CÓ PHẢI THIỀN LÂM LÀ NGÔI CHÙA LỊCH SỬ, THIỀN VIỆN ĐẦU TIÊN LỚN NHẤT ĐÀNG TRONG? (Phần 3)

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã tìm thấy dấu tích ngôi chùa gắn liền với triều Tây Sơn tại Huế ở khuôn viên 150 Điện Biên Phủ - Huế và từng bước giải mã những bí ẩn chồng chất trong ngôi chùa này, giữa năm 2017 Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã cho ra đời công trình "Thiền Lâm - ngôi chùa lịch sử, Thiền viện đầu tiên lớn nhất Đàng Trong". Nội dung của cuốn sách này tập trung khai thác về giá trị lịch sử của chùa Thiền Lâm trong mối tương quan với triều đại Tây Sơn, nhất là sự kết nối với lăng mộ vua Quang Trung. Đây là kết quả của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân sau nhiều năm tìm hiểu, khám phá. Huế ngày mới đã đưa tin giới thiệu về công trình này đến với bạn đọc xa gần. Vừa qua chúng tôi lại phát hiện bài viết "Thiền Lâm - ngôi chùa lịch sử, Thiền viện đầu tiên lớn nhất Đàng Trong: công trình nghiên cứu đầy sai lệch về chùa Thiền Lâm" của ông Võ Vinh Quang, do vậy để rộng đường dư luận chúng tôi xin được đăng tải bài viết này để bạn đọc có thể đối chiếu, xem xét một cách khách quan. Trân trọng giới thiệu tiếp tục phần 3

2. Sách Thiền Lâm chứa đựng nhiều sai sót mang tính hệ thống dựa vào những suy luận chủ quan, thiếu tính chân thực khoa học.

Như đã chứng minh, NNC NĐX đã biên soạn công trình của mình bằng tư duy chủ quan phi khoa học. Ông vừa thiếu các kiến thức hỗ trợ, vừa có phần “uốn nắn” dữ liệu theo ý hướng, mục đích cá nhân. Tác giả thường xuyên phủ nhận, xúc phạm tổ sư Khắc Huyền – vị tổ khai sơn Thiền Lâm viện, xúc phạm Tam Bảo, gán tội cho triều Nguyễn bằng các suy luận cảm tính. Ông nghiên cứu, song hoàn toàn thiếu các tri thức về từ vựng, chữ nghĩa, khái niệm (điển hình là sự nhầm lẫn về khái niệm “tự” và “viện”), nhưng lại dùng trí tưởng tượng của mình để… tự tạo ra các sử kiện liên quan, hòng hướng mọi thứ đến đáp án có sự tồn tại thực tế về khu lăng mộ với tên gọi Đan Dương (của hoàng đế Quang Trung) như mong muốn của ông. Dưới đây, chúng tôi xin tiếp tục chỉ ra những luận cứ, luận chứng sai lệch ở công trình này.

2.1. NNC NĐX dùng phương pháp xác định phương hướng thiếu chuẩn xác

Từ cuốn Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương (2007; tái bản 2015), sách Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn – tiền thân của cung điện Đan Dương, Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung ở Huế cho đến công trình Thiền Lâm, NNC NĐX đều nhấn mạnh đến phương pháp xác định phương hướng của mình là “các di tích nằm phía nam sông Hương hoặc phía nam Kinh Thành”. Ông xác quyết rằng “Những di tích thuộc Kinh thành nằm phía nam sông Hương cũng gần với “hướng phía nam Kinh thành”. Ngồi trong kinh thành viết “phía nam sông Hương” cũng có thể hiểu “phía nam Kinh thành”. X nằm ở hướng chính nam Kinh thành” [1].

Đây là luận cứ quan trọng để tác giả thực hiện các công trình liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung của mình trong nhiều năm nay. Bởi, khi đọc Đại Nam liệt truyện chính biên sơ tập (mục Ngụy Tây liệt truyện), ông phát hiện “lăng mộ Quang Trung đã được “táng vu Hương Giang chi nam” 葬于香江之南 (táng ở bờ nam sông Hương)”[2]. Tiếp đó, ở thơ văn Phan Huy Ích, NNC NĐX cũng thấy “nhà của quan Thái sư (Bùi Đắc Tuyên) là chùa Thiền Lâm cũ nằm phía nam Sông Hương”.

Tuy nhiên, cho đến nay, chúng tôi thực sự không rõ ông sử dụng phương pháp khoa học nào để khẳng định một cách cương quyết rằng: hướng nam Sông Hương là hướng chính nam Kinh thành dóng từ trục Phu Văn Lâu lên đến Đàn Nam Giao.

