ĐÂY LÀ CÁCH BÁO TUỔI TRẺ “TRI ÂN” NGƯỜI THẦY ?

Trong những ngày qua, rất nhiều người dân trong đó có cả các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh rất bức xúc đối với hình vẽ trên ấn phẩm Tuổi Trẻ trong dịp lễ Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 201/11. Một năm có 365 ngày, 52 tuần thiếu gì dịp để báo chí khai thác những điểm chưa tốt, còn thiếu sót của ngành giáo dục mà lại chọn ngày 20/11 là ngày cả xã hội “tri ân thầy cô” để châm biếm? Đằng sau đó là ý đồ gì của Tuổi trẻ?

Đây là cách Báo Tuổi trẻ "tri ân" người thầy?

Cụ thể tại số báo ra ngày 15/11/2018, trên trang bìa của bán nguyệt san này đã vẽ cảnh dự giờ của một lớp học, trong đó giáo viên và học sinh đều đeo mặt nạ có khuôn mặt cười với lời thoại của giáo viên “Tốt lắm. Các em ... diễn tốt lắm!” còn các giáo viên đến dự giờ chỉ biết ghi ghi chép chép. Ở góc trái bức tranh là chữ kí “LEO”,... Rất dễ nhận ra dụng ý của tác giả và ban biên tập khi đưa hình vẽ trên lên số báo cuối tuần trong dịp kỷ niệm Ngày Hiến chương Nhà giáo Việt Nam 20/11 đó là châm biếm tiết dự giờ, cho rằng đó chỉ là hình thức và là một buổi “diễn kịch” của giáo viên và học sinh, xuyên tạc ý nghĩa của tiết dự giờ trong hoạt động sư phạm.Sâu xa hơn, đó là phủ định công lao của người dạy học và sự sáng tạo của học sinh, dẫn dắt dư luận có những suy nghĩ lệch lạc về nền giáo dục hiện đại của Việt Nam.

Trên thực tế tiết dự giờ rất có ý nghĩa đối với tập thể sư phạm nhà trường, tuy là hoạt động mang tính “hình thức tương đối” nghĩa là giáo viên và học sinh đều có sự chuẩn bị từ trước nhưng chỉ là sự định hướng chung về nội dung dạy và học trong tiết học. Hoạt động này mục đích nhằm để trao đổi phương pháp giảng dạy , cách thức tổ chức lớp học, cách giải quyết các tình huống, giao tiếp, truyền tải nội dung cho học sinh,... giữa các giáo viên với nhau nhất là đối với các giáo viên trẻ, mới ra trường. Như vậy, thật chất tiết dự giờ là buổi trao đổi phương pháp, hình thức dạy và học chứ không nặng về mặt nội dung học tập.

Thầy T. một giáo viên mới công tác tại thành phố Đà Nẵng cho biết, do bản thân vừa mới tốt nghiệp nên kinh nghiệm đứng lớp còn yếu, nhiều tình huống trong lớp học phát sinh khiến thầy giáo này lúng túng như học sinh hỏi dồn dập, hỏi đi hỏi lại một vấn đề nhiều lần, hiểu sai ý nghĩa của bài học,... Qua các buổi dự giờ, học tập cách thức giảng dạy, tổ chức tiết học của các giáo viên khác nhất là các thầy cô lâu năm, thầy T. đã tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, tự tin trong quá trình giảng dạy tại trường.

Tri ân quý thầy cô giáo - những người hết mình vì sự nghiệp trồng người!

Nhiều thầy cô giáo nđều tỏ ra rất bức xúc  đối với bức tranh biếm họa của Báo Tuổi trẻ Cười, tác giả không có sự hiểu biết và thông cảm đối với sự nghiệp giảng dạy và ý nghĩa của tiết dự giờ trong hoạt động chuyên môn của họ. Tác giả chỉ nhìn thấy được hình thức bên ngoài mà không biết bản chất bên trong,... điều này đã xúc phạm đến danh dự, uy tín của giáo viên.

Cô giáo N - một giáo viên lâu năm đánh giá“Vì tác giả không phải là một nhà sư phạm nên không thể biết được và nhận thức sâu sắc công tác của chúng tôi! Đó là một sự vô ơn của tác giả và người biên tập, người cho in bức tranh ấy! Tôi không dám kể công lao, nhưng chắc chắn thầy cô nào đã đứng lớp đều tự ái với những gì Báo Tuổi trẻ đang làm!”

Trên internet, rất nhiều ý kiến phản hồi về bức tranh biếm họa trên, một em học sinh cho biết“Cho dù là một học sinh cá biệt đi chăng nữa hoặc giữa chừng bỏ học thì với thầy cô chúng em lúc nào cũng giành cho họ một sự trân trọng!”

Em H (Hà Nội) cho rằng “Đây là một việc làm vô văn hóa của một người làm văn hóa!” Thậm chí một phụ huynh học sinh tại Lâm Đồng đề nghị “Ngành giáo dục phải có phản hồi đối với Báo Tuổi trẻ trong việc này, không thể để một cơ quan ngôn luận của Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp, nhiều lần xúc phạm ngành giáo dục, người giáo viên như thế này, các cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc đi thôi!”

Được biết, Báo Tuổi trẻ trong thời gian qua đã có nhiều ấn phẩm, tranh ảnh, bài viết bị dư luận phản ứng gay gắt khi đã cố tình phản ánh sai bản chất vụ việc, nghiệm trọng hơn là đã viết sai về phát biểu của Cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang khiến cho Tuổi trẻ online bị phạt hơn 200 triệu đồng và đình bản 03 tháng. Dư luận cũng có nhiều thông tin tình hình nội bộ cơ quan Báo Tuổi trẻ mất đoàn kết, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,... dẫn đến chất lượng tờ Báo ngày càng đi xuống, làm mất đi tính chiến đấu, truyền thống vẻ vang - một cơ quan ngôn luận của Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Dẫu biết trong thời gian qua đã có thời điểm, có một số cá nhân trong ngành giáo dục đã vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo, chất lượng và cơ sở vật chất giáo dục của chúng ta chưa tốt,... nhưng đó chỉ là những biểu hiện nhỏ chúng ta không thể nhìn nhận cả một hệ thống giáo dục, về người giáo viên qua những biểu hiện ấy. Có rất nhiều thầy cô giáo hết mực vì học sinh, vượt qua muôn vàn khó khăn, thiếu thốn về vật chất chỉ để gieo chữ, tạo tương lai cho học sinh thân yêu, vì sự nghiệp trồng người, tương lai cho đất nước. Không một ai trong chúng ta tự trưởng thành mà không có sự giáo dục, dạy dỗ dù ít hay nhiều của thầy cô giáo, “tôn sư trọng đạo” đó là truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Bài học từ Báo Tuổi trẻ hôm nay cho chúng ta thấy một hồi chuông của sự vô ơn, vô cảm của không ít người trong xã hội hiện nay!

MINH VÂN