GIẢI NGÂN VÀ LÃNG PHÍ

Vào năm 2013, hai nhà kinh tế học Neale Mahoney và Jeffrey B. Liebman từ đại học Harvard đã phát hiện ra một sự thật thú vị liên quan đến lãng phí ngân sách: rất nhiều cơ quan nhà nước ở Hoa Kỳ đã chi vào tuần cuối cùng của năm nhiều gấp 4,9 lần trung bình các tuần còn lại trong năm, và hiệu quả thì thấp hơn từ 2,2 đến 5,6 lần.

Họ đã sử dụng dữ liệu chi tiêu mua sắm được công khai của chính phủ Hoa Kỳ, và rút ra kết luận rằng thực tế các khoản chi không có gì là sai, vì diễn ra đúng quy trình, minh bạch. Nhưng đấy vẫn là một sự lãng phí có thể đo đếm được, dù chẳng thể bắt bẻ được gì.

Lý do rất đơn giản: giống như các chu kỳ chi tiêu khu vực công trên toàn thế giới, hầu hết các cơ quan liên bang của Hoa Kỳ phải sử dụng toàn bộ ngân sách được phân bổ của họ trước khi kết thúc năm tài chính, nếu không sẽ phải trả lại phần ngân sách chưa sử dụng cho kho bạc.

Nếu Quốc hội coi việc hoàn lại ngân sách này cho kho bạc là dấu hiệu cho thấy cơ quan nào đó không có nhiều nhu cầu chi tiêu, các nhà lập pháp có thể cắt giảm ngân sách của cơ quan đó trong năm tài chính tiếp theo.

Ranh giới giữa tiêu hoặc mất này đã khiến rất nhiều cơ quan liên bang của Hoa Kỳ chi nhiều tiền trong tuần cuối của năm nhiều gấp 4,9 lần trung bình các tuần còn lại trong năm.

Sử dụng dữ liệu mới có sẵn theo dõi chất lượng của 130 tỷ USD đầu tư cho các dự án công nghệ thông tin (CNTT) liên bang, hai kinh tế gia cũng phát hiện rằng điểm chất lượng cho các dự án vào cuối năm có khả năng thấp hơn từ 2,2 đến 5,6 lần so với giá trị trung vị của các dự án CNTT được cam kết trong phần còn lại của năm tài chính.

Bạn có lẽ thấy chuyện này khá quen thuộc, nếu từng làm việc trong cơ quan nhà nước. Ví dụ “ở trên” duyệt chi ngân sách một cục tiền cho mục đích cụ thể abc nào đó, trong năm tài khóa nhất định, thì tiền sẽ bị khóa cứng ở đó. Bạn không thể linh hoạt chi vào chỗ khác (vì thành chi sai mục đích), cũng không thể lờ đi mà không tiêu (trừ phi chiến dịch chống tham nhũng làm chùn bước các chữ ký), vì ngân sách phân bổ sau này sẽ bị ảnh hưởng.

Những người tiêu tiền kiểu này sẽ đi ở giữa một lằn ranh mong manh, nhưng không chệch vào đâu được: họ sẽ không bao giờ chi sai, nhưng cũng… chưa hẳn đã đúng. Cuối cùng thì khi không nghĩ ra thêm gì để tiêu, người ta hay chi vào những việc tào lao.

Trạng thái đúng này của hệ thống quan liêu thoạt nhìn tưởng rất chặt chẽ và lô-gích: chúng ta có từng ấy tiền, chỉ được tiêu vào đây thôi, và nếu không tiêu hết thì phải trả lại. Không thể tìm thấy chỗ nào bất hợp lý.

Nhưng hãy thử tưởng tượng một tình huống tương tự trong chi tiêu gia đình: bạn và vợ bạn định dùng một khoản tiền tiết kiệm để mua xe mới, nhưng đột ngột bạn bị mất việc, kinh tế rơi vào suy thoái. Chắc chắc khoản tiền mua xe kia sẽ phải được cân nhắc lại, chứ không phải một chiếc xe đã đi là không có phanh, kiểu tiền bị buộc phải tiêu.

Trong nhiều năm, từ “giải ngân” đi vào môi trường nhà nước đã biến thành một kế hoạch tiêu tiền không thể đảo ngược: ngân sách đã được duyệt chi, thời gian đã có rồi, thì tiêu luôn luôn đúng. Chúng ta không có người cân nhắc lại về các khoản chi, giống như các khoản chi trong một gia đình.

Mới đây, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) xin xây mới tượng đài Dũng sĩ Điện Ngọc hơn 88,5 tỷ đồng, dù liên tục thu hụt chỉ tiêu ngân sách. Lại quy về một cuộc họp gia đình: nếu lương của bạn bị cắt giảm liên tục trong một thời gian, thì bạn sẽ không xin đề xuất lấy tiền tiết kiệm để cải tạo ngôi nhà.

Thông điệp chống lãng phí mới đây trong các bài phát biểu của Tổng Bí thư có một ý nổi bật: lãng phí không chỉ là chuyện làm phí phạm nguồn lực, tiền bạc hay tài nguyên, mà còn phải kể đến chi phí cơ hội, tiềm năng… những thứ lãng phí không nhìn thấy được.

Những điều này sẽ được cân nhắc đầy đủ trong một cuộc họp ngân sách gia đình. Ví dụ với khoản tiền để dành định mua xe nhưng bất ngờ người chồng bị sa thải, người vợ sẽ nói: “Thế này thì phải hoãn mua xe để dành sinh hoạt thời gian tới thôi anh ạ”, thay vì cứ để nó được “giải ngân”.

Tâm lý “giải ngân” này không biết có phải là đặc thù của mọi quốc gia đặt ra các quy định phải tiêu tiền hay không. Và để “phá băng” quán tính này, chúng ta cần những người suy nghĩ khoản tiền có trong tay như một thứ phải căn ke với đủ mọi bối cảnh xung quanh, hơn là chăm chăm nghĩ cách tiêu sao cho hết tiền và “đúng quy định”.

Phạm An