THƠ CA MÙA DỊCH COVID-19, CHỈ VIỆT NAM MỚI CÓ

Dân tộc Việt Nam, Con người Việt Nam có một đức tính vô cùng quý báu: Lạc quan. Ca dao người miền Trung nắng lửa mưa dầm có câu: ...Chớ than phận khó ai ơi! Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây. Chinh đức tính này giúp người Việt có thể đương đầu và vượt qua mọi hoàn cảnh gian khó nguy nan nhất (thiên tai, dịch họa, chiến tranh xâm lược...) để giành lấy, giành lại cuộc sống từ tay Thần Chết, Thần Tàn phá.

Đợt dịch COVID-19 này không ai trong nước ta (chắc chắn thế) mong muốn xảy ra để chứng tỏ cái gì đó, nhưng nó đã xảy ra. Vậy thì phải ứng phó, phải chiến với nó, chiến cho đến khi thắng lợi, dập tắt được đại dịch thì mới dừng cuộc chiến này. Trong hai tháng qua, cả nước đã căng mình chiến đấu chống và phòng dịch với khẩu hiệu “Chống dịch như chống giặc” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra. Biết bao sức người sức của với nhiều lực lượng, nhiều nguồn...đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ huy động cho cuộc chiến với đối thủ vô hình nhưng vô cùng nguy hiểm này. Hình ảnh những người thầy thuốc, nhân viên y tế, nhân viên các khu cách ly, các cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội dầm mưa dãi nắng chịu đựng gian khổ để tạo thuận lợi cho người dân đến cách ly được an tâm hơn, các bệnh nhân nhiễm có hy vọng được cứu sống hoặc hồi phục sức khỏe, ra viện, trở về với gia đình... tất cả mọi nỗ lực ấy nhân dân đều thấu hiểu, cảm phục và tin tưởng. Để động viên những người chiến sĩ chiến đấu phòng chống đại dịch, một vụ đại dịch mà 100% người Việt cũng như hầu hết nhân loại lần đầu chứng kiến, nhưng chỉ có dân Việt Nam mới có những sáng tạo, “chế biến” kỳ thú về thơ ca và có những hình thức động viên chỉ ở Việt Nam mới có.. bởi chúng xuất phát từ tinh thần lạc quan không bao giờ tuyệt vọng của Người Việt. Đầu tiên, đó là bản nhạc vũ Ghen Cô Vy mà khi vừa ra đời đã nổi như cồn trên MXH và các kênh truyền hình nổi tiếng thế giới của Mỹ, Pháp, Anh. Tiếp đó là những bài nhạc chế vui nhộn động viên tinh thần lẫn nhau và nhắc nhau tuân thủ chỉ thị, khuyến cáo của Chính phủ và Bộ Y tế như bài “Việt Nam quê ta ơi!” được chế từ bản nhạc bất hủ “Quảng Bình quê ta ơi” của nhạc sĩ Hoàng Vân. Giọng hát của cô gái quê xứ Nghệ đậm đà chất giọng dân ca và phong cách biểu diễn vui nhộn tươi trẻ càng làm cho bản nhạc chế đi thẳng vào lòng người. Ngoài ra, còn nhiều bản nhạc chế khác cũng rất hay, vui, có tác dụng tuyên truyền rất hiệu quả.

Cùng với nhạc là thơ. Trước hết là các bài vận văn (văn có vần điệu, niêm luật) chứa chan tình cảm, những bài thơ dù viết theo thể thơ nào cũng tràn đầy cảm xúc chân thực, có bài cảm động đến mức khi vừa “đọc xong khóc luôn” (lời một bạn đọc). Cũng tất nhiên -thơ quần chúng mà-có những “bài thơ” vần điệu trật lất, tuy vậy cái tình bên trong vẫn rất đậm đà. Ai cũng biết các “nhà thơ quần chúng” hầu hết không biết gì và cũng cóc cần biết về thi pháp và nghệ thuật, kỹ thuật làm thơ, nên chính vì vậy Thơ quần chúng hồn nhiên và chân chất, lời lời viết ra đều rút gan rút ruột; khác hẳn thơ của giới “nhà thơ chuyên nghiệp” quá rành kỹ thuật làm thơ nên có nhiều tác giả cho ra những bài thơ mà khi vừa đọc lên biết ngay là giả tạo cảm xúc kiểu “khóc mướn thương vay”. Vì thế, có khá nhiều người có ý thích tréo ngoe là thích đọc thơ quần chúng. Điều này cũng dễ hiểu như nhiều người thích xem bóng đá phong trào, “bóng đá phủi” hơn là bóng đá chuyên nghiệp vốn quá nhiều tiêu cực, gian dối mua bán độ ở Việt Nam trước đây. Tuy thế, có những bài thơ mà có lẽ các nhà thơ thứ thiệt (có thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam) cũng phải gật gù khi đọc “một cách khách quan”.

