CHIẾN THẮNG MANG TẦM VÓC THỜI ĐẠI

Ngày 9-5-1945 đã đi vào lịch sử của nhân loại khi đại diện nước Đức quốc xã ký thỏa thuận đầu hàng vô điều kiện Liên Xô và các nước đồng minh.

Chiến thắng phát xít trở thành một trong những thiên anh hùng ca chói lọi được ghi vào lịch sử nhân loại trong thế kỷ 20, trở thành Ngày chiến thắng chung của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Đó đồng thời cũng là Ngày chiến thắng vinh quang của quân và dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941-1945).

Cách đây 76 năm, Ngày chiến thắng phát xít được đánh dấu bằng thỏa thuận đầu hàng vô điều kiện của Đức quốc xã với phe đồng minh (Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp) vào lúc 0 giờ 43 phút ngày 9-5-1945 (giờ Moscow). Cuộc chiến tranh đẫm máu nhất trong lịch sử loài người đã khép lại sau khi gây thương đau không kể xiết cho hàng trăm triệu người dân trên thế giới. Tổng kết cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai có thể thấy đây là cuộc chiến bao trùm trên hầu hết các châu lục, đại dương, liên quan đến hơn 70 nước với 1,7 tỷ người, trong đó có tới 110 triệu quân tham chiến. Liên Xô là nước chịu thiệt hại lớn nhất về người và vật chất. Để đi đến Ngày chiến thắng, nhân dân Liên Xô đã phải hứng chịu những hy sinh mất mát to lớn nhất, những tổn thất không thể bù đắp nổi. Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của khoảng 27 triệu người Liên Xô, trong đó gần 9 triệu chiến sĩ Hồng quân đã ngã xuống cho Ngày chiến thắng. Vì vậy, Ngày chiến thắng luôn là ngày lễ thiêng liêng nhất, cao cả nhất đối với các thế hệ người dân Nga nói riêng và nhân loại nói chung.

Chiến thắng mang tầm vóc thời đại
 Lá cờ Chiến thắng của Hồng quân được phất trên nóc trụ sở Quốc hội Đức Quốc xã vào năm 1945. Ảnh: Bảo tàng Nghệ thuật Đa phương tiện Moscow.

Chiến thắng phát xít năm 1945 đã làm thay đổi cục diện, tạo tiền đề quan trọng đưa thế giới sang thời kỳ phát triển mới. Hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu được hình thành. Bão táp cách mạng và phong trào giải phóng dân tộc đã làm lung lay, từng bước sụp đổ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, thực dân tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latin...

Vươn lên từ đống tro tàn của Chiến tranh thế giới thứ hai, các quốc gia đã chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn. Từ những nỗ lực đó, một hệ thống an ninh tập thể dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc (LHQ) đã ra đời. Những tôn chỉ, mục đích của Hiến chương LHQ, nhất là các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không sử dụng vũ lực và giải quyết hòa bình các tranh chấp đã đóng vai trò chủ đạo trong việc ngăn ngừa một thảm họa chiến tranh toàn cầu và góp phần xây dựng nền hòa bình bền vững.

Với Việt Nam, Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc đã mang lại cho đất nước một khởi đầu mới. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng, tận dụng cơ hội chiến lược để tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Sau gần một thế kỷ dưới chế độ thực dân, Việt Nam đã giành được độc lập. Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời ngày 2-9-1945, mở ra chặng đường lịch sử mới đầy tự hào và vẻ vang cho dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ và biết ơn những nỗ lực cống hiến và tổn thất hy sinh to lớn của các quốc gia, trong đó có quân đội và nhân dân Liên Xô, đã làm nên chiến thắng vĩ đại chống chủ nghĩa phát xít, cứu loài người khỏi thảm họa diệt vong. Giống như tất cả các dân tộc từng bị áp bức, đau khổ do ngoại xâm, phải chịu nhiều mất mát hy sinh, tổn thất nặng nề bởi chiến tranh, người Việt Nam nhận thức rất rõ ý nghĩa, giá trị của hòa bình và luôn luôn mong muốn hòa bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: "Nhân dân nước nào cũng yêu chuộng hòa bình, cũng chán ghét chiến tranh, cũng muốn sống tự do độc lập". Đó là lý do để nhân dân Việt Nam đã, đang và sẽ ra sức phấn đấu, đoàn kết quốc tế cùng các quốc gia và những người yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới xây dựng một nền hòa bình hữu nghị, phát triển ổn định, bền vững cho nhân loại. 

Thế giới của thế kỷ 21 đang chịu nhiều biến động to lớn với hệ lụy và tác động đa chiều, đa lĩnh vực, ở tầm toàn cầu và có thể còn kéo dài trong nhiều năm tới. Kinh tế thế giới rơi vào suy thoái, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn quyết liệt chưa từng có kể từ sau Chiến tranh lạnh. Các trào lưu chống toàn cầu hóa, dân túy, bảo hộ vốn xuất hiện từ trước lại càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Các xung đột trên biển, thách thức an ninh phi truyền thống gia tăng, gây nguy cơ tiềm ẩn đối với hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới. Nghiêm trọng hơn, đại dịch Covid-19 đang đặt thế giới vào một thách thức lớn nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Cuộc chiến “không tiếng súng” này đã cướp đi sinh mạng của hơn 3,28 triệu người trên toàn thế giới và tác động đến mọi mặt đời sống của người dân trên hành tinh và đang có xu hướng làm thay đổi trật tự thế giới, thậm chí mở ra một kỷ nguyên mới-kỷ nguyên hậu Covid-19.

Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đang nỗ lực hết sức mình trong cuộc chiến chống Covid-19 cũng như góp phần thúc đẩy xây dựng lòng tin và ngăn ngừa, giải quyết xung đột trên thế giới. Với những bài học được rút ra từ cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, chúng ta tin tưởng rằng tinh thần hợp tác, đoàn kết và chia sẻ nguồn lực vào lúc này hết sức thực tế và cần thiết, giúp nhân loại có thể đối phó hiệu quả với các thách thức và mối đe dọa chung, trước hết là trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.  

Lê Thanh