Đảm bảo tính nghiêm minh trong thực thi pháp luật

Những ngày qua, thông tin tràn ngập trên các báo là chuyện đoàn thanh tra Bộ Xây dựng thanh tra ở Vĩnh Phúc “vòi tiền”. Con số vòi được báo chí cho biết lên đến hàng tỷ đồng. Mở thanhnien.vn, tại trang Tin 24h thì thấy có 3 bài liên tục viết về sự việc này: Đoàn Thanh tra Bộ Xây dựng bị lập biên bản “vòi tiền" ở Vĩnh Phúc; 5 cán bộ của Bộ Xây dựng đang tạm giữ ở Vĩnh Phúc; Trưởng đoàn thanh tra bị lập biên bản đòi “chung chi” là ai?

Chắc là báo chí còn tiếp tục thông tin về điều này?

Nếu chuyện “vòi tiền” là có thật, thì có lẽ lòng tin của người dân về công cuộc chống tham nhũng cũng đã “vơi” đi phần nào? Đơn giản là vì cán bộ đi chống những việc làm sai trái mà lại làm điều sai trái; đi chống “tham nhũng” mà chính mình lại là người tham nhũng… Quyền lực ở đây rõ ràng bị lạm dụng để phục vụ cho lợi ích riêng tư - đó là “ tiền chung chi”.

Chúng tôi thử đánh vào từ khóa “vòi tiền người sai phạm” công cụ tìm kiếm trên mạng internet ngay lập tức cho ra rất nhiều vụ sai phạm theo kiểu này bị phát hiện, nào là cán bộ vòi tiền doanh nghiệp; bác sĩ vòi tiền bệnh nhân… Thậm chí lái xe Sở Tài nguyên và Môi trường ở một tỉnh bắc Trung bộ lợi dụng khi đoàn thanh tra chuyên ngành của sở này kiểm tra sai phạm của doanh nghiệp đã nhắn tin vòi tiền… Có thể nói có muôn kiểu vòi tiền. Nhà báo vòi tiền doanh nghiệp, cũng bắt doanh nghiệp chung chi để gỡ bài… Tại sao lại phải vòi tiền và vòi tiền được? Chung quy đó là các đơn vị, cá nhân có sai phạm. Các cá nhân và đơn vị sai phạm muốn “ lách” những sai phạm hoặc làm nhẹ sai phạm, họ chấp nhận “chung chi”. Ngược lại, bên có quyền xử lý hoặc đề nghị xử lý sai phạm “nương nhẹ” hoặc làm ngơ, bỏ qua và đổi lại là nhận chung chi”.

Đó là những vụ việc bị phát hiện, còn trong thực tế có lẽ chuyện vòi tiền còn nhiều hơn thế nữa.

Đối với những đất nước trong giai đoạn phát triển, hệ thống pháp luật chưa chặt chẽ và phủ rộng; người dân chưa đạt đến trình độ tự giác… thì chuyện vòi tiền vẫn còn tồn tại. Điều này xuất phát từ bản chất của con người là luôn luôn muốn sở hữu cá nhân. Có thể họ bất chấp việc giành quyền sở hữu đó là không đúng. Người nhận chung chi thể hiện rất rõ điều này. Còn người chung chi, tưởng rằng họ mất nhưng thực ra không phải vậy, họ vẫn muốn giữ quyền sở hữu của mình ở một mức độ nào đó. Những sai trái của họ bị phạt một khoản tiền ít hơn mức xử phạt theo quy định của pháp luật.

Như vậy, cái “gốc”của nạn chung chi, vòi vĩnh xuất phát từ những điều kiện sau: Thứ nhất: có sai phạm.Thứ hai: ai cũng muốn và coi trọng sở hữu cá nhân, dù biết đó là những việc làm sai trái.Thứ ba: xét về mặt “đối xứng” - một bên có quyền lực và một bên không có quyền lực. Một bên muốn dùng quyền lực sai và một bên tạo ra điều kiện để quyền lực sử dụng sai được thực hiện. Ngoài ra, có thể còn nhiều điều kiện khác nữa như môi trường pháp luật không tốt, trong cả việc xây dựng hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật…

Để không còn xảy ra những hiện tượng như nêu trên thì chúng ta phải xử lý cho được cái gốc của nó, tức là những điều kiện sinh ra nó.

Chúng ta phải thực hành quản lý xã hội như thế nào để không xảy ra sai phạm hoặc hạn chế xảy ra sai phạm. Đã phát hiện sai phạm rồi thì phải có cơ chế kiểm tra minh bạch, làm thế nào để mọi hành vi đều có thể kiểm soát chéo được. Ví dụ như cơ chế kiểm tra liên ngành, thậm chí có sự tham gia của lực lượng giám sát là báo chí. Luôn luôn đề cao quy định của pháp luật và đảm bảo tính nghiêm minh trong việc thực thi pháp luật.

Nguyên Lê