TRỌN NIỀM VUI CÙNG MÙA XUÂN CỦA ĐẤT NƯỚC

Trên mọi ngả đường, từ trung tâm thành phố đến nhiều đường làng, ngõ xóm đang ngập tràn sắc đỏ búa liềm, sao vàng năm cánh phấp phới hân hoan. Khi mùa Xuân mới đã lấp ló bên mỗi mái hiên nhà, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Lòng người xốn xang hòa trong ngày hội non sông, đất nước. Mỗi kỳ đại hội Đảng là một sự kiện chính trị trọng đại, mở ra vận hội, giai đoạn phát triển mới của đất nước, nhân dân.

Nhớ lại Mùa Xuân năm ấy, ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Sự ra đời của Đảng là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng nước ta, chấm dứt cuộc khủng hoảng về đường lối cứu nước. Từ đó, Đảng đã dẫn dắt dân tộc, nhân dân để "Nước Việt Nam từ máu lửa - Rũ bùn đứng dậy sáng lòa" lập nên Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa với những chiến công hiển hách, đem lại độc lập cho dân tộc, tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, mở ra thời đại mới - Thời đại đại Hồ Chí Minh huy hoàng nhất trong lịch sử dân tộc. 

Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta đã trải qua 12 kỳ đại hội, mỗi kỳ đại hội của Đảng có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu bước phát triển mới của đất nước, của Đảng và nhân dân.

Ví như Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I của Đảng (tháng 3/1935) đánh dấu thắng lợi của cuộc đấu tranh khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng và các tổ chức quần chúng cách mạng trong cả nước, chuẩn bị điều kiện cho Đảng bước vào phong trào cách mạng mới.

Trong nhiệm kỳ đại hội, thắng lợi của cách mạng Tháng Tám 1945, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông, dân chủ, tiến bộ đầu tiên ở Đông Nam châu Á - giành lại độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951) đã nhất trí thông qua Chính cương, Điều lệ của Đảng và Nghị quyết đưa Đảng ra hoạt động công khai lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ, Đảng đã lãnh đạo nhân dân tiếp tục thực hiện cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp thắng lợi "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", "thắng lợi đó đã chứng tỏ rằng trong điều kiện thế giới ngày nay, một dân tộc dù là nhỏ yếu, nhưng một khi đã đoàn kết đứng lên kiên quyết đấu tranh dưới sự lãnh đạo của chính Đảng Mác-Lênin để giành độc lập và dân chủ thì có đầy đủ lực lượng để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược".

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9/1960) là Đại hội quyết định đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh hòa bình thống nhất đất nước. Đại hội phân tích tình hình đất nước ta tạm thời bị chia làm 2 miền, có hai chế độ khác nhau, Đại hội xác định: "Nhiệm vụ cách mạng của nhân dân ta trong giai đoạn hiện nay là: Tăng cường đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh giữ vững hòa bình, đẩy mạnh cách mạng xã hội chủ nghĩa miền Bắc, đồng thời đẩy mạnh cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, thiết thực".

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986) có ý nghĩa lịch sử trọng đại, là Đại hội đề ra đường lối đổi mới toàn diện, sâu sắc và triệt để. Đại hội đã xác định nhiệm vụ bao trùm, mục tiêu tổng quát của những năm còn lại của chặng đường đầu tiên là ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội, tiếp tục xây dựng những tiền đề cần thiết cho việc đẩy mạnh công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường tiếp theo.

Đại hội xác định hệ thống các giải pháp cơ bản về đổi mới cơ cấu kinh tế, cơ chế quản lý kinh tế, chính sách xã hội, chính sách đối ngoại để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu nêu trên. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và vai trò làm chủ của nhân dân, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng.

Nếu Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6-1991) đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đánh dấu một bước trưởng thành mới của Đảng ta, khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng thì Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6-1996) và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (tháng 1/2011) thông qua  bổ sung, phát triển Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, chỉ rõ 8 đặc trưng của xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, xác định rõ hơn phương hướng đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Đại hội khẳng định rõ bản chất của Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc, định rõ hơn giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Nhà nước ta giành thắng lợi. Khẳng định nước ta đã ra khỏi tình trạng kém phát triển.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng (tháng 1/2016) tổng kết 30 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được"những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử". Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 30 năm đổi mới khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Thành tựu và những kinh nghiệm, bài học đúc kết từ thực tiễn tạo tiền đề, nền tảng quan trọng để đất nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ.

Các kỳ Đại hội của Đảng hơn 90 năm qua mang tính tiếp nối, kế thừa, Đảng ta đã không ngừng phát triển, từng bước hoàn thiện tư duy lý luận, lãnh đạo Nhà nước và xã hội trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua đó, lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Đồng thời, mỗi kỳ đại hội, Đảng xây dựng các thế hệ, đội ngũ cán bộ lãnh đạo của mình đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Với những thành tựu đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay". Điều đó khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa Mác – Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng tiếp tục là ngọn cờ tư tưởng dẫn dắt đất nước, quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII có ý nghĩa trọng đại, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, nhìn lại chặng đường 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991. Đại hội quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021-2020, phương hướng, mục tiêu đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) và tầm nhìn đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước). Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng thành công mở ra vận hội, tương lai mới, đưa đất nước vào một giai đoạn phát triển mới.

 Những dòng người tấp nập ngược xuôi, dường như ai ai cũng hân hoan, hối hả để hoàn thành nốt công việc cuối năm cho một cái Tết sum vầy, sum họp để trọn vẹn niềm vui cùng mùa xuân của đất nước, mùa xuân của Đảng.

Lê Thế Cương