TỈNH TÁO TRƯỚC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC VỀ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP

 

Sau thành công Đại hội lần thứ XIII của Đảng, sắp tới, đất nước ta đứng trước sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng: bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, được tổ chức vào ngày 23/5/2021. Thông qua lá phiếu bầu của mình, mỗi công dân sẽ tự mình lựa chọn đại diện xứng đáng trong Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ mới. Đây là ngày hội toàn dân, được người dân Việt Nam hân hoan chờ đợi.

Không phải đến hôm nay nhân dân Việt Nam mới được thể hiện quyền dân chủ rõ ràng, đầy đủ đến vậy. Ngay sau khi nước nhà độc lập 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định một trong những công việc trọng yếu nhất lúc bấy giờ là phải củng cố, tăng cường chính quyền cách mạng của dân, do dân, vì dân, đó là “xúc tiến đi đến Quốc hội để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức”. Vì thế, ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng Tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”. Sau thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I đã diễn ra đúng kế hoạch và thắng lợi trên phạm vi cả nước. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử ngày 06/01/1946 cổ vũ cho tinh thần, quyết tâm và niềm tin vào chế độ mới của toàn thể nhân dân Việt Nam. Phát huy thắng lợi đó và các kỳ bầu cử Quốc hội tiếp theo, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, trên cơ sở Nghị quyết của Hội nghị hiệp thương thống nhất Tổ quốc, cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất đã diễn ra sôi nổi trong cả nước vào ngày 15/4/1976 và thành công rực rỡ. Quốc hội khóa VI ra đời trở thành nền tảng chính trị - pháp lý vững chắc cho sự hình thành và phát triển Nhà nước CHXHCN Việt Nam thống nhất. Đến nay, Quốc hội nước ta đã qua 14 cuộc bầu cử, góp phần tích cực vào việc xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, được nhân dân mong chờ và tin tưởng.

Thế nhưng, điều đáng lên án ở đây là có nhiều kẻ cố tình phủ nhận, chà đạp những giá trị tốt đẹp mà toàn Đảng, toàn dân đã vun đắp trong 75 năm qua. Đó là những tổ chức phản động, thù địch, những phần tử cơ hội luôn nhăm nhe tìm cách can thiệp, lật đổ nền chính trị nước ta. Thủ đoạn chúng thường sử dụng là soạn, phát tán tài liệu nhằm truyền bá các quan điểm sai trái, như cho rằng bầu cử chỉ là “hình thức”; rầm rộ đưa tin, đăng tải những bài viết, video có nội dung sai trái, xuyên tạc về cuộc bầu cử trên internet, fanpage. Đồng thời, kích động, lôi kéo, tập hợp lực lượng để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Tinh vi hơn, lợi dụng bản chất dân chủ trong Luật bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, chúng dùng chiêu trò “tự ứng cử”, đưa một số người - thực chất đó là các phần tử cơ hội, biến chất, “dân chủ giả tạo” ra ứng cử với hy vọng cài cắm người của chúng vào Quốc hội, chính quyền để hiện thực hóa chiến lược “diễn biến hòa bình”, làm nước ta tự suy yếu từ bên trong. Mặt khác, chúng hô hào vận động tranh cử trên mạng xã hội, viết bài để đánh bóng, lăng xê người tự ứng cử. Khi không đủ điều kiện và bị loại qua các vòng hiệp thương, các đối tượng này lại rêu rao những luận điệu sai trái như: chỉ có những người “theo phe” Đảng Cộng sản mới có cơ hội ứng cử đại biểu Quốc hội; phải để các ứng cử viên tự do tranh cử, dựa trên chữ ký của cử tri mà không cần phải trải qua hiệp thương; Đảng Cộng sản cố tình “cản trở” người ngoài Đảng tự ứng cử vào đại biểu Quốc hội, v.v... Những thủ đoạn tinh vi, những luận điệu lố bịch này đã bị bóc trần. Tuy nhiên, nó nguy hiểm ở chỗ là đôi khi gây ra sự mơ hồ, ngộ nhận trong nhận thức của một bộ phận nhân dân, nhất là người chưa am hiểu về chính trị.

Cuộc bầu cử đại biểu ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 sẽ diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn, nhất là ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Dự báo từ đây cho đến ngày bầu cử, các thế lực thù địch sẽ gia tăng các hoạt động chống phá. Để bầu cử thành công tốt đẹp cần làm tốt công tác tuyên truyền, làm tốt công tác chuẩn bị; tích cực đấu tranh phản bác, bóc trần các quan điểm sai trái, thù địch. Mỗi người dân cần tỉnh táo, nêu cao tinh thần cảnh giác, lắng nghe và tiếp nhận các thông tin chính thống từ phía cơ quan chức năng; tránh rơi vào bẫy tin giả hoặc a dua, tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động. Nhìn tình hình bất ổn tại các nước trong khu vực như Myamar, Thái Lan..., sẽ thấy việc giữ vững ổn định chính trị là điều trọng yếu đối với mỗi người dân muốn có cuộc sống yên bình, ấm no.

                                                                                          HOÀNG LINH