Thực tế, sông Hương là con sông nằm “ở phía nam huyện Hương Thủy, phát nguyên từ hai nguồn: một là nguồn Tả Trạch, từ động Dài và khe Sơn Ba chảy về phía tây bắc, khuất khúc qua Điện Sơn Biện Lộ và Phổ Giang 59 dặm đến Thác Thủ, lại chuyển sang phía đông, qua các khe và thác 36 dặm, đến ngã ba Bằng Lãng. Hai là nguồn Hữu Trạch, ở phía đông núi Chấn Sơn chừng 10 dặm, chảy qua đến Đồng Giang, lại chảy về phía đông nam 14 dặm đến ngã ba Bằng Lãng thì hai nguồn hợp lưu. Từ đây trở xuống là sông Hương, chảy về phía đông chừng 4 dặm vòng quanh lăng Cơ Thánh. Đến phía đông núi Ngọc Trản, rồi chảy ngoặt sang phía bắc chừng 1 dặm. Qua ngã ba Long Hồ, lại chảy 8 dặm liền ngã ba cầu Lợi Tế. Chảy quanh trước Kinh thành 4 dặm, liền ngã ba cầu Gia Hội, lạy chảy 7 dặm liền ngã ba sông Bao Vinh, lại chảy 3 dặm liền ngã ba Triều Sơn…”[3] tức sông Hương rất dài và rộng.

Nói phía nam sông Hương là một cách nói chung chung, chỉ các vùng đất ở phía bờ nam bên kia sông, đối trọng với bờ bắc là nơi tọa lạc của Kinh sư, chứ không hề chỉ cụ thể đó phải là hướng chính nam Kinh thànhnhư xác quyết của NNC NĐX.

Bằng chứng, tại Đại Nam thực lục chính biên, đệ tứ kỷ: Thực lục về Dực Tông Anh Hoàng đế, quyển 3, phần ghi chép lời văn bia Thánh Đức thần công bi ký do vua Tự Đức soạn, đặt ở Xương lăng (lăng vua Thiệu Trị), có đoạn nói về việc làm Xương lăng cho vua cha Thiệu Trị: “Hoàng khảo có dặn lại rằng: “Sơn lăng không nên làm hao phí tài lực nhiều”. Lời vàng ngọc ấy văng vẳng bên tai, con nhỏ này đâu dám trái chí. Kính tuân thành mệnh, ở núi Thuận Đạo phía nam sông Hương sửa đào con đường ngầm thông tới nơi huyệt chôn, theo đúng như quy chế ở Hiếu lăng. Còn các việc đều lấy lễ mà hạn chế, để nêu tỏ cái ý dè dặt tiêu dùng thương yêu nhân dân của Hoàng khảo để lại vậy…”[4]. Thông tin này cho thấy núi Thuận Đạo, ngọn núi làm hậu chẩm cho Xương lăng tọa lạc tại làng Cư Chánh, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy vẫn nằm phía nam sông Hương.

Hoặc như sách Đại Nam nhất thống chí, quyển 1: Kinh sư, khi nói đến đình gò Long Thọ (Long Thọ cương đình 隆壽岡亭), Quốc sử quán triều Nguyễn viết: “Long Thọ cương đìnhtại Hương Thủy huyện Nguyệt Biều xã, cương chẩm Hương Giang nam ngạn, cách giang đối Thiên Mụ cương, cựu danh Thọ Khang thượng khố” 隆壽岡亭在香水縣月瓢社岡枕香江南岸隔江對天姥岡舊名壽康上庫 (Đình gò Long Thọ: tọa lạc tại xã Nguyệt Biều, huyện Hương Thủy, gò gối bờ phía nam sông Hương, đối diện với gò Thiên Mụ cách phía bên kia sông, tên cũ [của đình gò Long Thọ] là kho Thọ Khang Thượng).

Như thế, đình gò Long Thọ ở xã Nguyệt Biều (đối diện với gò Thiên Mụ bên kia sông) rõ ràng cũng thuộc bờphía nam sông Hương.

Ảnh 11: Đại Nam nhất thống chí, Q.1: Kinh sư, tờ 52, mục Long Thọ cương đình (nguồn: Thư viện quốc gia Việt Nam)

Các thông tin từ Đại nam thực lụcĐại Nam nhất thống chí này đã chỉ ra rằng phía “nam sông Hương” là cách dùng để chỉ những địa điểm nằm ở các vùng đất phía bờ nam, phía bên kia của sông Hương so với kinh thành Huế (tọa lạc phía bắc sông Hương), chứ không thể là “hướng chính nam của kinh thành Huế” theo trục Phu Văn lâu – đàn Nam Giao như quan điểm của tác giả công trình Thiền Lâm.

Vậy nên, với việc xác định cơ sở khoa học làm nền tảng để triển khai hướng nghiên cứu cho các công trình liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung (trong đó có công trình Thiền Lâm) không đảm bảo tính chính xác, khiến những luận cứ, luận chứng, nhận định, bình luận tiếp theo của NNC NĐX đều mang tính võ đoán, chủ quan, phi khoa học và không thể đứng vững.

2.2. Tác giả sách Thiền Lâm dịch sai, hiểu sai nguồn tư liệu liên quan

Trong công trình của mình, NNC NĐX đã sử dụng nhiều đoạn văn thơ trong hệ thống thư tịch của các tác giả có liên quan đến chùa Thiền Lâm như Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán, Du Am thi văn tập của Phan Huy Ích, thơ văn Ngô Thời Nhậm…

Tiếc rằng nhiều đoạn trích dịch trong những tư liệu ấy chứa đựng sự nhầm lẫn, sai sót, không phản ánh đúng nội hàm ý nghĩa của đoạn thơ, văn.

