CHUYẾN BAY RA ĐẢO SINH TỒN NGÀY 16-3-1988, 2 NGÀY SAU TRẬN GẠC MA


(Chuyện kể của một người lính phi công - đại tá Anh Son Nguyen- đoàn bay 918
Anh ấy cũng là người hùng đẹp trai nhất Quân Khu Nam Đồng- giờ vẫn đẹp thế
Phi công Nguyễn Anh Sơn, theo đánh giá của anh hùng Từ Đễ, là một trong những phi công giỏi nhất của không quân Việt Nam)

Đã ba mươi năm trôi qua nhưng trận chiến bi hùng Gạc Ma không phai mờ trong kí ức chúng ta. Lòng dũng cảm của các chiến sĩ Hải quân mãi khắc sâu trong mỗi người Việt Nam. Xin nghiêng mình trước vong linh các anh và thắp một nén hương để tưởng nhớ những người con vinh quang của Tổ Quốc, những người đồng đội của tôi.
Sau sự kiện ngày 14 tháng ba năm 1988, các tổ bay của Trung đoàn Không quân Vận tải 918 được lệnh sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và tiếp tế cho bộ đội hải quân. Tổ bay của tôi nhận nhiệm vụ thả thuốc men (trong đó có nhiều chai huyết thanh), dụng cụ y tế và quần áo cho đảo Sinh Tồn. Các chiến sĩ hải quân còn sống sau trận chiến Gạc Ma đã về đây, trong số đó nhiều người bị thương nặng.
Trước đó khá lâu, hàng tuần, e918 vẫn thực hiện các chuyến bay trinh sát – thả hàng tiếp tế cho các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Trong những chuyến bay như vậy luôn có một sĩ quan tham mưu của hải quân đi cùng để làm nhiệm vụ quan sát hoạt động của tàu nước ngoài và giám sát hoạt động bay của không quân ta. Hàng hóa để thả cho các đảo là thư, báo và rau xanh. Tất cả đều được đóng trong ba lớp bao tải và thả không dù từ độ cao 50 mét. Thư báo bị nhàu rách nhưng vẫn có thể đọc. Rau xanh nát bấy chỉ còn cách cho vào nồi luộc và gạn lấy nước uống cho có chút vitamin. Sau khi thả hàng, chúng tôi thường lượn thêm một hai vòng để động viên tinh thần đồng đội. Hồi đó, chỉ An-26 đủ khả năng bay ra các đảo xa.
Bay biển vốn là nhiệm vụ khó khăn về mặt kỹ thuật. Bay trong điều kiện không có thông tin liên lạc (ở độ cao 4 – 5 km, máy vô tuyến sóng cực ngắn chỉ cho phép liên lạc với cự ly dưới 300 km) và không có phương tiện trực tìm kiếm cứu hộ (tàu hoặc máy bay) còn là áp lực tâm lý vô cùng lớn bởi nếu có trục trặc kỹ thuật thì khả năng được cứu hộ gần như bằng không.
Ngày 16 tháng ba, tổ tôi chuyển sân ra Cam Ranh để nhận hàng. Năm kiện gỗ thông, mỗi kiện khoảng 1mét khối, các chai huyết thanh được chèn trong quần áo. Khi nhận nhiệm vụ tại Tân Sơn Nhất, tôi đề nghị thả hàng ở độ cao dưới 50 mét. Bác Cự (trung tá Nguyễn Chí Cự, trung đoàn phó phụ trách phía Nam) do dự một lát rồi đồng ý kèm theo lời dặn “tùy tình hình mà giảm độ cao, đừng thấp quá”. Sự do dự ấy có cơ sở bởi độ cao thấp nhất để bay thả hàng không dù, theo Giáo trình Huấn luyện Chiến đấu của An-26, chỉ là 50 mét.
Sau khi xếp hàng lên máy bay, hai sĩ quan hải quân mở bản đồ tác chiến thông báo tình hình chiến sự, vị trí của ta và địch. Khắp nơi là tàu Trung quốc, nếu chọn giải pháp bay vòng tránh sẽ không đủ nhiên liệu (vì xếp hàng trên băng tải nên không thể sử dụng hai chiếc có lắp thùng dầu phụ trong thân) nên chúng tôi quyết định chọn phương án bay xuyên qua đội hình địch ở khoảng cách tối đa có thể nhưng phương án đó vẫn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Sau khi hội ý, tôi nói:
- Chuẩn bị cất cánh, mời hai đồng chí lên máy bay.
