CÔNG AN NHÂN DÂN VŨ TRANG VĨNH LINH: MỘT THỜI BÃO LỬA BẢO VỆ GIỚI TUYẾN

Ngày 20-5-1954, Hiệp định Genève về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Vĩ tuyến 17, sông Bến Hải được chọn làm ranh giới quân sự tạm thời để chờ hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước Việt Nam vào tháng 7-1956. Song, với âm mưu xâm lược, thôn tính đất nước ta nên Mỹ trắng trợn tuyên bố: "Mỹ không bị nội dung Hiệp định này ràng buộc". Từ đó, Mỹ ráo riết hất cẳng Pháp, nhảy vào miền Nam thực hiện mục đích tiêu diệt phong trào cách mạng, thôn tính miền Nam để làm căn cứ tiến công miền Bắc XHCN, hòng đè bẹp ý chí đấu tranh của dân tộc ta.

 

yikf_14c

Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh cùng dân quân địa phương tuần tra bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời. Ảnh: Tư liệu

Ngày 26-4-1959, Bộ Công an ra Nghị định thành lập Khu Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Vĩnh Linh với nhiệm vụ quản lý 24km bờ biển, 102km giới tuyến, 25km biên giới Việt - Lào và 12 xã trong khu vực biên phòng. Từ thời điểm này, lực lượng CANDVT Vĩnh Linh bước vào cuộc chiến đấu mới đầy cam go, thử thách đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trong thế đối diện trực tiếp với kẻ thù. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, những chiến sĩ CANDVT Vĩnh Linh đã vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, kiên trì, dũng cảm đấu tranh với kẻ thù, bảo vệ giới tuyến, bảo vệ đầu cầu miền Bắc XHCN.

Cuộc đấu tranh bảo vệ giới tuyến quân sự tạm thời diễn ra thầm lặng nhưng vô cùng cam go, thử thách. Mặt đối mặt với kẻ thù, CANDVT Vĩnh Linh đã tiến hành cuộc đấu tranh quyết liệt để bảo vệ Hiệp định Genève, bảo vệ quy chế khu phi quân sự, bảo vệ tuyến đầu miền Bắc để hậu thuẫn cho cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam. Cuộc đấu tranh diễn ra phức tạp, lâu dài, vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính quần chúng trên cả hai mặt chính trị và quân sự để bảo vệ giới tuyến, thực hiện hiệp định, giữ vững hòa bình, duy trì mối quan hệ giao tiếp bình thường giữa hai miền Nam - Bắc. 

Từ năm 1954 đến năm 1962, Mỹ-Diệm đã 240 lần cho lực lượng vũ trang xâm nhập trái phép khu phi quân sự, thực hiện 551 vụ nổ súng khiêu khích, tổ chức cho 5.976 lượt lính Mỹ và ngụy vào khu phi quân sự, song, chúng đã vấp phải sự đấu tranh kiên quyết của các chiến sĩ CANDVT Vĩnh Linh làm nhiệm vụ bảo vệ giới tuyến. 

Điển hình, ngày 24-4-1962, 4 linh mục và 150 đồng bào theo đạo Thiên Chúa đến thôn Cát Sơn ở bờ Nam để tổ chức mít tinh xuyên tạc, tố cáo miền Bắc. Cùng lúc đó, có 2 chiến sĩ của ta là Phan Đá và Nguyễn Hữu Triều đang làm nhiệm vụ liên hợp ở bờ Nam thì bọn cảnh sát ngụy và một số tên phản động lôi kéo đồng bào đến vây quanh 2 đồng chí để chất vấn và khiêu khích, xuyên tạc chế độ ta. Song, 2 chiến sĩ Phan Đá và Nguyễn Hữu Triều đã bĩnh tĩnh vạch rõ âm mưu của kẻ thù bằng cách nói chuyện thân mật với bà con, kể về những thay đổi ở các xóm đạo trên miền Bắc và chính sách đúng đắn của Nhà nước ta về bảo vệ tài sản của người di cư cũng như chính sách tự do tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta... nên quần chúng đã nghe theo và tự động giải tán.

Ngày 12-5-1962, một phái đoàn Anh - Mỹ gồm 49 tên, trong đó có Tổng chỉ huy lục quân Anh ở Viễn Đông, Đại sứ Anh ở miền Nam Việt Nam và Tùy viên quân sự Mỹ ở Sài Gòn, do tên Trung tướng Trần Văn Đôn và “bạo chúa miền Trung” Ngô Đình Cẩn cầm đầu xâm nhập trái phép khu phi quân sự và lên cầu Hiền Lương. Các chiến sĩ Đồn CANDVT Hiền Lương đã chặn chúng giữa cầu, tố cáo hành động vi phạm hiệp định, buộc chúng phải rời khỏi cầu...