Dĩ nhiên, là người từng dịch thuật nhiều công trình văn thơ, chúng tôi thực sự hiểu và đồng cảm với những khó khăn của các dịch giả xưa nay. Bởi “dịch” thường được quan niệm là “diệt”, tức là làm mất đi nhiều ý nghĩa tường minh lẫn hàm ẩn của chính nguyên tác. Và chính vì vậy, nguyên tắc cơ bản của người làm công tác nghiên cứu phải phân tích sử liệu, dữ kiện chính trên văn bản gốc (bản dịch chỉ để tham khảo, không có mấy giá trị khoa học giúp xác tín, khẳng định tính hợp lý, chuẩn xác trong các luận điểm mà tác giả muốn triển khai).

Tiếc rằng vì có lẽ không nắm vững nguyên tắc đó, nên NNC NĐX càng xem bản dịch là tài liệu chính yếu dùng để suy đoán, luận bàn thì càng hiểu sai nhiều hơn. Hơn thế nữa, một số đoạn văn bản dịch lại được tác giả tự suy diễn thêm theo ý muốn riêng của mình, lại càng làm cho dữ liệu vốn có bị lệch chuẩn không ít. Cụ thể:

Tại phần Dẫn nhập (trang 19-20), NNC NĐX dẫn bài thơ trong Dật thi lược toản của Phan Huy Ích, trong đó ông “quan tâm đến lời chú (A): 時守陵[5]諸小監數來陪飲 Thời thủ lăng chư tiểu giám sổ lai bồi ẩm, nghĩa: Lúc bấy giờ bọn tiểu giám giữ lăng thường đến hầu rượu[6].

Chúng tôi thực sự rất bất ngờ với phần dịch này. Bởi lẽ, “sổ”  là con số tính phỏng (đôi/vài ba lần) như “sổ nhật” 數日là: vài ba ngày, “sổ khẩu” 數口 vài ba miệng, nên “sổ lai” 數來 phải là: vài ba lần đến, tức thỉnh thoảng đến chứ không hề có nghĩa là thường xuyên, liên tục đến (thường đến). Nếu để gọi “thường đến” thì chữ Hán đã có “thường lai” 常來; hoặc để gọi hằng ngày đến, hằng giờ đến thì đã có “mỗi [nhật/ khắc] lai” 每[日/刻]來.

Không rõ NNC NĐX căn cứ vào đâu để dịch “sổ lai” 數來là thường đến???

Cũng từ cách hiểu và dịch không chuẩn xác đó, NNC NĐX đã bình luận theo hướng tự suy diễn rằng: “Lăng mà bọn tiểu giám giữ phải ở gần chùa Thiền Lâm thì bọn tiểu giám mới thường đến hầu rượu Phan Huy Ích trong nhà trọ gần chùa Thiền Lâm được; Lăng có tiểu giám giữ phải là lăng vua, vua ở đây không ai khác là vua Quang Trung; Như vậy, lăng mộ vua Quang Trung nằm cùng hướng “nam sông Hương” với chùa Thiền Lâm và tọa lạc ở một nơi nào đó cũng gần chùa Thiền Lâm. Vậy, dù muốn dù không khi đi tìm dấu tích lăng mộ vua Quang Trung trước nhất tôi phải đi tìm địa chỉ và lịch sử chùa Thiền Lâm[7].

Qua bình luận này, chúng tôi càng thấy NNC NĐX hẳn rất thích suy diễn chủ quan, chứ không hề quan tâm đến chữ nghĩa cụ thể có trên văn bản.

Tác giả vin vào 2 chữ “thường đến” ở bản dịch để cố tình chuyển hóa mọi dữ kiện theo định hướng có sẵn do chính ông tạo ra, tức mọi thứ đều dẫn đến lăng mộ vua Quang Trung ở gần chùa Thiền Lâm. Đây là việc làm xuất phát từ sự sai sót trong các hiểu từ vựng, chữ nghĩa cụ thể và dần được tác giả NĐX đẩy lên thành một luận cứ chính thức, quan trọng cho các công trình liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung của mình. Tức nghĩa là từ thiếu kiến thức nên vô tình hiểu sai chữ nghĩa, dần dà bị chính NNC NĐX đẩy lên theo hướng cố tình hiểu sai, xuyên tạc chữ nghĩa nhằm đạt được mục đích cá nhân.

Xét trên câu chữ của bài thơ, ta thấy: các tiểu giám giữ lăng nào đó[8] chỉ thỉnh thoảng (đôi ba lần) đến cùng uống rượu với Thượng thư Phan Huy Ích là điều hợp lý. Bởi vào thời điểm đó ông là Thượng thư bộ Lễ của triều Quang Toản, lại gặp đúng giai đoạn triều chính đang vào kỳ biến động dữ dội, lấy đâu nhiều thời gian để thường uống rượu ngâm thơ? Lại nữa, bọn tiểu giám dẫu gan to cỡ nào, dẫu ông Phan Huy Ích có dễ gần, thân thiện cỡ nào… cũng không thể coi như ngang hàng về vị thế, như bạn bè đồng trang đồng lứa để thường xuyên đến uống rượu với nhau được.

