SỢ HAY KHÔNG SỢ

 

        

Thế giới ghi nhận hơn một triệu ca nhiễm nCoV và gần 53.000 người chết khi số liệu ở Mỹ và châu Âu tiếp tục tăng nhanh.Theo thống kê của Đại học John Hopskin, thế giới hiện ghi nhận 1.011.490 ca nhiễm và 52.863 ca tử vong do nCoV tại 204 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng lần lượt 77.902 và 5.994 so với hôm qua. 210.186 người đã hồi phục, chủ yếu ở Trung Quốc.Số liệu cho thấy người chết do nCoV trên toàn cầu đã tăng gấp đôi kể từ ngày 27/3. Châu Âu hiện là tâm dịch với 542.191 ca nhiễm và 37.715 ca tử vong, tương đương 54% và 73% toàn cầu, theo AFP. Cho đến ngày 7/3, số ca nhiễm ở Châu Âu chưa tới 10.000. Sự gia tăng mạnh về số ca đồng nghĩa đại dịch đang lan rộng với tốc độ đáng báo động. . Phía sau những con số ấy là cuộc đua thầm lặng và dũng cảm của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế và nhiều lực lượng khác với hy vọng giành giật sự sống cho người bệnh.

Thời gian gần đây đi đâu cũng nghe bàn tán những từ quen thuộc như:  Corona, Nco-V, COVID19, hôm nay có bao nhiêu người chết do Virut... Khi đọc được dòng chữ này trên mạng xã hội " Chúng tôi ở đây vì yêu thương mọi người. Làm ơn ở yên trong nhà giúp chúng tôi" "I stay at work for you. You stay at home for us". Những lời của họ lại gieo vào trong đầu tôi sự cảm thông, sự khâm phục và cả lòng biết ơn sâu sắc. Họ là ai? Vì sao Tôi cứ ám ảnh hình ảnh những chiến binh áo trắng, khoác trên mình những bộ đồ bảo hộ kín mít cả ngày cả đêm và gục đầu trên bàn làm việc vì quá mệt, vì kiệt sức, vì chưa thể về nhà...vì sợ truyền bệnh cho người thân và nhiều hơn thế.

Tuy không thể lột tả hết những đóng góp, sự hy sinh của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế quốc tế nói chung và của Việt Nam nói riêng trong thời gian qua nhưng việc làm của họ góp phần giúp cộng đồng chống lại đại dịch mang tên Corona.

Thực tế, những thiệt hại do dịch bệnh gây ra đã ảnh hưởng và thiệt hại lớn đến đời sống tinh thần, kinh tế, chính trị, văn hóa của toàn thế giới. Khi nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng công bố tình hình dịch bệnh Corona, số lượng ca mắc bệnh, số ca chết, số nước có bệnh nhân nhiễm tăng lên từng ngày, không ai trong chúng ta không sợ, không lo lắng và hoang mang. Trường học, công ty, doanh nghiệp... thì đóng cửa, mọi hoạt động phát triển kinh tế, sản xuất cũng trì trệ,...nhà nhà, người người đua nhau đi mua khẩu trang, nước rửa tay, lương thực, thực phẩm dự trữ vì lo sợ phải đóng cửa do dịch.

Vậy thì, đội ngũ y bác sĩ có sợ không? Họ cũng là con người, những con người bình thường như chúng ta, họ có sợ virut Corona? Họ cũng sợ lây bệnh, lây cho gia đình, họ có thể xin không tham gia đi đến vùng dịch vì lý do này hay lý do khác. Nhưng "sợ mà không sợ", họ là những "ngọn cờ đầu sóng ngọn gió" phải đương đầu để bảo vệ người bệnh trước kẻ thù...có tên là corona trong khi nguy cơ lây nhiễm luôn rình rập.

Tại sao họ lại nói "Chúng tôi ở đây vì yêu thương mọi người. Làm ơn ở yên trong nhà giúp chúng tôi" như vậy? Thời gian qua dưới sự nổ lực của đội ngũ y bác sĩ đã có nhiều ca lành và âm tính với vi rút Corona, nhưng do chúng ta không am hiểu đúng, đủ về Corona và chưa thực hiện tốt khâu phòng ngừa vì vậy mà tạo ra sự lây lan dịch bệnh một cách nhanh chóng, số lượng ca nhiễm tăng, số ca cách ly tăng, số nước có ca mới nhiễm bệnh tăng, nên dù đã cố gắng đến kiệt sức thì một mình họ vẫn không thể chặn đứng được Corona, khi chúng ta đứng ngoài cuộc.

