Nghề độc lạ ở xứ Huế

Từ những mảnh sành vô tri vô giác, những người thợ kép tài hoa ở Huế đã biến chúng thành những con rồng, phượng… độc đáo trên các công trình lăng mộ, đình làng…

tron-mat-voi-nghe-doc-la-o-xu-hue

Thợ kép là nghề truyền thống lâu đời của người dân vùng đất Thuận Hoá - Phú Xuân. Đây là nghề tô vẽ, nhào nặn bê tông (hay đắp mảnh sành) thành rồng, phù điêu… cho các công trình đình làng, lăng mộ...
tron-mat-voi-nghe-doc-la-o-xu-hue
Hiện nay, ở Thừa Thiên Huế có hàng trăm thợ kép, họ đi làm việc khắp nơi để hành nghề. Do đó, muốn tìm những người làm nghề thợ kép ở mảnh đất này không khó, chỉ cần đến nơi có lăng mộ, đình làng đang xây dựng sẽ gặp được họ. Nghề này phát triển nhất là ở các huyện Phú Vang, Phong Điền…
tron-mat-voi-nghe-doc-la-o-xu-hue
Đang thi công một ngôi mộ to ở làng An Bằng (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang), ông Nguyễn Tiến Phi (65 tuổi, ở xã Vinh Hà) cho biết: “Tôi đã gắn bó với nghề này hơn 42 năm. Trước năm 1975, khi nghề chưa thịnh hành nên tôi tự mày mò để học nghề. Hằng ngày, tôi đi khắp các công trình, lăng tẩm… để học hỏi và sáng tạo ra các mẫu. Sau đó, tôi đi làm khắp nơi từ TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…”.
tron-mat-voi-nghe-doc-la-o-xu-hue
Theo tìm hiểu, người mới học nghề phải học trong 3 năm mới có thể ra nghề. Họ học cách đập bình để tạo thành các mảnh vỡ có góc cạnh, tập tạo phôi (đắp các hình rồng, phượng...), cách tạo hình dạng rồi gắn các mảnh sành vỡ theo các phôi đã được tạc sẵn.
tron-mat-voi-nghe-doc-la-o-xu-hue
Công việc đầu tiên là phải “vẽ” trong đầu ra hình mẫu rồi đắp sườn hình mẫu bằng xi măng ướt.
tron-mat-voi-nghe-doc-la-o-xu-hue
Sau đó, đợt một lát cho xi măng hơi khô, lấy mảnh sành đắp lên (hay dùng sơn tô vào). Tiếp theo, thêm xi măng trắng vào những khe hở để cho các chi tiết dính vào hồ và trang trí cho đẹp mắt.
tron-mat-voi-nghe-doc-la-o-xu-hue
Mảnh sành là những cái chén, lọ hoa… nhiều màu sắc được mua ở các đại lý, rồi cắt nhỏ theo ý muốn bằng dao kim cương. Trong quá trình làm, có thể dùng kìm để điều chỉnh cho phù hợp.
tron-mat-voi-nghe-doc-la-o-xu-hue
Ông Phi cho hay: “Có rất nhiều mô típ như rồng, phượng, phù điêu… Có thể thợ sẽ tư vấn cho chủ nhà, cũng có khi chủ nhà yêu cầu làm theo mẫu. Để có một tác phẩm đẹp thì công trình phải có độ cân bằng của mẫu với tổng thể (cân đối tỉ lệ - PV), phối gam màu cho phù hợp, đó là hai phần chính”.
tron-mat-voi-nghe-doc-la-o-xu-hue
Các mẫu như rồng, hình nhân… khó đắp hơn, đòi hỏi người thợ phải qua trường lớp bài bản, bởi chỉ cần gắn mảnh sành sai một vài vị trí là có thể làm sản phẩm bị biến dạng, không dùng được.
tron-mat-voi-nghe-doc-la-o-xu-hue
Theo tìm hiểu, ở làng An Bằng, mỗi ngày có hàng trăm người thợ kép đến đây làm nghề. Có mặt ở khu mộ của ngôi làng này, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng về sự xa hoa và lộng lẫy của hàng trăm ngôi mộ, nơi được mệnh danh là “thành phố lăng mộ”.
tron-mat-voi-nghe-doc-la-o-xu-hue
Không chỉ có quy mô to lớn, mà các chi tiết, mẫu mã, con vật trên các lăng mộ rất hoàng tráng và bắt mắt. Để làm ra được những mẫu như thế, người thợ kép phải đầu tư nhiều công sức và thời gian cho chúng.
tron-mat-voi-nghe-doc-la-o-xu-hue
Hơn 20 năm theo nghề, ông Hồ Tấn Thạnh (50 tuổi, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền) thường đi làm ở các lăng mộ, đình làng…, công việc diễn ra thường xuyên, tiền công từ 300.000 - 400.000 đồng/ngày. Bằng bàn tay tài hoa và khối óc sáng tạo, ông Thạnh điều khiển chiếc bay nhẹ nhàng để tạo ra thân rồng mềm mại trên cổng đình, rồi cẩn thận lắp các mảnh sành đầy màu sắc, tô điểm cho vẻ đẹp lộng lẫy của con rồng. Trung bình một con rồng làm mất 5 - 6 ngày.
tron-mat-voi-nghe-doc-la-o-xu-hue
“Có hai cách để tạo nên màu sắc cho công trình, một là tô màu lên các hoa văn nhưng cách này mau cũ, hai là mua chén bát, lọ hoa… về cắt nhỏ rồi khảm lên, cách này màu sắc sẽ vĩnh cửu”, ông Thạnh cho biết.
tron-mat-voi-nghe-doc-la-o-xu-hue
Công việc đòi hỏi người thợ kép phải có đầu óc sáng tạo, không chỉ vẽ ra các mẫu mà còn thường xuyên sáng tạo ra các chi tiết để làm đẹp hơn, có bàn tay điêu luyện, nhất là kiến thức và đầu óc tìm tòi, học hỏi…
tron-mat-voi-nghe-doc-la-o-xu-hue
Để rồi, từ tài năng, óc sáng tạo và bàn tay điêu luyện của những người thợ kép, họ đã cho ra nhiều đình làng, ngôi mộ độc đáo, mới lạ với các hình thú khác nhau từ những mảnh sành, mảnh sứ… vốn vô tri vô giác.

Quảng Hương/Sức Khỏe Cộng Đồng