Một vấn đề quan trọng khác liên quan đến địa điểm tọa lạc chùa Thiền Lâm, được ông sử dụng để cố tình gán ghép Quốc sử quán triều Nguyễn “tung hỏa mù” nhằm cố tình giấu giếm địa điểm thực của ngôi chùa, cũng là để giấu địa điểm có liên quan đến lăng mộ Đan Dương (theo khẳng định của ông).

NNC NĐX dựa vào bản đồ ở Hàm Long sơn chí (gắn ở tường chùa Báo Quốc) cũng như câu trả lời của hòa thượng Thích Đại Sán “nhà ở chật hẹp chẳng đủ chỗ chứa 10 người” trong Hải Ngoại kỷ sự, để chứng minh rằng chùa Thiền Lâm chỉ là ngôi chùa có quy mô, diện tích nhỏ và tọa lạc tại chính ngôi chùa Thiền Lâm hiện nay (được Tỳ kheo Thích Chơn Trí trùng tu vào năm 1990). Cùng đó, ông dẫn liệu kết hợp về sự khác nhau khi ghi chép về chùa Thiền Lâm ở Đại Nam nhất thống chí, bản thảo chép tay triều Tự Đức (thuộc ấp Bình An) với bản được khắc in thời Duy Tân (ở xã An Cựu) để bảo rằng đấy là sự cố tình ghi chép sai, nhằm ý đồ giấu giếm địa điểm chính xác của ngôi chùa Thiền Lâm lịch sử đó.

Tuy nhiên, chính trong cuốn sách Chùa Thiền Lâm cũng như các công trình liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung của mình, ông lại thường xuyên dẫn ngay các đoạn văn ghi chép việc Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu cho quân lính nhanh chóng xây dựng một ngôi chùa Thiền Lâm rất quy mô: “một viên nội giám, hai viên bộ Công, dẫn đến vừa lính vừa thợ chừng nghìn người để xây dựng nhà cửa […] liền ba ngày đêm, cất xong một tòa phương trượng năm gian ba mươi hai cột, bốn phía có hành lang; vách tường, rầm thượng, rầm hạ đều bằng ván; và một nhà hậu liêu năm gian, hai mươi cột, cũng đồng thời làm xong. Giữa tháng 3, số đệ tử đi thuyền sau của Hòa thượng đã đến, chúa lại truyền quan quân dựng liêu xá, hạn trong 3 ngày phải xong, và 10 ngày phải đủ bàn ghế, vật dụng. Như vậy, bổ sung thêm cơ ngơi gồm nhà thiền, nhà khách, nhà bếp ở bên trái và thị liêu, nhà trai, nhà độc luật ở bên phải. Còn chính giữa là một giới đàn. Sau đó, từ ngày 4 tháng 4 đã tiến hành hai lễ truyền giới Sa di và Tỳ kheo với 1500 giới tử…”[9] được thể hiện rõ trong Hải ngoại kỷ sự. Với quy mô hoành tráng như vậy, chùa Thiền Lâm xuất hiện trong thời điểm Thích Đại Sán lập giới đàn truyền giáo năm Ất Hợi (1695) nhất thiết phải có diện tích to lớn, chứ không nhỏ bé như cách hiểu của NNC NĐX. Tức ở ngay sách của mình, tác giả đã tự mâu thuẫn rõ ràng với cứ liệu và lập luận của chính ông.

Cho đến nay, chúng ta khó xác định chính xác về diện tích thực tế của ngôi chùa Thiền Lâm được quốc chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng năm Ất Hợi (1695), song căn cứ bản đồ hiện tồn trong dân làng vùng Bình An vào ngày 18 tháng 02 năm Thành Thái thứ 19 (1907) mà NNC NĐX từng dẫn liệu trong sách của mình (xem ảnh dưới) thì chúng tôi khẳng định rằng ngôi chùa Thiền Lâm cũ cũng như đất đai khuôn viên chùa ấy rộng lớn hơn gấp nhiều lần so với ngôi chùa Thiền Lâm hiện nay.

Ảnh 12: Bản đồ ấp Bình An (năm 1907), tư liệu của ông Võ Ân Đôn

 

Hiện tại, điểm tọa lạc của tháp mộ tổ sư Khắc Huyền (ở 145 Điện Biên Phủ) và ngôi chùa Thiền Lâm 2 (cổng chùa hướng ra đình Bình An, giáp giới với Tuệ Tĩnh đường Hải Đức) chính là một trong những dấu hiệu chuẩn xác, gợi mở về quy mô rộng lớn của ngôi chùa Thiền Lâm cũ, trước khi Nam Giao tân lộ được mở ra (mặc dù, theo chúng tôi, vẫn khá nhỏ so với quy mô chùa Thiền Lâm thời chúa Nguyễn Phúc Chu cho xây dựng).