Đang chăm chú nghe, hai vị sĩ quan hải quân liền giẫy nẩy:
- Chúng tôi là sĩ quan hậu cần, không có nhiệm vụ theo máy bay.
Một thoáng ngỡ ngàng, tôi đanh mặt nhưng cũng chỉ cười khẩy:
- Đ.m tụi mày, sĩ quan hậu cần mà thuyết trình bản đồ tác chiến hay thế.
Giả điếc, cả hai quay lưng lên U-oát chuồn thẳng. Về nguyên tắc, tôi có quyền không cất cánh khi không có người của hải quân đi cùng. Cần người của hải quân trên máy bay để nếu thời tiết quá xấu, hoặc vì một lý do bất khả kháng nào đó, sẽ có người làm chứng cho việc chúng tôi không thể ra đảo. Thoáng nghĩ đến việc gọi điện về Sở Chỉ huy nhưng giữa “đồng không mông quạnh” tìm đâu cho ra điện thoại? Trời đã ngả về chiều, chậm vài chục phút nữa sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ. Đồng đội đang chờ, chỉ còn một cách duy nhất là cất cánh ngay. Quay lại với tổ bay của mình, tôi nói ngắn gọn:
- “Có lấy răng mà cạp đất” (tôi thích câu này từ bé, khi thấy người đội trưởng quân báo nói với các chiến sĩ của mình trước khi xuất trận, trong một phim của Liên Xô) cũng phải ra đến đảo. Nếu không, chẳng còn mặt mũi nào nhìn mọi người đâu.
Tất cả im lặng, thoáng có những nét căng thẳng. Cho đến giờ tôi cũng chẳng hiểu mình nói với tư cách là cơ trưởng hay là Phó phi đội trưởng phụ trách chính trị (cách gọi chính trị viên hồi đó) nhưng có lẽ tôi đã nói điều cần nói.
Cất cánh. Ra khỏi bờ khoảng 200 km là mất liên lạc, chẳng còn sự hỗ trợ của bất kì phương tiện vô tuyến dẫn đường nào (hồi ấy chưa được trang bị GPS, VOR và NDB chỉ có tác dụng trong phạm vi gần). 
Ra-đa chỉ có thể xác định được góc dạt và địa tốc khi bay trên đất liền. Khi bay trên biển, điều đó là không thể do không có hiệu ứng đốp-le.
Đảo Sinh Tồn cách đất liền khoảng 600 km. Trên đường bay từ Cam Ranh, vật chuẩn duy nhất có thể quan sát bằng ra-đa là Đá Lớn, cách Sinh Tồn 50 km về phía Tây. Gọi là “đá” để phân biệt với “đảo”. Khi triều lên, đá có thể “chìm” và không nhìn thấy trên màn hình. Chỉ còn căn cứ vào hướng bay, tốc độ, thời gian. Trời quang mây tạnh. Thiên “Giám đốc” (dẫn đường trên không) báo cáo:
- Hết thời gian dự kiến, không thấy Đá Lớn.
Tôi hơi băn khoăn, chắc là gió lớn nên thời gian không chuẩn. Cũng có thể Đá Lớn đã “chìm” hoàn toàn hoặc một phần nên không quan sát được. Phải cố thôi, tôi ra lệnh:
- Bay thêm mười phút nữa (khoảng 70 km nữa), giữ nguyên hướng.
- Nghe tốt.
Mặt trời đã xuống khá thấp, dầu không nhiều. Tôi vừa xem ra-đa vừa liếc đồng hồ. Lại là Thiên:
- Hết mười phút, không quan sát được Đá Lớn.
Biết bao lần bay ở Chiến trường K, trong điều kiện nguy hiểm, chưa khi nào tôi quay về mà không hoàn thành nhiệm vụ. Có lần sân bay Xiêm Riệp báo chỉ bảo đảm an toàn trong bán kính 2 km nhưng tôi vẫn hạ cánh để chuyển đạn và đưa thương binh về. Một quyết định rất “đau đầu” nhưng không thể mạo hiểm vô ích. Trời sắp tối, dầu cũng không nhiều. Tất cả im lặng, chỉ có tiếng ồn của hai cái động cơ tua-bin cánh quạt. Lưỡng lự vài phút, tôi nói cụt lủn:
- Vòng phải, lấy hướng Phan Thiết.
