủ để cầm hơi. Tới ngày thứ 5, số anh em còn lại chưa đến trăm người, anh em vừa đói, sức lực cũng kiệt quệ dần nhưng vẫn nhất quyết không chịu rời tay súng.

Có một kỷ niệm "nhớ đời" mà trong suốt cuộc đời mình, ông Nguyễn Trọng Lượng - khi ấy đang là chính trị viên đại đội pháo binh đơn vị không thể nào quên. Sau mấy ngày chiến đấu liên tục, ông cùng 3 anh em khác di chuyển trong một đường giao thông hào. Lúc này lương thực đã cạn, ông Lượng tìm trong ba lô của mình thì chỉ còn 1 vắt cơm nên nhường lại cho anh em.

Ông tranh thủ nằm nghỉ lưng thì đúng lúc đó bom dội xuống, 3 chiến sỹ đang ngồi ăn cơm bị trúng bom chết tại chỗ. Bản thân ông cũng bị ngất, đến khi tỉnh dậy, những vết tích cuối cùng của 3 đồng đội cũng không còn. Trên chiến trường, những chuyện như vậy không hiếm nhưng cho dù là lính "cỗi" đến mức nào cũng không ai có thể quên được. Đó mãi là những ký ức đau thương đối với họ.

Tới ngày cuối cùng của chiến dịch là 30/4/1968, đơn vị chỉ còn 22 chiến sĩ, bao gồm cả ban chỉ huy tiểu đoàn gồm 4 đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Xuân Văn, Hà Văn Đoàn, Lê Xuân Quang và một số chiến sĩ khác phải co cụm lại trong mấy nóc nhà. Xúc động nhớ lại ngày cuối cùng ấy, ông Lượng nhớ mãi câu nói của người thủ trưởng trực tiếp của mình là đồng chí Nguyễn Văn Tiến, người Hà Tĩnh.

Theo lệnh của trinh sát tiểu đoàn, các chiến sĩ đặc công phải mở đường máu cho ông rút lui nhưng ông kiên quyết bác bỏ: "Trong tình thế này, anh em hy sinh hết thì bảo tôi sống làm sao được? Tôi có sống thì các đồng chí bảo tôi phải sống làm sao!". Trong ngày cuối cùng, ông Tiến cũng đã nằm xuống cùng với đồng đội của mình nhưng câu nói của ông thì vẫn còn lại cho đến giờ.

Bị thương từ mấy ngày trước đó, nhưng vẫn cố gắng chiến đấu đến sức lực cuối cùng, ông Lượng cầm hơi bằng những gốc mía bị bom pháo bắn rạp xuống. Đến trưa 30/4, khi vết thương quá nặng và vòng vây khép chặt, ông bám vào giữa thân 2 cây chuối đổ để tránh đạn giặc rồi mất máu, kiệt sức ngất đi lúc nào không biết. Đến tầm 4 - 5h chiều, giữa mùi khói súng và bom hơi cay của địch, tiếng trực thăng hạ xuống khiến ông tỉnh dậy. Ông bị bắt ngay ngày hôm đó, chúng đưa ông và vài chiến sĩ còn sống nhưng bị thương nặng vào Phú Bài (huyện Hương Thuỷ, Thừa Thiên Huế) rồi chuyển đến các nhà tù khác nhau trong miền Nam.

Cũng có một vài chiến sĩ còn sống sót vượt qua được khỏi vòng vây của địch và trở về căn cứ do bơi được qua sông và tránh được tầm đạn của bảo an, dân vệ. Trở về với cách mạng, họ lại nhập vào những đơn vị khác và tiếp tục hành quân ra chiến trường.

Sau chiến tranh, những người lính may mắn còn sống sót đã tìm lại với nhau, họ đã hai lần trở về xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền để tìm lại đồng đội của mình nhưng trong hai chuyến đi đó, vẫn không thể nào tìm được dù chỉ một bộ hài cốt của đồng đội.

Bom đạn và thời gian đã vùi những câu chuyện về họ sâu vào lòng đất. Tấm bia tưởng niệm của địa phương được dựng lên ngay trên chính nền đất cũ chiến trường xưa là tấm mộ bia dành chung cho hơn 500 chiến sĩ anh hùng này.

Những ngày tháng Bảy miên man với những cơn bão lòng cho người đang sống và cả những người đã nằm xuống. Chiến tranh qua đi, có những người con trai, con gái đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, có tuổi Hai mươi sống mãi với thời gian cùng sự tinh khôi của tuổi thanh xuân chưa lần hẹn ước, tất cả dâng hiến cho Tổ quốc, cho màu xanh hoà bình về trên quê hương, cho em thơ được cắp sách tới trường. Họ đã sống như thế!