Bên cạnh đó, chúng tôi thấy rằng sự biến đổi địa vực, sự tách nhập ranh giới hành chính ở mỗi thời là điều cần quan tâm nghiên cứu, làm nền tảng căn bản để bình luận, xem xét phán đoán… những ghi chép của người xưa.

Bởi thế, NNC NĐX muốn chứng minh sự khác biệt trong ghi chép của ĐNNTC thời Tự Đức so với bản thời Duy Tân (vấn đề ông cho là cố ý chép sai để che giấu, giấu giếm thông tin về khu vực có lăng mộ vua Quang Trung) thì trước hết ông phải nắm vững quá trình dịch chuyển địa vực hành chính, quy mô diện tích của ngôi chùa Thiền Lâm qua từng giai đoạn, từng triều đại cụ thể. Đó là một trong những điều kiện tối thiểu nhất cần phải có, dùng để biện luận về cơ sở khoa học cho các công trình nghiên cứu của NNC NĐX. Nếu không làm rõ được vấn đề này, mọi phán đoán của ông đều không đủ chứng lý và không thể đứng vững.

Một vấn đề nữa là cách NNC NĐX cảm nhận không đúng về đoạn văn miêu tả hành trình tiến lên chùa Thiền Lâm và xuống phủ Dương Xuân của hòa thượng Thích Đại Sán trong Hải ngoại kỷ sự (Đây cũng chính là một trong các cứ liệu quan trọng phục vụ cho việc xác định mối quan hệ hỗ tương giữa Chùa Thiền Lâm – phủ Dương Xuân – cung điện Đan Dương của ông)

Cụ thể: ông dẫn bản dịch Hải ngoại kỷ sự về đoạn miêu tả trên (ở mục “4: Qua Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán, chùa Thiền Lâm tọa lạc gần phủ Dương Xuân” từ trang 79 đến 87 của sách Thiền Lâm – ngôi chùa lịch sử). Hẳn nhiên, vì quá tin vào bản dịch, nên NNC NĐX đã sử dụng phần dịch thuật đó để đưa ra các nhận định và suy luận, phán đoán không chính xác. Dưới đây, chúng tôi xin chỉ ra những điểm sai cơ bản của NNC NĐX căn cứ vào bản dịch trên.

Đoạn tường thuật của Hòa thượng Thạch Liêm về ý định “nghỉ ngơi vài ngày rồi sẽ ra mắt Quốc vương” song quan Nội giám quỳ gối thỉnh mời Hòa thượng đi ngay, bản dịch (trang 83 sách Thiền Lâm) viết: “Quốc vương trông đợi Lão Hòa thượng đã mấy ngày nay, nay chỉ trong gang tấc chẳng được hội kiến, chắc suốt đêm trằn trọc không ngủ yên…”.

Nhận xét: bản dịch thể hiện tương đối đúng, nhưng vẫn không bộc lộ rõ ý tứ của lời thỉnh mời này. Nguyên tác (tờ 16b, theo sách Thiền Lâm) viết: “Vương ngưỡng mộ lão hòa thượng phi nhất nhật. Kim chỉ xích bất đắc hội tất thông tịch triển chuyển vi chi bất mị” 王仰慕老和上非一日。今咫尺不得會必通夕輾轉為之不寐 (nghĩa là: Quốc vương [Nguyễn Phúc Chu] ngưỡng mộ [đạo phong của] lão hòa thượng chẳng phải một ngày. Nay [hai người] đã rất rất gần (như trong gang tấc) mà chẳng gặp gỡ được thì tất suốt đêm trằn trọc không ngủ được).

Ở đây, chúng ta lưu ý 2 điểm mà bản dịch không thể hiện được ý tứ.

Thứ nhất, nguyên tác viết “ngưỡng mộ lão hòa thượng phi nhất nhật” 仰慕老和上非一日(ngưỡng mộ lão hòa thượng không chỉ một ngày), có nghĩa là niềm ngưỡng mộ hòa thượng Thạch Liêm của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu đã hiện hữu từ lâu nay, chứ chẳng phải chỉ mới ngày một ngày hai.

Song bản dịch (1963) dịch là “trông đợi lão hòa thượng đã mấy ngày nay” đã làm mất nhiều ý nghĩa cốt yếu của nguyên tác. Vì, “ngưỡng mộ” thể hiện sự kính quý và khao khát mong chờ, khác biệt hoàn toàn với việc “trông đợi” chỉ thiên về tâm lý chờ đợi. Từ “phi nhất nhật” là từ lâu nay (chứ không chỉ một ngày), thế mà bản dịch dịch thành “đã mấy ngày nay” tức chỉ được vài ngày thôi, làm mất đi rất nhiều ý nghĩa cốt tủy từ nguyên tác.

