DẤU HIỆU ĐÁNG CHÚ Ý TRONG HOẠT ĐỘNG KÊU GỌI TỪ THIỆN TRỰC TUYẾN

 

Thời gian vừa qua, dư luận đang hết sức quan tâm tới vấn đề kêu gọi từ thiện trực tuyến của một số nghệ sĩ nổi tiếng trong giới showbiz Việt, những phân tích, đánh giá hướng vào “có hay không việc lợi dụng từ thiện để trục lợi”, “thực hư nghệ sĩ làm từ thiện”,…

Huengaymoi.com đã có một số trao đổi, tham vấn với chuyên gia an ninh mạng TS. Đoàn Trung Sơn, Khoa An ninh thông tin - Học viện An ninh nhân dân để chia sẻ một số nhận định ban đầu nhằm nhận diện phương thức, thủ đoạn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thông qua kêu gọi từ thiện trực tuyến. Cụ thể:

- Các đối tượng lợi dụng uy tín cá nhân hoặc tính ẩn danh trên mạng để kêu gọi từ thiện với phương thức thủ đoạn tinh vi. Lợi dụng tinh thần tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam để kêu gọi từ thiện qua mạng xã hội, tin nhắn, điện thoại, e-mail… khi xảy ra thiên tai, lũ lụt, hạn hán… và dịch bệnh ủng hộ người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo…

- Các đối tượng có dấu hiệu không minh bạch số tiền quyên góp được sau khi kêu gọi từ thiện; không công khai bản sao kê tài khoản nhận tiền từ thiện; làm giả tài liệu sao kê của ngân hàng hoặc sao kê nhưng không minh bạch thông tin sao kê, tẩy xóa trên tài liệu sao kê; sử dụng một số kĩ thuật để cung cấp thông tin sao kê không đúng đắn.

- Không thực hiện việc từ thiện như đã kêu gọi.

- Sử dụng tài khoản cá nhân kêu gọi từ thiện và mập mờ giữa tiền cá nhân và tiền do cộng đồng đóng góp.

- Lợi dụng uy tín kêu gọi từ thiện vào tài khoản của người khác thay vì của mình và thực hiện ăn chia (tội phạm có tổ chức).

- Dù hết thời gian kêu gọi từ thiện vẫn mở tài khoản hoặc thông báo và thực hiện đóng tài khoản sau đó tiếp tục mở lại để tiền tiếp tục vào tài khoản vì nhiều người không nhận biết được thời gian hết hạn quyên góp hoặc nội dung kêu gọi đã được chỉnh sửa nên tiếp tục gửi tiền từ thiện.

- Sử dụng nhiều tài khoản khác nhau cùng một ngân hàng để dễ dàng chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác để xóa dấu vết.

- Kêu gọi từ thiện với nội dung không nhất quán, thay đổi tài khoản nhận tiền liên tục để nạn nhân chuyển vào nhiều tài khoản khác nhau. Nếu phải sao kê thì chỉ sao kê một tài khoản và theo thời hạn công bố làm từ thiện.

- Kêu gọi làm từ thiện nhưng không trực tiếp làm mà chuyển cho những cá nhân/tổ chức khác để che giấu hành vi và đánh tráo khái niệm từ thiện về lượng tiền kêu gọi được và tính đúng đắn của việc làm từ thiện, gian dối trong quá trình phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp, giả mạo giấy tờ xác nhận nhằm chứng minh tính hợp lệ của các nội dung đi từ thiện.

- Kết hợp với các vấn đề như tôn giáo, tín ngưỡng… để lợi dụng những người nhẹ dạ cả tin để đánh bóng tên tuổi, kêu gọi từ thiện, đánh vào nhân tâm của nạn nhân.

- Quá trình làm từ thiện không đúng đắn, không có được sự xác thực của các cấp có thẩm quyền, thậm chí kê khai hình thức và xin dấu xác nhận (mà dấu xác nhận nhiều khi không có giá trị pháp lý hoặc không do chính quyền địa phương có thẩm quyền công nhận), làm giả dấu xác nhận, giả mạo giấy tờ nhằm chứng minh tính hợp lệ của các nội dung đi từ thiện.

- Số lượng tiền từ thiện khai báo không đúng với thực tế, hàng hóa từ thiện với giá mua không đúng thực tế, nhiều hàng hóa được mạnh thường quân đóng góp không được kê khai chi tiết và tính vào số tiền từ thiện nhận được. Phân phối tiền, hàng hóa từ thiện không có kế hoạch cụ thể, không công bằng gây ra những bức xúc trong xã hội.

Để hạn chế tình trạng trên, cơ quan chức năng cần khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý quy định về việc cá nhân đứng ra tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện của các cá nhân, tổ chức để hoạt động từ thiện (Nghị định 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ chỉ quy định các tổ chức được tiếp nhận và phân phối tiền, hàng cứu trợ gồm: Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; cơ quan thông tin đại chúng của trung ương, địa phương; Ủy ban MTTQ và Hội Chữ thập đỏ các cấp ở địa phương.)

Hành lang pháp lý sẽ giúp các cá nhân, tổ chức hoạt động từ thiện có căn cứ để thực hiện đúng quy định của pháp luật, có trách nhiệm công khai minh bạch khi quản lý, sử dụng tiền từ thiện hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng để lấy lại niềm tin của quần chúng Nhân dân.