Độc đáo bình phong Tử Cấm thành

Thay vì được sử dụng chất liệu nề họa, nề đắp nổi, hay khảm sành sứ làm chủ đạo thường thấy tại các công trình khác thì tại bình phong Tử Cấm thành, chất liệu gốm tráng men mới là điểm nhấn chính...

Tại bình phong Tử Cấm thành, chất liệu gốm tráng men là điểm nhấn chính...

 

Nghệ thuật cung đình triều Nguyễn đã để lại những tinh hoa sáng tạo của trí tuệ một thời đại. Ngoài hệ thống lăng tẩm và các công trình kiến trúc dân gian, thì công trình xây dựng kinh thành Huế có lẽ là công trình đồ sộ, quy mô nhất với rất nhiều nét đặc sắc, nổi trội và vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Trung tâm của kinh thành là Hoàng thành, với Tử Cấm thành là nơi ở, sinh hoạt của vua và hoàng gia. Hiện nay đa phần các công trình ở Tử Cấm thành đã hư hỏng, mất dấu, nhưng may mắn vẫn còn lại bức bình phong chính ngay sau nền điện Cần Chánh với những trang trí, tạo hình khá đa dạng, trong đó nổi bật là trang trí đắp nổi ở hai mặt trước sau và trang trí gốm tráng men (chỉ có ở mặt trong, tại phần mở rộng của bình phong) theo kiểu ô hộc “nhất thi nhất họa” rất quen thuộc của mỹ thuật thời Nguyễn.

Cho dù là kiến trúc dân gian hay kiến trúc tôn giáo, cung đình triều Nguyễn đều có chung những nét cấu trúc đặc trưng là trước mỗi công trình đều có một bức bình phong theo truyền thống thuật phong thủy của cư dân Thuận Hóa. Ngoài những chất liệu nề họa, nề đắp nổi, khảm sành sứ... thì hệ thống trang trí ô hộc ở hai đầu bình phong phụ là những tác phẩm gốm tráng men độc đáo, quý hiếm và đẹp nhất còn lại đến nay. Với kích thước tổng thể của bình phong chính, nhô cao có chiều dài tới 41m, 2 tấm bình phong phụ nằm bên tả và hữu của bình phong chính có chiều dài 10m/tấm. Chỉ tính phía trong, có tổng số 55 ô hộc được trang trí bằng các kỹ thuật đắp nổi nề, khảm sành sứ và gốm tráng men. Phần chính giữa của bình phong có 25 ô hộc, nơi đây chỉ có đắp nổi nề với hoa lá quả cành và vài ô hộc đắp bát bửu là cây bút, pho sách, trái bầu thắt... Mỗi phần bình phong phụ có 15 ô hộc, trong đó mỗi bên có 8 ô hộc trang trí gốm tráng men về đề tài bát bửu, bát quả, các điển tích thần tiên, hoa lá. Nổi bật về bát bửu là bồng ngũ quả với phất trần, quạt, lộc bình, như ý... Chúng tạo thành dải trang trí ô hộc khá đặc biệt về màu sắc, chất liệu và độ biểu cảm thẩm mỹ.

Trên các ô hộc gốm tráng men ở bình phong này có những tác phẩm rất độc đáo về bố cục, như loại bố cục trong vòng tròn ô van rất ít khi gặp trong gốm trang trí  thời Nguyễn, hay như hai ô hộc mà phần gốm men lại là hình cái khánh bao bọc các đồ vật nhô cao hẳn ra mặt tường ô hộc, lồng đan vào nhau trên mặt đứng tạo ra cảm giác sinh động và chặt chẽ, thể hiện các mô típ bàn cờ, bầu rượu, quạt lá, lá ngãi, pho sách... cùng những dải hoa dây mềm mại, thanh nhã. Nhiều chủ đề và điển tích xuất hiện ở đây như trang trí cảnh vật trong tứ thời, các mô típ tao nhã của Nho giáo như cầm kỳ thi tửu, ngư tiều canh mục... Đặc biệt ở góc trên của bình phong phụ có trang trí tấm gốm tráng men đa sắc với biểu tượng chim phượng thay vì hình tượng rồng chủ đạo thường thấy tại các vị trí trang trí quan trọng của Đại Nội. Các kiểu thức trang trí truyền thống đặc trưng của kiến trúc triều Nguyễn như mai điểu, tùng lộc, liên áp, cúc điệp, tam đa... đều có cùng với các đề tài tứ linh, bát quả (đặc biệt là quả đào), bát bửu, bồng ngũ quả, chữ Vạn... đều xuất hiện gần như đầy đủ trên một bức bình phong là điều vô cùng hiếm thấy tại các công trình kiến trúc triều Nguyễn. Điều đặc biệt hơn là thay vì được sử dụng chất liệu nề họa, nề đắp nổi, hay khảm sành sứ làm chủ đạo thường thấy tại các công trình khác thì tại bình phong Tử Cấm thành, chất liệu gốm tráng men mới là điểm nhấn chính trong trang trí nơi đây.

Nghệ thuật trang trí đất nung và gốm tráng men thời Nguyễn tuy không được sử dụng rộng rãi và phổ biến rộng như những chất liệu khác nên chỉ với những gì thể hiện trên bình phong Tử Cấm thành cũng đã trở thành những tác phẩm quý hiếm, độc đáo trong trang trí thời Nguyễn, phản ánh một thời kỳ gốm đất nung, gốm tráng men đã có cơ hội phát triển ở Huế.

Dù bình phong Tử Cấm thành ngày nay đã bị hư hại ít nhiều, nhưng những gì hiện tồn đã thể hiện một thành tựu đáng chú ý trong sử dụng chất liệu đất nung và gốm tráng men để trang trí trong cung đình Nguyễn, đồng thời cũng đánh dấu một giai đoạn gặp gỡ ban đầu của kiến trúc truyền thống và phong cách xây dựng của châu Âu, phản ánh được những dấu ấn của thành tựu trang trí và mỹ thuật truyền thống Việt Nam đầu thế kỷ XX mà đến nay đang trở thành những bảo vật quý hiếm, độc đáo trong di sản mỹ thuật thời Nguyễn.

Bài, ảnh: Phạm Minh Hải