Tiếp theo, nguyên tác viết “kim chỉ xích bất đắc hội” 今咫尺不得會 nghĩa là: nay [quốc chúa Nguyễn Phúc Chu và Hòa thượng Thạch Liêm] đã như gần nhau trong gang tấc, thế mà chẳng gặp được nhau. Từ chỉ xích(咫尺) ở đây vừa thể hiện khoảng cách rất gần, lại vừa thể hiện tâm lý mong chờ, khát khao gặp gỡ cháy bỏng, chứ không hề thuần túy chỉ về khoảng cách. Lấy ví dụ:

Bài thơ nổi tiếng của Hy Tư Nguyễn Nghiễm được khắc trên vách đá núi Xuân Đài, hiện còn ở động Hồ Công (hiện ở xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) năm Quý Dậu niên hiệu Cảnh Hưng (1753) có hai câu kết:

Chỉ xích Bồng doanh vô hạn trí

Đăng cao nhất khiếu bạch vân lai

咫尺蓬瀛無限致/ 登高一嘯白雲來

nghĩa là:               Cách xứ Bồng lai vô hạn kia chỉ chừng trong gang tấc

Lên cao, mãi gọi mây trắng đến đây.

Ảnh 13: Thác bản Sơn bi khắc thơ Nguyễn Nghiễm (N0.20966 Viện Nghiên cứu Hán Nôm)

 

Bồng doanh vô hạn trí 蓬瀛無限致 là cõi tiên (bồng doanh/bồng lai) vô cùng vô hạn. Thế nhưng, khi “đăng cao viễn vọng” (lên cao ngóng xa) thì tác giả tưởng như chính mình đang ở rất rất gần, ở một khoảng cách bé nhỏ vi tế nữa thôi là đến được cõi Bồng doanh. Đấy là khoảng cách xuất hiện trong cảm giác, trong ước ao, trong sự thăng hoa của cảm xúc, chứ không phải là một khoảng cách cụ thể.

Do vậy, từ “chỉ xích” 咫尺 thiên về khoảng cách tâm lý, cảm xúc, là một cách nói phiếm chỉ nhằm thể hiện ước mong, khao khát được gặp gỡ, chứ không hề chỉ rõ 1 khoảng cách địa lý thực tế nào. Và như thế, dịch giả Hải ngoại kỷ sự có thể biểu lộ được tương đối sát về câu chữ (chỉ trong gang tấc) nhưng không thể nào làm toát lên ý nghĩa của câu chữ trong nguyên tác.

Đáng tiếc, NNC NĐX vì tin và vin vào câu chữ “chỉ trong gang tấc” ở bản dịch mà không hiểu ý nghĩa hàm súc của “chỉ xích” 咫尺 nên đã có những đoán định chủ quan, thiếu căn cứ.

Cùng đó, thông qua đoạn dịch “qua nửa đêm, còn lưu luyến chưa cho từ biệt….Về đến chùa Thiền Lâm, canh ba đã điểm trống”, ông NĐX lại tự thêm phần suy diễn để đạt được ý riêng của mình.  Ông viết:

Nội giám liền bảo chỗ Hòa thượng đang ngồi cách phủ chúa “chỉ trong gang tấc”. Điều đó chứng tỏ:

a)                Phủ chúa – nơi sẽ tiếp Hòa thượng Đại Sán ở gần chùa Thiền Lâm tức ở nam sông Hương. Phủ chúa ở nam sông Hương là phủ Dương Xuân.

b)                Đoạn ký sự lại viết: “Qua nửa đêm (至夜半còn lưu luyến chưa cho từ biệt. Quốc sư nói rằng lão hòa thượng đi thuyền quá mệt mỏi. Rồi đây đàm đạo còn nhiều ngày”. Về đến chùa Thiền Lâm, canh ba đã điểm trống (歸至禪林已三鼓矣). Hàn huyên đến nửa đêm chúa lưu luyến chưa cho Hòa thượng về. Khi Hòa thượng về đến chùa Thiền lâm thì trống đã điểm canh ba. Canh ba cũng là nửa đêm (từ 11 giờ khuya đến 1 giờ sáng). Thời gian Hòa thượng đi từ phủ Dương Xuân về đến chùa Thiền lâm rất ngắn. Do đó ta có thể hiểu chùa Thiền Lâm tọa lạc rất gần phủ Dương Xuân. Ngược lại cũng có thể nói phủ Dương Xuân tọa lạc gần chùa Thiền Lâm. Mà địa điểm chùa Thiền Lâm cũ vẫn tồn tại trong khu vực chùa Thiền Lâm hiện nay tại 150 Điện Biên Phủ thuộc phường Trường An, TP. Huế. Vậy phủ Dương Xuân cũ từng tọa lạc gần số 150 Điện Biên Phủ ngày nay[10].

Nhận xét: Về phán đoán “canh ba cũng là nửa đêm” của tác giả Chùa Thiền Lâm, chúng tôi hoàn toàn đồng ý. Nhưng, “canh ba” hay “nửa đêm” là từ 11 giờ khuya đến 1 giờ sáng, tức, một canh (khắc 刻) bằng 2 giờ hiện nay. Thời gian đi bộ một canh (2 giờ), dẫu là men theo đường mòn trên núi cũng có thể đi rất xa được.