Ngày 18 tháng 3 năm 2020, cô giáo Chu Ngọc Thanh ở Tây Nguyên đã đăng bài thơ Đất nước ở trong tim viết cho học sinh của mình trước hết. Mở đầu bài thơ là một câu có mô-típ quen thuộc  Đất nước mình..... em/anh mới xuất hiện cách đây chừng 4-5 năm, sau khi một cô giáo người xứ Nghệ viết và Cố Chủ tịch Nước Trần Đại Quang họa lại. Câu đầu tiên vì vậy sẽ trôi tuột đi nếu tác giả không chịu khó thay đổi đôi chút

Đất nước mình bé nhỏ vậy thôi em

Tiếp đó, tác giả dẫn bạn đọc-các em học sinh của mình vào trường suy tưởng tích cực:

Nhưng làm được những điều phi thường lắm

Bởi hai tiếng nhân văn được cất vào sâu thẳm

Bởi vẫn giữ vẹn nguyên hai tiếng đồng bào.

Hay lắm! Nhân văn và Đồng bào, một giá trị rất NGƯỜI và một giá trị chỉ riêng NGƯỜI VIỆT!

 Khổ thơ thứ hai (và cả những khổ tiếp theo nữa) mô tả vắn tắt tình hình cả nước chống dịch, không có gì đặc biệt, ai cũng có thể viết:

Em thấy không? Trong nỗi nhọc nhằn, vất vả, gian lao

Khi dịch bệnh hiểm nguy đang ngày càng lan rộng

Cả đất nước mình cùng đồng hành ra trận

Trên dưới một lòng chống dịch thoát nguy.

Nhưng dưới đây là khổ thơ mà dù cho có thể bị các nhà thơ, nhà nghiên cứu, nhà giáo dạy Văn chê là “thơ minh họa tuyên truyền”  hoặc thậm chí “phá thơ” thì vì nó mô tả rất chân thực, làm nổi lên hai giá trị đã nêu ở khổ đầu Nhân văn và Đồng bào, một giá trị rất NGƯỜI và một giá trị chỉ riêng NGƯỜI VIỆT! nên nó rất đáng để đa số người đọc bình thường ghi nhớ:

Với đồng bào mình ở vùng dịch nguy nan

Chính phủ đón về cách ly trong doanh trại

Bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi

Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường.

Và cô tự tin khuyên học trò: 

Nhớ nghe em, ta chẳng phải đi tìm

Một đất nước ở đâu xa để yêu hết cả

Tôi nghĩ nếu bài thơ dừng lại ở đây, không có hai câu cuối thì dù khó tính, các nhà thơ chuyên nghiệp và chuyên chê bai sẽ không có cớ để chê bai, thậm chí chửi bới. Hai câu cuối đã nói rõ tư tưởng tác giả và ý định truyền dạy cho học sinh của mình về Đất nước, Nhân dân và Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam:

Đảng đã cho ta trái tim hồng rạng tỏa

Vang vọng trong lòng hai tiếng gọi Việt Nam

Bài thơ vì vậy bị một số “nhà” bình thường vốn chẳng có công trình, tác phẩm, bài thơ nào xứng đáng góp sức xây đời, lại có tư tưởng chống Đảng và chế độ chê là “nịnh Đảng”, đương nhiên rồi.