Chúng ta biết rằng virut Corona lây lan qua 4 phương thức: (1) Lây qua không khí: Khi tiếp xúc với nước bọt từ người ho, hắt hơi bị nhiễm bệnh, virut sẽ xâm nhập vào đường hô hấp; (2) Lây truyền trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh: bắt tay với người bệnh khi không thực hiện các biện pháp dự phòng; (3) Lây truyền khi tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm bẩn: bề mặt gỗ, đá, sắt, thép, vải,... có thời gian tồn tại khá lâu, khi con người sờ vào bề mặt đó rồi đưa lên mắt mũi, miệng dễ bị nhiễm; (4) Lây truyền qua đường phân, chủ yếu do chăm sóc người bệnh.

Những người đã bị nhiễm bệnh COVID19 có thể không có triệu chứng gì phát ra ngoài, nên họ vẫn tự do đi lại, sinh hoạt bình thường mà không hề tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp cách ly để tránh lây cho những người xung quanh, vì vậy mà tốc độ lây lan của CoVID-19 tăng lên một cách chóng mặt và lớn hơn cả sóng thần. Để những đóng góp của họ không là vô ích thì mỗi cá nhân chúng ta hãy vì họ mà có ý thức hơn với sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, vì họ mà hạn chế ra ngoài đến mức thấp nhất tránh bị lây lan hoặc tán phát cho người khác. Đừng sợ hãi mà hãy làm điều gì đó để vượt qua nỗi sợ đó, bằng cách:

Hãy tin tưởng nỗi sợ hãi đó rồi sẽ chấm dứt, chúng ta sẽ đầy lùi được nó. Tự trang bị cho mình những kiến thức, những thông tin về virut Corona để có thể xử lý và hướng dẫn mọi người cách xử lý nếu gặp phải. Dũng cảm đối diện và biến nỗi sợ hãi thành sức mạnh để vượt qua. Tự trang bị cho mình các biện pháp phòng ngừa như: Vệ sinh cá nhân, tay chân miệng thường xuyên; che mũi miệng khi ho; ăn chín uống sôi, chế độ dinh dưỡng và tập thể dục hợp lý; mang phương tiện phòng hộ khi tiếp xúc gia súc gia cầm; khi có triệu chứng ho sốt đau họng, khó thở, cảm cúm không đi du lịch, tiếp xúc đông người và đến cơ sở y tế để khai báo phun thuốc, cách ly, không nên xuất hiện ở đám đông, nơi công cộng, tuy nhiên vì tính chất công việc khi ra đường cần đeo khẩu trang mọi lúc, mọi nơi, rửa tay thương xuyên, không dụi tay lên mắt, mũi, miệng,...

Trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp do virut Corona chủng mới gây ra, chủng Corona được coi là mới và chưa từng xác định trước đó, các chuyên gia vẫn trong thời gian nghiên cứu cách thức chống chọi đẩy lùi dịch bệnh và nhiều ca đã chữa trị thành công, thì mỗi cá nhân nên bình tĩnh, đừng sợ hãi. Hãy biến nỗi sợ hãi thành hành động, thành ý thức bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng bằng cách thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế để chặn đứng vi rút Corona.

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và yêu cầu các ban ngành chung tay chống dịch, "không được chủ quan, nhưng không bi quan và hoang mang" . Bệnh lây truyên nhanh nhất là "bệnh hoang mang", bệnh này rất nguy hiểm bởi nó xuất phát từ tư tưởng, sự lo lắng, bi quan thì trở thành suy sụp. Phải coi "chống dịch như chống giặc", mỗi người dân là một người lính dũng cảm trong trận chiến này. Thời gian qua, đã không ít tổ chức, cá nhân, doanh nhân, ca sĩ, nhà hảo tâm, tu sĩ, học sinh, sinh viên,...đồng lòng ủng hộ tiền của, công sức tùy vào khả năng của mình để chung tay cùng Nhà nước đẩy lùi và chặn đứng đại dịch. Với quyết tâm đó hơn bao giờ hết trong lúc này mỗi người dân chúng ta hãy dũng cảm, đoàn kết, đồng lòng, nhất trí, sự chia sẻ của người dân cả nước tin tưởng vào những quyết sách phòng chống đại dịch của Đảng và Nhà nước ta.

TÂM HẮNG