Ông xác định phủ Dương Xuân gần chùa Thiền Lâm là một giả thiết có thể không sai, nhưng khái niệm “gần nhau” ấy chỉ là tương đối mang tính phiếm chỉ, chứ không gần đến mức sát ngay bên nhau ( “chỉ trong gang tấc” mà ông viện dẫn).

Theo Đại Nam thực lục tiền biênLịch triều hiến chương loại chí và Đại Nam nhất thống chí thì phủ Dương Xuân (陽春 Dương Xuân phủ, lưu ý: chữ Dương trong phủ Dương Xuân là có bộ phụ ở bên trái, chỉ mặt trời, khác biệt hẳn với xã Dương Xuân春社 có bộ mộc bên trái, đồng thời 2 chữ Dương  – Dương  này không hề liên đới nghĩa với nhau) nằm ở Thượng lưu sông Hương và Đại Nam nhất thống chí cho biết phủ Dương Xuân (陽春府, còn gọi là Ấn phủ印府) thuộc vùng gò Dương Xuân (Dương Xuân cương 楊春崗)

Ảnh 14: Đại Nam thực lục tiền biên, Q.10, tờ 22 ghi rõ: Phủ Dương Xuân陽春府 nằm ở thượng lưu sông Hương (Hương giang chi thượng lưu hựu hữu Dương Xuân phủ)

 

Cụ thể, Đại Nam nhất thống chí, Q2: Thừa Thiên phủ, mục Dương Xuân cương楊春崗 (ảnh 14) viết: “án: Dương Xuân cương quốc sơ kiến phủ ư thử. Hiển Tôn Canh Thìn cửu niên trùng tu, Tả Thủy cơ quật địa đắc nhất đồng ấn, hữu văn viết: Trấn Lỗ tướng quân chi ấn, nhân danh Ấn phủ…” 按楊春 國初建府於此。顯尊庚辰九年重修左水奇掘地得一銅印有文曰鎮虜將軍之印因名印府… (Xét: gò Dương Xuân, thuở quốc sơ lập phủ ở đó. Năm Canh Thìn đời Hiển Tôn [Nguyễn Phúc Chu] năm thứ 9 (1700) được trùng tu, Cơ Tả Thủy đào dưới đất được một quả ấn đồng có chữ: “Trấn Lỗ tướng quân chi ấn”, nhân đấy gọi là Phủ Ấn…)

Ảnh 15: Đại Nam nhất thống chí, Q2: phủ Thừa Thiên, mục Dương Xuân cương.

 

Và khu vực gò Dương Xuân thì khá rộng, theo Đại Nam nhất thống chí, Q2: phủ Thừa Thiên, mục Dương Xuân cương (ảnh 15): [gò Dương Xuân] nằm ở tây bắc huyện Hương Thủy 15 dặm. Thế gò nơi thì bằng phẳng, nơi thì nhô lên hỏm xuống vòng quanh đầy khắp, dài dằng dặc đến hàng dặm, phía nam gò có đàn Nam Giao, phía tây gò có nhiều danh lam cổ sát [chùa chiền nổi tiếng], nên gò Dương Xuân cũng cũng được xưng tụng là nơi giai thắng [thắng cảnh đẹp đẽ] (Hán văn: 楊春崗: 在縣西北十五里崗勢平曠起伏羅列延亘數里許其南南郊壇在焉其西多名藍古剎亦稱佳勝. Dương Xuân cương: tại huyện tây bắc ngũ thập lý, cương thế bình khoáng, khởi phục la liệt, diên hoàn sổ lý, hứa kỳ nam Nam giao đàn tại yên; kỳ tây đa danh lam cổ sát, diệc xưng giai thắng).

Gò Dương Xuân dài rộng đến hàng dặm như vậy, chứ đâu chỉ tọa lạc tại khu vực xung quanh đồi Bình An (khu vực chùa Vạn Phước, Kim Tiên, Thiền Lâm, Diệu Đức …) như cách ông NĐX khoanh vùng!

Theo nhận định của chúng tôi từ kết quả khảo sát, khu vực phủ Dương Xuân陽春府nằm ở một trong các ngọn đồi hướng ra cánh đồng Bàu Vá, có thể nằm cạnh vùng chùa Thiên Hòa - khu mộ Hiệp tá Học sĩ Ưng Tôn (phủ Tuy Lý)[11], bởi vùng đất này có nhiều dấu hiệu và đặc điểm đặc trưng phù hợp với phản ảnh của sử sách và các ghi chép của các giáo sĩ liên quan (được đề cập trong nhiều bài viết trước nay).

Từ đó, đúng như tường thuật của Hòa thượng Thích Đại Sán, đường đi men đồi núi theo hướng Tây hoặc tây bắc từ Chùa Thiền Lâm đến phủ Dương Xuân ở Bàu Vá không quá xa, và có thể chưa tới nửa canh giờ (1 tiếng).

(còn tiếp)…

 


[1] Nguyễn Đắc Xuân, Thiền Lâm – ngôi chùa lịch sử, sđd, tr.18.