Nhưng trong nhận thức của mình, tôi cảm nhận cô giáo Chu Ngọc Thanh viết ra bài này chẳng nịnh ai cả, vì cô nói thật lòng mình, mặc ai chê chửi chán thì thôi! Quả vậy, Nó đã được đông đảo bạn đọc yêu thơ hồ hởi đón nhận. Trong bài  Cô giáo làm ‘dậy sóng’ cộng đồng mạng với bài thơ đặc biệt về dịch Covid-19 của Nguyễn Loan đăng trên TNO ngày 18/02/2020, tác giả cho biết:

Bài thơ đặc biệt về dịch Covid-19 viết cho học trò, ca ngợi đất nước trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của cô Chu Ngọc Thanh, giáo viên Trường THCS Hùng Vương (Gia Lai), khiến cộng đồng mạng xúc động, yêu thích.

Bài thơ đặc biệt về dịch Covid-19 của cô Thanh được chia sẻ trên hàng loạt Fanpage của cộng đồng giáo viên, học sinh cùng nhiều trang cá nhân. Trong đó, nhiều người cho biết đã chảy nước mắt khi đọc bài thơ.

Trên các diễn đàn, bài thơ cũng nhận được hàng loạt bình luận. Trong đó, cô Hương Thủy, một giáo viên tại Đắk Lắk, bình luận: “Cảm ơn cô về những dòng thơ hay đầy ý nghĩa nhân văn nói về dân tộc Việt Nam ta. Mình tự hào và hạnh phúc nhất được sinh sống trên đất nước mình”.

Còn cô giáo Nhung Cao thì viết: “Đọc mà cảm động rơi cá nước mắt. Không biết nói sao chỉ biết cảm ơn đồng nghiệp đã thay lời muốn nói”.

Với những đánh giá như vậy, chẳng có gì kho hiểu khi cả tác giả Nguyễn Loan lẫn BBT báo Thanh Niên cũng bị nhóm chống Đảng và chế độ chửi khá nặng nề, không nhắc lại.

Những ngày tiếp theo, có thêm nhiều bài ca, bản nhạc chế, bài thơ bài văn ca ngợi công cuộc phòng chống dịch của nước Việt Nam mà ngay chính một số chính khách nước ngoài cũng đánh giá cao như ngài Đại sứ Anh Quốc chẳng hạn. Các khu cách ly được lập ra, những anh bộ đội sẵn sàng chịu dầm sương dãi nắng đêm ngày ngoài doanh trại để nhường chỗ ấm êm đầy đủ tiện nghi cho những người đến cách ly dù họ là người nước nào. Hình ảnh hy sinh thầm lặng cao đẹp đầy tình người ấy của những anh bộ đội Cụ Hồ đã gây xúc động mạnh đến nhiều người, trong đó có cô giáo Nguyễn Thị Kim Sen , giáo viên dạy môn Ngữ Văn trường THPT Đắk Min, tỉnh Đắk Nông. Bài thơ nhanh chóng được đông đảo quần chúng nhân dân yêu thơ và yêu anh bộ đội Cụ Hồ đón nhận. Đã có hơn 700 lượt thích. Thật vậy, ngay chỉ mấy câu mở đầu đã làm ta rưng rưng nước mắt:

Hai tháng rồi, phải không anh?/Hai tháng rồi, anh chưa về thăm mẹ/Căn nhà nhỏ gió lùa khe khẽ/Mẹ nhớ anh nhiều/Cứ thơ thẩn vào ra...

Dĩ nhiên, người đọc thừa biết không chỉ có mẹ mới thơ thẩn vào ra bởi nhớ anh nhiều. Dù vậy, cả hai-người mẹ và người vợ đều biết rõ Đất nước, Nhân dân đang cần đến những người lính trẻ xung trận ở tuyến đầu chống dịch vô cùng gian lao vất vả, thậm chí có thể hy sinh: Kiểm soát đường mòn/Tăng cường chốt chặn/Phòng độc khử trùng /Chăm sóc người nhập cảnh/Anh ở tuyến đầu phải chấp nhận hy sinh.

Người vợ anh lính Cụ Hồ  đã xác định rõ tư tưởng, nuốt vào trong nỗi niềm thương nhớ để động viên chồng y như thời kháng chiến chống giặc ngoại xâm cách đây chưa lâu:

Nhưng em biết Đất Việt của chúng ta/Bộ đội Cụ Hồ là niềm tin tất thắng/Nhìn các anh, dân mình yên tâm lắm/Trận chiến này mình quyết thắng nghe anh!