Minh “Thỏ” (lái phụ) đặt hướng mới, máy bay nghiêng cánh. Bỗng Thiên kêu to:
- Thấy Đá Lớn rồi.
Gần đến mục tiêu, máy bay giảm độ cao đến 200 m, Sinh Tồn ở đâu đó bên trái. Tôi và Thiên quan sát, Minh và Sỹ “Già” (cơ giới trên không) điều khiển máy bay.
Vừa thấy đảo Sinh Tồn thì cũng là lúc nghe tiếng Minh:
- Có tàu phía trước.
Tôi quay lại. Trước mắt là chiếc tàu chiến dài cả trăm mét (chắc khu trục), lá cờ năm sao trên đỉnh như sắp quệt vào máy bay. Giải pháp nào đây? Theo lý thuyết xạ kích, ở góc tà lớn khó bị bắn nhất, vậy chỉ còn cách bay thẳng, đến đâu thì đến. Tôi đã nghĩ đến phương án xử lý khi bị bắn. Cuối cùng cũng ổn, không có súng nổ. Chẳng biết tại sao.
Theo hiệp đồng với hải quân, hàng sẽ được thả dọc bờ nam (đảo Sinh Tồn theo trục Đông – Tây, dài khoảng 600 m) nhưng không được thả vào đảo (trên đảo quá nhiều người và hàng hóa bị hư hại) và cũng không được quá xa bờ để dễ vớt (hàng chìm rất nhanh). Sau khi bay qua đội hình tàu chiến địch, cơ hội thả ở bờ nam đã lỡ, tôi quyết định vòng lại thả ở bờ bắc. Từ trên cao, chúng tôi nhìn rõ anh em hải quân chạy ào từ bờ nam qua phía bờ bắc. Thương quá, họ đang mong tiếp tế để cứu chữa đồng đội. Tôi quyết định xuống sát mặt nước, có chút mạo hiểm nhưng cố để không vỡ những chai huyết thanh, đây là tính mạng của các thương binh. Không ai bắt chúng tôi phải làm thế nhưng đó là MỆNH LỆNH từ TRÁI TIM, là LỜI THỀ của NGƯỜI LÍNH.
Sau khi đã “đối chuẩn”, máy bay tiếp tục giảm độ cao. Dưới 50 m, tôi nhìn thẳng mặt nước để xác định khoảng cách như kiểu nhìn đất khi hạ cánh. Nước biển trong vắt, nhìn rõ thềm san hô. Cửa rem đã mở, “Chú” Sỹ (thông tin trên không) xuống buồng hàng để hỗ trợ thả bằng tay nếu băng tải có trục trặc. Chắc độ cao chỉ còn không quá 2 mét. Minh “Thỏ” la:
- Anh ơi, đồng hồ độ cao chỉ “0” (không) mét.
- Kệ nó, đừng nhìn.
Tôi trả lời, mắt vẫn nhìn xuống biển, chếch bên trái về trước. Lại tiếng Minh:
- Thấp hơn ngọn cây rồi.
Lần này tôi liếc nhanh sang trái, đúng là thấp hơn mấy ngọn cây trên đảo.
Phía sau, “Chú” Sỹ báo qua thông thoại nội bộ:
- Hàng ra tốt, một kiện vỡ trên không.
Ai đó nói với tôi:
- Thằng Sỹ đứng ngay cửa rem.
Không quay lại, tôi chỉ ra lệnh:
- Đóng rem, tăng ga 74, lấy hướng Phan Thiết.
Sau tôi mới biết Sỹ có đeo đai bảo hiểm, có lẽ cú động viên của tôi đã giúp cậu ấy dám đứng ở chỗ rất nguy hiểm nhưng cũng rất cần thiết nếu có sự cố với hàng hóa. Máy bay từ từ lấy độ cao. Mặt trời đỏ lựng bắt đầu chìm xuống. Lần đầu tiên tôi được thấy hoàng hôn trên biển, rất đẹp và thơ mộng.
Hạ cánh ở Tân Sơn Nhất khi trời đã tối đen. Anh Cự và anh Nhượng (trung tá, trung đoàn phó chính trị) ra tận máy bay đón. Tôi hơi sốc khi nghe câu hỏi của trung đoàn phó Cự:
- Mày có thả nhầm đảo không đấy?