[2] Nguyễn Đắc Xuân, Thiền Lâm – ngôi chùa lịch sử, sđd, tr.17.

[3] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí tập 1 (bản dịch Viện Sử học, tái bản lần thứ hai), Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.165.

[4] Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, tập 7 (bản dịch viện Sử học), Nxb. Giáo Dục, HN, tr.102

[5] Tại trang 20, sách Thiền Lâm, ông viết: lăng”  (nước đóng băng/ lăng nhục …) này chứ không phải là lăng  (lăng tẩm). Nhầm lẫn khá lạ, chứng tỏ ông làm việc thiểu cẩn trọng!

[6] Nguyễn Đắc Xuân, Thiền Lâm – ngôi chùa lịch sử, sđd, tr.20.

[7] Nguyễn Đắc Xuân, Thiền Lâm – ngôi chùa lịch sử, sđd, tr.20.

[8] Chúng tôi cho rằng thông tin từ chú thích (bấy giờ các tiểu giám giữ lăng thỉnh thoảng đến cùng uống rượu) trong bài thơ trên chưa thể đủ để khẳng định đây là các tiểu giám giữ lăng vua Quang Trung. Bởi vì không loại trừ đây là các tiểu giám giữ lăng của chính cung Hoàng hậu Phạm Thị Liên ở phía nam núi Kim Phụng, xã Hải Cát, huyện Hương Trà; hay một ngôi lăng tẩm nào đó trong vùng đất Phú Xuân)

[9] Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự (viện Đại học Huế - ủy ban phiên dịch sử liệu Việt Nam dịch và xuất bản), , tr.42-43, dẫn theo Nguyễn Đắc Xuân, Thiền lâm ngôi chùa lịch sử, sđd, tr.23.

[10] Nguyễn Đắc Xuân, Thiền Lâm – ngôi chùa lịch sử, sđd, tr.86-87.

[11] Vấn đề này chúng tôi sẽ trình bày cụ thể ở bài viết phản biện về Phủ Dương Xuân trong cuốn sách của ông. 

 

Tài liệu tham khảo chính:

1/ Lê Quý Đôn (2007), Kiến văn tiểu lục (Phạm Trọng Điềm phiên dịch và chú thích), Nxb Văn hóa Thông tin, HN

2/ L.Cadière (1928), “Tombeaux Annamites dans les environs de Hué” (Lăng mộ của người An Nam trong phụ cận Huế)”, Bullentin des Amis du Vieux Hué (BAVH) No.1, Janv-  Mars.

3/ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí (bản Hán văn) Q.1, ký hiệu: R.779, Thư viện Quốc gia Việt Nam lưu trữ, link: http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/168/

4/ Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí tập 1 (bản dịch Viện Sử học, tái bản lần thứ hai), Nxb Thuận Hóa, Huế

5/ Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, tập 2 (bản dịch Viện Sử học), Nxb Giáo Dục, HN

6/ Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam thực lục, tập 7 (bản dịch viện Sử học), Nxb. Giáo Dục, HN

7/ Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục tiền biên (bản Hán văn) Q.10-12, ký hiệu: R.777, Thư viện Quốc giá Việt Nam lưu trữ, link: http://lib.nomfoundation.org/collection/1/volume/182/

8/. Thích Đại Sán釋大汕, Hải ngoại kỷ sự 海外紀事 , 北京大學圖書館 (link: https://archive.org/details/02087136.cnhttps://archive.org/details/02087137.cn  ).

9/ Sơn bi (thác bản), ký hiệu: N020966, Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu trữ

10/ Thích Đại Sán (1963), Hải ngoại kỷ sự- sử liệu nước Đại Việt thế kỷ XVII, viện Đại học Huế - Ủy ban Phiên dịch sử liệu Việt Nam dịch và xuất bản

11/ Lê Mạnh Thát (2000), Toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh

12/ Nguyễn Đắc Xuân (2014), Bắc cung  Hoàng hậu Lê Ngọc Hân thời ở Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế

13/ Nguyễn Đắc Xuân (2007), Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương – Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb. Thuận Hóa, Huế

14/ Nguyễn Đắc Xuân (2015), Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương – Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung(tái bản lần thứ 1), Nxb Thuận Hóa, Huế

15/ Nguyễn Đắc Xuân (2017), Phủ Dương Xuân thời các chúa Nguyễn – tiền thân của cung điện Đan Dương, Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb. Văn hóa Văn nghệ, TP HCM

16/ Nguyễn Đắc Xuân (2017), Thiền Lâm - ngôi chùa lịch sử, Thiền viện đầu tiên lớn nhất Đàng Trong, Nxb Thuận Hóa, Huế

17/ http://anphat.org/dictionary/detail/tu-dien-phat-quang/2/all/47156/noi-vien/193

18/ Tư liệu địa điền bạ và bản đồ ấp Bình An (niên hiệu Thành Thái thứ 19 [1907]), Tư liệu do ông Võ Ân Đôn ở ấp Bình An lưu trữ.

Theo Di tích Huế