Rồi để yên lòng người nơi tuyến đầu chống giặc ...dịch COVID-19, người vợ ấy hứa với chồng mình: Anh cứ yên tâm, nhà mình vẫn yên lành/Em chăm sóc mẹ già và con trẻ/ Chỉ nhớ anh thôi nhưng sẽ là nỗi nhớ/ Anh dũng kiên trinh của vợ lính ở tuyến đầu.Nghe lời hứa hẹn thế, người lính Cụ Hồ nào chẳng cầm chắc ‘tay súng diệt thù” dù kẻ thù ở đây vô hình và vô cùng đông đảo, chưa kể những kẻ thù giấu mặt ở chính trong Ta, quân ta sơ sẩy là vỡ trận!

Toàn bài thơ nếu khe khắt nhận xét thì vẫn có vài hạt sạn mà chỉ cần dụng công trau chuốt hoặc can đảm lược bỏ sẽ cho ra một bài thơ khá hoàn hảo. Nhưng như đã nói ở phần đầu, các tác giả quân chúng này không chú trọng làm thơ để trở thành Nhà thơ,  cô giáo Nguyễn Thị Kim Sen chỉ nói hộ nỗi lòng những người vợ lính đang ở tuyến đầu.

Nhiều lá thư của các bệnh nhân người nước ngoài được chữa khỏi bệnh nhiễm virus nCoV gửi tới các thầy thuốc và nhân viên y tế đã tận tình cứu chữa cho mình là bằng chứng hùng hồn và cảm động nhất xác định thành công bước đầu của công cuộc phòng  chống đại dịch vô cùng nguy hiểm này. Để có được điều đó, những người chiến sĩ áo trắng đã xác định rất rõ có thể ai đó phải hy sinh. Trước khi ra tuyến đầu, người chiến sĩ áo trắng dặn lại người vợ  yêu: Nếu anh không về thì em....

Nếu anh không về  là tên bài thơ của nhà giáo Vũ Tuấn dạy môn Toán ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Theo nhà báo Tiểu Tân (báo Sài Gòn Giải Phóng), tác giả bài thơ cho biết: “Khi viết bài thơ, tôi khóc. Tôi đã thử đặt mình vào vị trí của những người nơi tuyến đầu, đặc biệt là các y bác sĩ, tóc bạc đầu, mặt hằn vết khẩu trang hay những chiến sĩ bộ đội ngủ rừng, lán trại với những bữa cơm ăn vội. Mình cảm nhận được sự thầm lặng của họ. Có lẽ đọc bài thơ mọi người dễ dàng nhận thấy rõ sự vất vả, gian nan, có thể hiểm nguy đến tính mạng của các “chiến sĩ” nơi tuyến đầu chống dịch. Thông điệp thấu hiểu, sẻ chia với họ cũng hiển hiện trong đó. Bởi bớt một người bị cách ly, bớt một người bị nhiễm bệnh là bớt đi sự lo âu, đặc biệt bớt đi sự nhọc nhằn cho bao người trên tuyến đầu”, anh Vũ Tuấn trải lòng. Anh nói: “Trong sâu thẳm, tôi thật sự biết ơn họ. Trong họ có một tình yêu vĩ đại: đó là tình yêu Tổ quốc - Cả thế giới chìm một màu tang tóc/ Lo quê nhà, trái tim anh chợt khóc/ Sợ dịch đến mình, sợ mất một người thân/ Anh không về, vì dân tộc đang cần…”. Khi biết bài thơ Nếu anh không về được lan tỏa đến mọi người, tôi thấy vui. Không phải vì bài thơ hay, mà vui vì sự nhân văn, vì tình yêu Tổ quốc trong mỗi người dân Việt là vô cùng to lớn”, anh Vũ Tuấn tâm sự”.

Tôi đã đọc trọn bài thơ này và chỉ biết thinh lặng để kìm nỗi xúc động, bởi nếu không, tôi sẽ khóc như một người đọc là con gái đã viết đơn giản thế này: Đọc xong, khóc luôn!

