CÒN ĐÂU NỮA…

Gần 10 năm nay tôi mới có dịp trở lại Huế để thăm lại kỷ niệm xưa, thăm đền đài, lăng tẩm, chùa chiền và cảnh quan thơ mộng của vùng đất Cố đô. Đợt trở lại Huế lần này đem lại cho tôi bao kỷ niệm vui, buồn. Hơn mười ngày ở Huế, tôi tha hồ mà đi nhưng nơi tôi thích. Điều cảm nhận đầu tiên là Huế có nhiều đổi mới. Vẫn là thành phố xanh, sạch, đẹp. Bộ mặt từ đô thị đến nông thôn khang trang và chỉn chu mặc dù một số con đường đang ngổn ngang vì đang thi công. Sông Hương vẫn trong xanh và dịu mát như thuở nào. Nhiều lăng tẩm được trùng tu nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, trang nghiêm như ban đầu. Cách đây gần 30 năm, khi còn là sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học), tôi thường cùng bạn bè ở ký túc xá đạp xe cả chục cây số để dạo chơi, khi thì đến chùa Thiên Mụ, chùa Huyền Không, xa hơn là đến Huyền Không Sơn Thượng. Lắng nghe tiếng chuông chùa âm vang, tiếng chim cu gù vang vọng, ngắm những giò phong lan thoang thoảng hương mà trong lòng như nhẹ đi, thoải mái…sau những môn thi mệt nhọc và căng thẳng. Vào hè, Huế nóng bức lắm. Có khi cả ngày chúng tôi ở đồi Thiên An để hóng mát, đàn ca... Chỉ trải tấm bạt nhỏ, thế là có chỗ nghỉ ngơi trên đồi cao yên tĩnh. Thả hồn bên ngàn thông reo vi vu mà quên cả bóng chiều đã tắt, tối mịt mới về đến trường. Làm sao quên được những tháng ngày hồn nhiên, lãng mạn của một thời trai trẻ khi được hòa quyện với thiên nhiên, với đất trời. Chỉ cách thành Huế vài km ta đã có một chỗ nghỉ ngơi, thư giãn thật tuyệt vời mà chúng tôi thường nói là Đà Lạt thứ hai.

Vẻ đẹp thơ mộng của Đồi thông Thiên An được nhiều người yêu thích

Mùa hè này, tôi không đi cùng bạn bè như ngày nào nữa mà cùng vợ con thăm Huế, hăm hở lên lại đồi thông năm xưa. Đỗ xe phía dưới chân đồi, tôi cùng gia đình thả bộ lên đồi cao. Con đường dốc đất đỏ thoai thoải làm tôi nhớ lại ngày nào khi cùng chúng bạn thi nhau đạp xe lên đỉnh đồi. Tôi kể cho vợ và con nghe nhiều kỷ niệm đẹp khi tôi còn là sinh viên, chính vì vậy khi nghe ra Huế ai cũng náo nức, phấn chấn lắm vì chưa một lần đặt chân đến mảnh đất đầy thơ mộng này. Quê tôi ở tận Gia Lai, vùng đất đỏ bazan cũng trồng được nhiều cây đem lại lợi ích kinh tế. Nhờ tiêu, cà phê và  cây bơ mà gia đình tôi cũng như nhiều bà con nơi đây đã vượt qua nghèo khó. Chính vì lẽ đó mà bà con bám đất, bám rừng, quí trọng từng mảnh vườn, chăm bón từng gốc cây để đem lại hoa thơm, trái ngọt. Miên man nghĩ ngợi, gia đình tôi đã đến đỉnh đồi. Tôi nhìn quanh sao lại thế này, tôi có đến nhầm chỗ không. Không! Không thể nhầm lẫn đâu được vì những nơi này bạn bè tôi đã đến đây không biết bao nhiêu lần. Có khác chăng là những cây thông nhỏ, khẳng khiu năm xưa giờ sau gần 30 năm đã trở thành những gốc thông to lớn tỏa bóng mát cả khu đồi đã bị chặt hạ, dấu chặt vẫn  còn mới mặc dù nhựa thông đã đen như từng cục máu khô. Cả một rừng thông bị tàn phá, ai đã làm việc này và nhằm mục đích gì. Gia đình tôi đi tiếp thêm một đoạn nữa thì thấy một đoạn đường bị cày xới tung lên. Vợ và các con của tôi cũng bất ngờ vì nó hoang tàn không như lời tôi kể.

Những hàng thông ở Thiên An bị các đối tượng xấu đốn hạ không thương tiếc

Chúng tôi ra về nhưng trong lòng bao ấm ức. Khi xuống chân đồi, gặp một vài người dân địa phương để hỏi chuyện, thì mới biết nỗi bức xúc của bà con nơi đây và cả chính quyền địa phương. Họ nói chính những người ở Đan viện Thiên An (tòa nhà nằm trên cao đỉnh đồi) ra tay đốn chặt không thương tiếc, thậm chí họ còn đốt lửa dưới gốc, khoét thân cây rồi đổ chất độc vào để cây chết. Những việc làm này họ làm lén lút, lợi dụng đêm khuya để phá hoại tài nguyên thiên nhiên của Nhà nước. Họ xây dựng trái phép và cho xe cần cẩu múc đất phá đường dân sinh, gây biết bao khó khăn cho người dân nơi đây. Họ còn chặt phá cây trồng của dân, chặn đường mưu sinh, làm cho người dân rơi vào cảnh khốn đốn khi vốn liếng, công sức đã đầu tư vào nơi đây phút chốc bị phá tan hoang. Tàn nhẫn hơn họ đào trộm mộ của người dân. Đây không phải thiên tai mà người hại. Hàng ngàn người dân ở thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy từ người già đến trẻ em không ai không biết chuyện này. Thế mà họ còn rêu rao nói điều ngược lại, còn tung lên các trang mạng xã hội để bịa đặt, dựng chuyện, vu khống chính quyền địa phương.

Hành vi ngang ngược của một số tu sĩ tại đây khiến người dân bức xúc

Trên đường về khách sạn, gia đình tôi cứ băn khoăn mãi, tại sao những người tu hành lại làm những việc như thế. Lương tâm và đạo lý làm người của họ đi đâu cả rồi. Kiểu tu của những người ở Đan viện Thiên An là tu gì đây, trong khi không ít tổ chức và cá nhân của các tôn giáo trên khắp mọi miền đất nước đã có những việc làm hữu ích, sống tốt đời đẹp đạo được xã hội tôn vinh và trân trọng. Không giúp ích gì cho quê hương, đất nước thì đừng gây thêm bao điều phiền phức. Không giúp gì được cho dân thì đừng làm khổ dân chỉ thêm mang tội. Thế mà trên mạng xã hội có trang “Tin mừng cho người nghèo”, thiết nghĩ nên đổi lại “Tin buồn cho người nghèo” thì hợp lý hơn.

 

                                                                THANH THANH