LÀ CÁN BỘ PHẢI BIẾT GIỮ MÌNH!

Những năm vừa qua có những cán bộ từng là "người hùng", là “thần tượng” của rất nhiều đồng nghiệp, bạn trẻ ở cơ quan và quê hương bởi có nhiều chiến công, thành tích vẻ vang, tác phong đàng hoàng, chững chạc, đáng quý trọng..., song chỉ sau vài năm nắm giữ chức vụ quan trọng đã bị xử lý kỷ luật, thậm chí phạm tội, làm bao người thất vọng, oán trách...

Theo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp trong toàn Đảng đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên quan đến tham nhũng, trong đó có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý (cả đương chức và đã nghỉ hưu). Qua công tác kiểm tra, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 1.329 tổ chức đảng và hơn 87.200 đảng viên có vi phạm. Con số không hề nhỏ này thể hiện rõ sự nghiêm minh, quyết tâm làm trong sạch đội ngũ của Đảng, đồng thời cũng cho chúng ta thấy số lượng cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống là rất đáng báo động. Nếu không quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn bằng các giải pháp hiệu quả thì những cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thanh danh, sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, là cơ sở để cho bọn phản động chống phá, xuyên tác, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

12 cán bộ cấp cao bị kỷ luật trong năm 2020

Vì sao có những cán bộ, đảng viên vốn rất tốt, được quần chúng nhân dân và đồng chí, đồng nghiệp tin tưởng, yêu mến, nhưng đến khi có chức có quyền thì lại tha hóa, biến chất, vi phạm kỷ luật, pháp luật?

Khi đề cập đến vấn đề này nhiều người cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến cán bộ, đảng viên có chức, có quyền dễ tha hóa, biến chất là do có sự tác động thường xuyên, liên tục của những yếu tố khách quan, như: bị dụ dỗ, mua chuộc dẫn đến dần đánh mất mình; phải giải quyết nhiều việc quan trọng, lại bận họp và tiếp khách... dễ dẫn đến quan liêu, không gần gũi quần chúng; rồi có nhiều người quan tâm săn đón, chăm sóc đầy đủ, chu đáo và cả thường xuyên xu nịnh nên dần sinh ra kiêu ngạo, quen lối sống hưởng thụ, quên mất việc cần phải sống giản dị, tự rèn luyện mình... Bên cạnh đó còn có tình trạng phải cố gắng sống khác mình để “lấy lòng” cấp trên và “lấy phiếu” của những người mình cần; thậm chí là có cả hiện tượng thỏa hiệp cho được việc và yên chuyện...

Một người cán bộ “có tầm” làm cấp tỉnh được hai năm đã chân thành bộc bạch với tôi: “Nói thật là mình có muốn tiết kiệm, giản dị cũng khó vì cấp dưới chăm lo cho đủ thứ đồ xịn với lý do “Sếp là bộ mặt, là uy tín của cả cơ quan. Sếp không dùng hàng hiệu, không đi xe sang thì người ta coi thường cả cơ quan mình. Hơn nữa, các sếp ở cơ quan bạn mà thấy anh khác họ, một mình một kiểu thì cũng khó cho anh”. Thế là mình đành theo và cũng dần quen... Ngay việc sinh nhật, trước đây mình có tổ chức gì đâu, thậm chí còn chẳng nhớ ngày. Nhưng nay thì nhiều người đến tặng quà, chúc mừng và đương nhiên là có đi thì có lại... Nói chung là phải thường xuyên và cố gắng tự răn, tự nhắc thì mới không sa đà, trượt ngã”.

Đúng là những yếu tố, tác động khách quan rất dễ làm cán bộ, đảng viên có chức, có quyền dễ bị sa ngã. Chính vì thế, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần cảnh báo, đại ý: Ai cũng thích của, thích tiền. Nhất là người có quyền lực trong tay, lắm kẻ mơn trớn, xu nịnh. Nếu không rèn luyện tu dưỡng thì khó tránh khỏi cám dỗ...

Nếu chúng ta cứ đổ lỗi do khách quan mà dẫn đến tha hóa, biến chất thì có đúng không? Câu trả lời chắc chắn là không, bởi việc giữ đúng nguyên tắc, thực hiện đúng quy định của Đảng, của Pháp luật Nhà nước, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống là những việc người cán bộ, đảng viên phải làm, phải gương mẫu thực hiện và hoàn toàn có thể làm được. Không ai có thể bắt buộc chúng ta phải làm sai, phải tha hóa, biến chất.

Thực tế có nhiều cán bộ, đảng viên chức vụ cao vẫn giữ vững phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; vẫn gần gũi, ân cần và quan tâm chăm lo cho quần chúng, nhân viên, đồng thời hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cán bộ, đảng viên, đồng nghiệp và nhân dân tôn trọng, quý mến. Những tấm gương ấy ở xung quanh chúng ta đều có, trong đó có những người rất tiêu biểu, mẫu mực mà toàn dân ta đều biết và vô cùng kính trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có không ít cán bộ, đảng viên rơi vào trường hợp “thoái hóa biến chất” và cũng có những người không phải tha hóa, biến chất về đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, kỷ luật mà đôi khi chỉ đơn giản là “thích oai”, thích thể hiện, bên cạnh đó là sự ảo tưởng, tự cao tự đại...

Sinh thời, Bác Hồ đã răn dạy: “Một dân tộc, một Đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Chuyện một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa biến chất do thiếu lập trường, bản lĩnh, bị tác động của những nguyên nhân khách quan là vấn đề rất đáng lo ngại, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta cảnh báo từ lâu, đồng thời ban hành nhiều chỉ thị, quy định để chấn chỉnh và tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm túc. Nổi bậc là Nghị quyết Trung ương 4 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, xác định rõ những biểu hiện cụ thể về suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín ngang tầm nhiệm vụ, trong đó chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, nhất là phương pháp đánh giá cán bộ, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ; Quy định số 08-QÐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 179-QĐ/TW ngày 25-2-2019 về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ...

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng ban hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (2017), Luật Phòng, chống tham nhũng (2018), Luật Tố cáo (2018)... cùng rất nhiều văn bản, quy định khác để phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đó là cơ sở pháp lý để tăng cường công tác quản lý, rèn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự chất lượng, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ phục vụ đất nước, phụng sự nhân dân.

Cơ chế, quy định của Đảng, Pháp luật Nhà nước là rất chặt chẽ và cụ thể, tuy nhiên vấn đề quan trọng nhất là mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nhận thức sâu sắc về những nguy hại của sự tha hóa bản thân, thấu hiểu chân giá trị của niềm tin và danh dự như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần tâm sự: Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất, sẽ còn mãi với thời gian... Chính vì vậy, là cán bộ khi đã bước lên nấc thang mới của sự nghiệp, chức vụ mới, trọng trách mới thì phải luôn biết giữ mình!

THỌ SƠN