GIẢI PHÓNG LAO THỪA PHỦ TRONG MÙA XUÂN 1968

 

 

          Lao Thừa Phủ từ lâu đã trở thành một điểm di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng của Thừa Thiên Huế, nơi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cùng tay sai bán nước giam cầm, tra tấn hàng nghìn chiến sĩ yêu nước và đồng bào vô tội. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968 của quân và dân ta, lao Thừa Phủ trở thành một bản anh hùng ca bất diệt của lòng yêu nước.

          Đêm 30 rạng sáng ngày 31/12/1968, quân và dân Thừa Thiên Huế đồng loạt nổi dậy, tiến công giải phóng quê hương, chiếm giữ các vị trí then chốt, trọng yếu, tịch thu toàn bộ tài liệu, vũ khí của chính quyền và quân đội Ngụy, bắt giữ và tiêu diệt hàng nghìn tên bán nước và cướp nước. Mỹ - ngụy hoang mang tột độ, quần chúng nhân dân phấn khởi. Sau hai ngày làm chủ Huế, lực lượng cách mạng thuộc Tiểu đoàn 815 do đồng chí Đát làm tiểu đoàn trưởng đã bàn với đồng chí Nguyễn Đình Bảy - Phó Trưởng ban An ninh Khu Trị - Thiên kế hoạch giải phóng Lao Thừa Phủ - nơi giam cầm, tra trấn đồng bào và chiến sĩ cách mạng. Lao Thừa Phủ nằm ngay sau Tòa Tỉnh trưởng Thừa Thiên (UBND tỉnh Thừa Thiên Huế bây giờ) lúc này đang giam cầm 2.300 người, đa số là cán bộ cốt cán và quần chúng nhân dân, số còn lại là bọn lưu manh trộm cắp, cướp của, giết người. Mục tiêu của quân giải phóng là phải tấn công giải phóng nhà lao, trả tự do cho đồng bào và chiến sĩ. Cũng trong thời gian này, lực lượng cách mạng đã bí mật móc nối, xây dựng được một ban cán sự trong nhà lao gồm đồng chí Trình, đồng chí Trực,... hiệp đồng trong ứng ngoại hợp. Lực lượng ngụy quân ở đây rất đông và kiên quyết cố thủ, địch đã cho cài mìn Clay - mo khắp nơi trong nhà lao, chỉ cần bấm điểm hỏa là toàn bộ nhà lao và hơn 2000 người sẽ bị thủ tiêu hoàn toàn. Điều này cũng đã cho thấy ngụy quân mặc dù rất hung hăng nhưng thật chất bên trong hoang mang, dao động đến tột độ.

          Theo kế hoạch, đồng chí Đặng Đình Loan cán bộ Thông tấn xã đã trèo lên lầu trường Đồng Khánh (Trường THPT Hai Bà Trưng ngày nay) bắt loa thông báo tin chiến thắng trong toàn miền Nam, động viên đồng bào, chiến sĩ đoàn kết nổi dậy phá ngục tù, kêu gọi bọn cai ngục, binh lính ngụy ra đầu hàng. Trong Lao Thừa Phủ im lặng, không một tiếng súng bắn ra, Ban Chỉ huy nhận thấy rằng địch đã rất sợ hãi. Đến nữa đêm, một binh sĩ ngụy trong Lao Thừa Phủ đã trốn ra đầu hàng quân ta. Người này khai nhận có một cống thoát nước to dẫn từ trong nhà lao ra ngoài. Thời cơ đã đến, đúng 3 giờ 30 phút, bộ đội ta tiến công chỉ với 03 bộ đội cùng người lính ngụy dẫn đường đã đột nhập vào bên trong phối hợp với anh em tù chính trị bên trong đã sẵn sàng chờ lệnh. Sau 3 phát súng lệnh, anh em tù chính trị, đồng bào bị giam cầm đã nhất tề xông lên, bộ đội giải phóng cùng lực lượng an ninh của ta từ bên ngoài ùa vào, khống chế bắt giữ toàn bộ số ngụy quân, phá lao giải phóng hơn 2000 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào bị giam cầm. Số lưu manh, côn đồ bị giữ lại. Ngay sáng hôm sau, 500 người đã được bổ sung vào lực lượng chiến đấu bảo vệ thành Huế thân yêu trong suốt 26 ngày đêm kiên cường.

          Thắng lợi của của kế hoạch giải phóng Lao Thừa Phủ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1968 tại Huế là kết quả tất yếu khi lòng dân thuận với ý Đảng, minh chứng cho chính nghĩa của cuộc chiến tranh nhân dân. Chúng ta không thể giành thắng lợi nếu không có sự giác ngộ và ủng hộ của người lính bên kia chiến tuyến, trong thời khắc quê hương được giải phóng, được sống tự do với đồng bào máu mủ của mình người lính ấy đã trở về với cách mạng, về với nhân dân, góp sức mình vào thắng lợi của dân tộc. Cùng với đó là khát vọng được sống trong tự do, hòa bình của nhân dân thành Huế anh hùng, chịu bao đau thương, mất mát suốt bao nhiêu năm dưới chế độ kìm kẹp của Mỹ - Ngụy.

          Chiến thắng này còn minh chứng cho nghệ thuật quân sự tài tình của quân giải phóng với lối đánh hiệp đồng chiến đấu giữa bộ đội và an ninh vũ trang, giữa quân sự và chính trị, giữa lực lượng bên trong và bên ngoài. Ta đã làm tốt công tác binh vận làm cho nội bộ quân địch hoang mang, dao động, tạo thời cơ tiến công. Kịp thời bổ sung lực lượng chiến đấu tại chổ cho mặt trận.

          Có thể nói Lao Thừa Phủ đã trở thành một bia vàng ghi danh tinh thần chiến đấu dũng cảm, mưu trí của những chiến sĩ cách mạng, nơi vinh danh cuộc chiến tranh nhân dân của đồng bào, chiến sĩ Thừa Thiên Huế trong cuộc chiến đấu mùa xuân 1968.

                                                                                                     HOÀNG ANH