HÃY TRÁCH NHIỆM KHI SỬ DỤNG MẠNG XÃ HỘI


Các mạng xã hội (MXH) thời gian qua liên tục được hỗ trợ bởi những
công nghệ mới, ngày càng tiện ích hơn, trở thành kênh quan trọng, thúc đẩy quá
trình giao tiếp, kết nối mọi người, lan tỏa thông tin tốt, nhanh, hiệu quả, góp
phần giám sát và phản biện xã hội. Năm 2019, mạng xã hội vẫn vẫn tiếp tục
phát triển với 62 triệu người dùng (chiếm 64% dân số Việt Nam, tăng đến 7%
so với năm 2018). Số tài khoản sử dụng mạng xã hội trên di động cũng tăng
thêm 16% so với năm ngoái. Mang sức ảnh hưởng to lớn, mạng xã hội đang là
công cụ truyền thông phổ biến của hầu hết tất cả các doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn mà MXH mang lại, Việt Nam
cũng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức không nhỏ từ không gian
mạng, thậm chí đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Cụ thể như những ảnh hưởng tiêu cực từ các thông tin xấu, độc hại cũng như
vấn nạn tin giả, tin sai sự thật: là nơi để tạo ra, lan truyền thông tin giả, sai
không kiểm chứng; tuyên truyền văn hóa đồi trụy, kích động bạo lực, bôi nhọ,
gây mâu thuẫn…. Các chuyên gia cho rằng trên MXH có thể chia ra ba nhóm
người sử dụng: (1) nhóm có ý thức tốt, có bản lĩnh cung cấp, tiếp nhận, xử lý, lan
tỏa thông tin một cách văn hóa vì lợi ích cộng đồng, dân tộc; (2) nhóm cố tình
hiểu sai, cố tình bóp méo, bôi đen vì những động cơ xấu, lợi ích cá nhân;
(3) nhóm a dua, dễ bị tác động, lôi kéo, hùa theo những thông tin giật gân, thiếu
cơ sở.
Nhóm thứ 3 gồm những cá nhân chỉ đọc tiêu đề mà không cần đọc nội
dung, không cần hiểu mà vẫn cứ chia sẻ, bình luận theo đám đông, đang tác
động tiêu cực lên chuẩn mực chung của xã hội. Với tâm lý đám đông, thói quen
like (thích) dạo, share (chia sẻ) bừa bãi, nhiều tài khoản facebook không biết
chắc nguyên nhân, nhưng vẫn đồng loạt chia sẻ đã vô tình tiếp tay cho một số
đối tượng xấu lợi dụng sự hiếu kỳ, mục đích lan tỏa thông tin tốt của một số
người dùng Mạng xã hội để tuyên truyền thông tin xấu độc, gây hoang mang dư
luận. Các bài viết này thường mang nhiều mục đích khác nhau như: Câu like,
câu view; thu hút lượt theo dõi (follow); tuyên truyền xuyên tạc, bôi nhọ đường
lối, chính sách của Đảng và Nhà nước…
Hiện nay, các đối tượng xấu tập trung lợi dụng những vụ việc, sự kiện
nóng đang được dư luận quan tâm như: Dịch Covid-19, vụ việc Đồng Tâm (Hà
Nội), Tuấn “khỉ” bắn chết người tại Củ Chi – TP HCM… để đăng tải, chia sẻ
các bài viết có nội dung xấu. Chúng còn thành lập các nhóm, hội, fanpage…
làm cơ quan ngôn luận, công khai hóa tổ chức, vận động người dân, dụ dỗ các
đối tượng bị phạt tù chính trị, các nhà báo, nhà văn, đảng viên thoái hóa biến

chất, người sử dụng facebook không có ý thức xác minh thông tin để tán phát
tán rộng rãi các bài viết trên nhằm gây nhiễu thông tin, phục vụ mưu đồ chính
trị xấu xa.
Điển hình như tài khoản Facebook “Nhàn lê” đã đăng thông tin sai sự thật
khi cho rằng ở Thừa Thiên Huế xuất hiện 01 trường hợp nhiễm Covid-19 gây
hoang mang dư luận; hoặc trường hợp tài khoản “Vạn Hạnh Huỳnh” cố tình bóp
méo kết quả xét nghiệm âm tính những trường hợp nghi nhiễm Corona tại Thừa
Thiên Huế…
Ngày 3/2/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành
Nghị định số 15/2020/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 15) quy định xử phạt hành vi vi
phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công
nghệ thông tin (CNTT) và giao dịch điện tử. Đáng chú ý, việc quy định rõ mức xử
phạt với hành vi tung thông tin giả mạo, gây hoang mang dư luận trên mạng xã
hội. Điều này chứng tỏ không có hành vi nào có thể đứng ngoài sự kiểm soát của
pháp luật kể cả MXH. Rất nhiều trường hợp tung tin sai sự thật về dịch Covid-19
đã bị xử lý theo Nghị định 15 và sẽ tiếp tục áp dụng xử phạt đối với các tài khoản
MXH có hành vi vi phạm trong thời gian tới để răn đe, ngăn chặn hậu quả do tin
giả gây ra.
Thiết nghĩ, người dùng MXH phải luôn tỉnh táo trước sự cám dỗ và những
thông tin sai lệch, chưa được kiểm chứng. Vấn đề là phải xây dựng văn hóa ứng xử
trên MXH, nhất là với người trẻ. Là một người sử dụng MXH văn minh hãy: chủ
động đặt vấn đề văn hóa ứng xử của người sử dụng lên hàng đầu, phải biết “suy
nghĩ trước khi chia sẻ”, mỗi cá nhân cần có ý thức tuyệt đối không biến MXH trở
thành nơi phỉ báng, bôi nhọ người khác. Bản thân người dùng MXH phải tỉnh táo,
kiểm tra cẩn thận mọi nguồn tin trên mạng, để tránh mắc lừa, hay bị kích động,
hoang mang vô cớ. Chỉ có thể tạo nên môi trường lành mạnh, an toàn trên MXH
nếu mỗi người tham gia tự hình thành các thói quen tốt, chủ động giữ gìn các giá
trị, chuẩn mực đạo đức và tuân thủ pháp luật.

MINH KHÁNH