- Nhầm là nhầm thế nào? Mới tuần trước cháu bay ra đây thả hàng mà. Bác buồn cười thật.
Năm ấy, thủ trưởng Cự mới khoảng 50 nhưng bọn trẻ như tôi vẫn gọi ông bằng bác xưng cháu, hình như vì ông có cô cháu xinh gái, mà cô này gọi ông là bác.
Trung đoàn phó Nhượng gạt đi:
- Chưa phải lúc nói chuyện này, các đồng chí về ăn cơm rồi nghỉ ngơi.
Đúng là cán bộ chính trị.
Bọn tôi không vào bếp, xách xe ra phố. Trên bàn nhậu, Minh bảo tôi:
- Em nghĩ là tàu ta, có cờ đỏ sao vàng mà. Nếu tàu địch sao nó không bắn?
Tôi cười khà khà:
- Có thêm năm ngôi sao nhỏ nữa. Tại sao không bắn thì đi mà hỏi nó.
Gần 10 giờ đêm mới về. Lại là bác Cự:
- Mày có nhầm đảo không? Sao chưa thấy hải quân báo lại?
Tôi chỉ cười, nghĩ bụng “cụ già lẩm cẩm quá” rồi đi ngủ. Sáng hôm sau bác Cự xuống rõ sớm, cười tít cả mắt (mà mắt bác ấy lúc nào cũng thế) “hải quân báo nhận rồi nhé”. Có thế chứ.
Vài ngày sau, phóng viên tới tấp đến đơn vị (báo Nhân Dân, QĐND, Không Quân), mỗi ông có một “list” câu hỏi như nhau. Trả lời các đồng chí ấy xong, tôi luôn phải nói thêm:
- Các anh viết thế nào cũng được nhưng đừng quá lời, để tôi còn làm việc.
Chiều 29/4/1988, tôi được “R” về Hà Nội nghỉ lễ. Cũng hôm đó, báo Nhân Dân có bài về chuyến bay này. Mẹ tôi phấn khởi lắm, bà khoe:
- Sáng nay, ở học viện (Quân Y) mọi người đến chúc mừng mẹ.
Hôm sau, tôi đưa mẹ lên thăm ông bác, cũng là thắp hương cho ông bà ngoại. Ngồi uống trà, ông bác hỏi:
- Tao đọc báo, thấy nói chúng mày bay ra đảo tiếp tế cho hải quân. Chuyện thế nào kể cho bác nghe.
Tôi hồn nhiên kể lại tất cả. Kể xong quay sang thấy mẹ khóc sụt sùi. Cả hai bác cháu im lặng. Một lát sau mẹ tôi mới nói, giọng vẫn nghẹn ngào:
- Nguy hiểm như thế mà không có anh hỏi thì nó cũng chẳng bao giờ nói.
Rồi òa lên khóc to hơn, tôi ôm chặt lấy mẹ, cũng chảy nước mắt. Bây giờ nghĩ lại vẫn cay cay sống mũi. Mẹ nào cũng thương con. Mà mẹ tôi đã từng đau đáu suốt những năm dài ba tôi chiến trận, rồi anh tôi cũng chiến trận, nên tôi không muốn bà biết tôi cũng ra trận ngay khi đất nước đã có vẻ yên bình. 
Thế mới hiểu được nỗi đau của những người mẹ có con hy sinh trước mũi súng hèn hạ của kẻ thù ba mươi năm trước. Chỉ xin đừng ai quên những người đã hiến dâng đời mình cho Tổ Quốc. Các anh hãy yên nghỉ nhé.
Kết. Ngay sau chuyến bay, Minh “Thỏ” (Nguyễn Đình Minh) thôi bay theo diện “Đoàn tàu 47” (nghiệt ngã quá, tôi sẽ viết về “Đoàn tàu 47” sau). Năm 1990, Thiên “Giám đốc” (Nguyễn Tri Thiên) chuyển sang Hàng không Việt Nam, giờ vẫn là cơ trưởng. Ba người còn lại gắn bó với 918 đến khi nghỉ hưu, Sỹ “Già” (Nguyễn Văn Sỹ) năm 2012, tôi 2015, còn “Chú” Sỹ (Nghiêm Đình Sỹ) mới gần đây. Lâu lâu gặp nhau vẫn nhắc chuyện cũ.