Không thể đấu trí được với ta nên bọn địch rất cay cú, chúng chuyển sang phá hoại Đồn Liên hợp Nam Cát Sơn. Bọn chúng đã tìm cách tháo dỡ nhà gác Liên hợp, chuyển nhà gác Liên hợp vào làm nhà ngủ, nơi ngủ mới của ta bị chúng chuyển xuống làm nhà bếp. Nắm được ý đồ khiêu khích của địch và theo chỉ đạo của trên, Tiểu đội liên hợp của ta vẫn sang bờ Nam làm việc. Không nhà, không giường, nhưng Tiểu đội liên hợp của ta bất chấp mưa, nắng, kiên trì bám vị trí làm nhiệm vụ, đấu tranh với địch. Sau 3 tháng kiên trì đấu tranh, cuối cùng, cảnh sát ngụy quyền Sài Gòn phải làm lại 1 ngôi nhà riêng biệt, làm nhà gác Liên hợp đúng quy chế tổ chức của Đồn Liên hợp Cửa Tùng, mọi việc kiểm soát và ghi số đổi bờ được duy trì trở lại.

Từ ngày có giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17 thì lá cờ Tổ quốc cũng xuất hiện và tung bay trên đỉnh cột Bắc cầu Hiền Lương. Để luôn giữ cho lá cờ mãi tung bay nơi đầu cầu miền Bắc XHCN, cán bộ, chiến sĩ ta hết sức vất vả. Thông thường mỗi tháng thay 1 lá  cờ, nhưng vá cờ phải 5 đến 7 lần, mỗi buổi sáng kéo cờ phải huy động một tiểu đội, mỗi khi cờ cuốn vào dây chằng là phải lên tháo gỡ rất nguy hiểm. Năm 1965, đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, cột cờ Hiền Lương là mục tiêu số một để chúng trút bom đạn phá hoại. Mặc dù máy bay, pháo binh của Mỹ-ngụy đánh phá ác liệt vào cột cờ, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn Hiền Lương quyết giương cao lá cờ Tổ quốc trên tuyến đầu miền Bắc XHCN. Trên diện tích chưa đầy 1ha, quân thù đã thực hiện 192 lần ném bom với 7.000 tấn bom các loại, hơn 2.000 quả đại bác ở căn cứ Dốc Miếu, Cồn Tiên bắn phá cột cờ. Hai lần đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, cột cờ giới tuyến 11 lần bị bom đạn địch đánh gãy, 11 lần chiến sĩ ta dựng lại, gần 2.000 lá cờ Tổ quốc bị bom đạn địch và gió bão xé rách, nhưng chưa một ngày nào chiến sĩ ta để lá cờ ngưng bay trên đỉnh cột, chưa một lần vắng bóng cờ Tổ quốc ở đầu cầu giới tuyến.

609r_14d

Cầu Hiền Lương bị bom Mỹ đánh sập năm 1967. Ảnh: Tư liệu

Tháng 5-1976, CANDVT Vĩnh Linh kết thúc nhiệm vụ lịch sử trên giới tuyến. Ròng rã 22 năm, CANDVT Vĩnh Linh đã vượt qua muôn vàn gian lao, thử thách, ngoan cường, dũng cảm trong chiến đấu; mềm dẻo, linh hoạt trong thực hiện các nguyên tắc, phương châm, đối sách; mưu trí, bền bỉ trong đấu tranh chính trị với kẻ thù và các loại đối tượng; bám trụ kiên cường trên mảnh đất “Vĩnh Linh lũy thép”, gắn bó máu thịt với đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. CANDVT đã làm tròn sứ mệnh lịch sử của một giai đoạn cách mạng trên giới tuyến, xứng đáng là lực lượng vũ trang tin cậy của Đảng và nhân dân.

Ngày 19-8-2018, Bộ Tư lệnh BĐBP đã tiến hành xây dựng công trình Tượng đài “Chiến sĩ CANDVT bảo vệ giới tuyến” đặt tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải để du khách mỗi lần đến nơi đây luôn nhớ về một thời gian khổ của người chiến sĩ CANDVT bảo vệ giới tuyến.

Theo Báo Biên phòng