CƯ XỬ TRONG DỊCH COVID-19

Mọi người trên Trái đất này đều đang sống trong thời đại dịch Covid-19 và đang phải gồng mình chống dịch. Đến thời điểm này, đã có 153 quốc gia và vùng lãnh thổ phải đối mặt với đại dịch Covid-19.

Hàng trăm triệu người ở nhiều đất nước khác nhau đã hoặc có nguy cơ không được phép ra khỏi nước mình, thậm chí là khu phố hay căn nhà của mình. Hàng nghìn máy bay không thể cất cánh dù giá dầu hiện đã xuống thấp hơn nước đóng chai trong siêu thị. Đây là một cuộc chiến không tiếng súng và cuộc chiến đó đang lan tới mọi ngóc ngách trên toàn cầu. Không chỉ cả quốc gia, mà là toàn cầu đang hợp tác với nhau, để ngăn chặn, làm chậm lại sự lây lan vi-rút SARS-CoV-2, cho các nhà khoa học thêm thời gian, và cho những người bị nhiễm bệnh có thêm cơ hội được sống sót.



Điều đáng nói, trong và sau những biến cố lớn như vậy, trách nhiệm công dân, nghĩa vụ xã hội, tình người, lòng nhân ái cũng như tình yêu đất nước... lại có dịp tỏa sáng. Nhiều người trong chúng ta chợt ngộ ra, trên đời này không có gì quý giá bằng mạng sống, bằng gia đình, bằng quê hương, bằng Tổ quốc. Và trong đại dịch, nhiều gia đình các thành viên có dịp gần nhau nhiều hơn, có nhiều bữa cơm gia đình hơn để thấu hiểu nhau hơn... Một clíp về nữ Việt kiều đang giở đủ mọi thứ lý luận, từ nguyên tắc phòng dịch, tới dinh dưỡng lứa tuổi ra để yêu sách đòi hỏi các lực lượng chống dịch ở sân bay Nội Bài phải đáp ứng, vừa tung lên mạng (ngày 15-3) đã bị toàn cộng đồng mạng lên tiếng phản đối, đến mức vài chục giờ sau nhân vật chính đã phải lên Facebook xin lỗi, ăn năn về hành vi bột phát của mình. Trước đó, trên Facebook cá nhân, một nữ công dân Việt Nam đang làm việc cho một tổ chức tại I-ta-li-a - tâm điểm đại dịch Covid-19 tại châu Âu và thế giới, cho biết lý do cô ấy chưa về Việt Nam, vì không muốn trở thành gánh nặng cho quê hương dù cô biết quê hương luôn dang rộng vòng tay chào đón. Và chính cô đề nghị các bạn kiều bào, các du học sinh, nếu thành phố của các bạn vẫn an toàn, bản thân các bạn đang khỏe mạnh, thì đừng ồ ạt kéo nhau ra sân bay, đó có thể chính là nơi nguy cơ lây bệnh cho các bạn. Thật cảm động vì suy nghĩ thật, có cân nhắc nhưng quá đỗi chân tình này.

Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia cuộc chiến này sớm nhất, với những thắng lợi ban đầu đáng khích lệ. Đó là có sự chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt của Đảng, Nhà nước, sự tham gia, vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và người dân. Trong hoàn cảnh dịch bệnh đã xuất hiện rất nhiều tấm gương, hành động đáng khích lệ. 700 tiếp viên hàng không - những người đang làm công việc mà nguy cơ lây nhiễm nằm trong tốp đầu, đã đăng ký xin không nhận lương hoặc nghỉ không lương từ 2 - 3 tháng. 280 bác sĩ, y tá đã về hưu tại Hà Nội tình nguyện xin trở lại bệnh viện để chống dịch, mặc cho hàng loạt thông tin bác sĩ, y tá lây nhiễm bệnh ở các vùng dịch khác xuất hiện thường xuyên trên công luận, mạng xã hội, báo chí hằng ngày. 100 sinh viên đại học y tình nguyện đến sân bay chặn dịch. Hàng nghìn chiến sĩ quân đội cả tháng nay ngủ bạt giữa rừng. Chăn gối cũng đã nhường để phục vụ người cách ly... Đó là sự vào cuộc một cách tổng lực, để tạo ra sức mạnh tổng hợp và lan tỏa trong toàn xã hội.

Đại dịch nào rồi cũng sẽ qua. Mọi vết thương, nỗi đau hay sự mất mát đến tuyệt vọng rồi cũng sẽ lành lại. Song đại dịch toàn cầu Covid-19 cũng đã gửi một thông điệp cực kỳ rõ ràng với loài người: Một người vô cảm, thiếu trách nhiệm, gian dối sẽ làm hại nhiều người khác. Dịch Covid-19 ghê gớm này sẽ làm chúng ta thay đổi. Và đã có nhiều thay đổi trong mỗi con người, từ thói quen sinh hoạt, lối sống, vệ sinh, giữ gìn sức khỏe cho đến cách thức làm việc, học tập và cả những phong cách sống mới. Chưa kể, những khó khăn, thử thách phải đối phó trong hoàn cảnh dịch bệnh cũng sẽ giúp mỗi chúng ta trưởng thành, bản lĩnh hơn, giúp tạo dựng nên một tư thế, một tâm thế đẹp đẽ hơn.

Và đại dịch lần này cũng là cơ hội để mỗi người xóa bỏ được phần nào “tâm ma”, bớt đi sân hận, ác độc, thói tham lam, ích kỷ, hẹp hòi, đố kỵ... Vào thời điểm này, khi đại dịch Covid-19 chưa biết đến khi nào mới trở thành ký ức, thì đã có nhà văn dự cảm và lưu ý: Dù phải trải qua nhiều khó khăn, thậm chí mất mát nhưng chắc chắn những ai đã trải qua dịch Covid-19 cũng sẽ trở thành những người ghi nhớ, những người rút được những suy nghĩ, hành động đẹp từ trí nhớ, để một ngày nào đó có thể truyền lại ký ức ấy cho thế hệ tương lai!

TÔ NAM