Và tôi dám chắc rằng bất kỳ một “nhà” nào dù có tính khắt khe phê bình đến mấy, dù chống Đảng và chế độ này đến mức nào, nếu còn một chút tỉnh táo khách quan khi bình phẩm sẽ phải công nhận NẾU ANH KHÔNG VỀ là một bài thơ đích thực, một bài thơ đầy cảm xúc chân thành!

Độc đáo hơn, bài thơ NẾU ANH KHÔNG VỀ không chỉ nhận được hàng trăm bình luận ca ngợi với những nút like... mà còn là tác nhân khiến bạn đọc Đoàn Thị Tiếp trả lời bằng một bài bình luận rất độc đáo, có lẽ đành phải gọi đó là một bài thơ, hơn nữa... tuyệt hay! Hay chẳng kém nguyên mẫu! Vì thế, xin chép lại toàn văn bài thơ này:

Tượng người chơi Golf mạ vàng 24KNẾU ANH KHÔNG VỀ

Nếu anh không về... /Em vẫn đợi từng đêm/ Vẫn sẽ lo âu.../ Vẫn cồn cào thao thức

Vẫn nhớ thương anh.../ Sụt sùi rơi nước mắt/ Vẫn cứ đợi chờ mong ngóng mỗi tin xa...

Nếu anh không về... /Em phụng dưỡng mẹ cha/ Vẫn chăm con thơ và dàn hoa trước cửa

Loài hoa anh yêu.../ Hoa hồng nhung màu đỏ/ Em vẫn vun trồng chăm tưới đợi mầm non...

Nếu anh không về.../Em sẽ ở bên con/ Thay phần của anh vừa làm cha... làm mẹ

Dẫu có nhọc nhằn... /Đôi lần em rơi lệ/ Nhưng thấm vào đâu với nỗi nhọc chồng em...

Giấc ngủ chập chờn anh thao thức mỗi đêm/ Vết khẩu trang đau hằn sâu trong thớ thịt

 Đôi mắt lo âu.../ Vẫn kiên cường chắc nịch /Rằng ngày mai này... Ta sẽ thắng covi!

Nếu mệt mỏi rồi.../Anh hãy ngủ chút đi/ Chỉ một chút thôi../ Cho lòng em an ủi

Bởi ở xa nhau nên em nào có thể/ Nấu bữa ăn ngon, canh giấc ngủ cho chồng !

Nếu anh không về/Em sẽ chẳng hờn đâu/ Đất Nước cần anh cũng như bao người bệnh...

Tình yêu trong tim../. Khác nào đâu mệnh lệnh

Em vững tay chèo.../ Hậu phương vững trao anh

Đoàn Thị Tiếp

Không biết cô Đoàn Thị Tiếp có họ hàng gì với nhà thơ một bài Đoàn Thị Tảo hay không? Nhưng trong tôi đã có nhà thơ Vũ Tuấn và Đoàn Thị Tiếp. Và tôi bỗng ngộ ra một điều:

Dân tộc Việt Nam, Đất nước Việt Nam, Người Việt Nam rất quen mà rất lạ: Cứ mỗi khi Tổ quốc lâm nguy, lại có những Người Con ra trận. Những người mẹ, người vợ ở nhà lặng lẽ chờ tin và sẵn sàng nuốt nước mắt “Ba lần tiễn con đi. Hai lần khóc thầm lặng lẽ”. Nhưng tôi không muốn nói nhiều đến Cái Đẹp của Bi kịch dù nó bi tráng hào hùng.

Tôi chỉ muốn nói: Trong lúc vận nước nguy nan, toàn dân tộc Việt Nam đoàn kết một lòng chống giặc. Trong nhiều cách chống giặc, có một cách mà theo tôi, chỉ dân tộc Việt Nam này mới có: Người Việt vừa chống giặc vừa làm thơ và viết nhạc. Hồn nhiên như gió reo vui  trong vườn xuân. Mặn mòi như nước mắt. Thơ ca, nguồn hy vọng và niềm tin, tinh thần lạc quan trong sáng tiếp thêm sức mạnh tinh thần vô địch của Dân tộc và Nhân dân Việt Nam trong mọi cuộc chiến sinh tồn./.

                                                                 Ngày thứ hai giãn cách xã hội, 02/4/2020

                                                                                           HỒNG TÂM