CÁCH LY CHỐNG DỊCH BỆNH KHÔNG PHẢI LÀ PHONG TỎA HAY GIỚI NGHIÊM.

 

 

    Ngày 31/3/2020 Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 16/CT- TTg “ Về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVIT-19”. Cần phải hiểu “biện pháp cách ly”thế nào cho đúng.

   “Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1 tháng 4 năm 2020 trên phạm vi toàn quốc”. Khi nghe thông tin này có nhiều người tỏ ra sốt ruột, lo lắng vì sợ bị “giam lỏng” tại nhà, không được đi ra ngoài. Nhiều người lo lắng mua tích trữ đồ dùng, lương thực như đã từng diễn ra cách đây nửa tháng. Có người còn lo Nhà nước cắt mạng internet sẽ không biết thông tin ra sao? Nói chung là hàng trăm kiểu suy diễn, bàn luận qua lại với đủ kiểu với những “giả thiết”. Trong đợt dịch COVIT 19 lần này chúng ta đã từng nghe đến phong tỏa hay cách ly. Từ cách ly 1 xã (Sơn lôi, Vĩnh phúc), 1 tuyến phố (Trúc bạch, Hà nội), một thôn (Bình thuận, Hải phòng), 1 chung cư (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà nội), cho đến buộc cách ly tại nhà, cách ly tập trung, cách ly chữa bệnh vv.... Ở đây cần phải hiểu cách ly toàn xã hội như trong Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là hình thức mức độ thấp nhằm không để tập trung đông người, mục đích là không để lây nhiễm nếu ai đó đã có mầm bệnh nhưng chưa được kiểm tra, xét nghiệm. Cách ly nhằm không để lây lan dịch bệnh, hạn chế thấp nhất lây nhiễm giữa người với người, giữa một vài người với những nhóm cộng đồng xã hội.Mức độ đưa ra không phải phong tỏa cả nước hay một vùng như các nước trên thế giới đang áp dụng. Kinh nghiệm về bùng phát dịch đang diễn ra tại Mỹ, Italia, Tây ban nha là những ví dụ như thế. Mặc dù biết rõ dịch bệnh đã lan tới, đe dọa ở ngay địa phương nhưng người dân vẫn tập trung vui chơi, giải trí, tập trung đông người, không đeo hoặc kỳ thị với người đeo khẩu trang, thậm chí còn kỳ thị với những người Châu Á. Khi dịch bệnh lây nhiễm tràn lan, không kiềm chế được mới cách ly, phòng ngừa thì đã quá muộn. Người nhiễm bệnh, người chết tràn lan tạo nên những hậu quả nặng nề cho sức khỏe, sinh mạng con người, tốn kém kinh phí điều trị.

    Cách ly toàn quốc khác với “tình trạng khẩn cấp” và “giới nghiêm”hay “thiết quân luật”. Chúng ta gọi cách ly xã hội trên phạm vi toàn quốc chứ không phải phong tỏa toàn quốc như nhiều người không hiểu hoặc đồn đoán. Tình trạng khẩn cấp trong Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm được Quốc hội khóa 12 thông qua năm 2007 đã nêu rõ vấn đề này. Theo đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết hoặc Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ. Giới nghiêm là hình thức cao và thường đi đôi với thiết quân luật. Theo Luật Quốc phòng Việt nam được Quốc hội thông qua năm 2018 thì giới nghiêm được áp dụng trong các trường hợp an ninh, trật tự ở một vùng hay quốc gia bị hỗn loạn hoặc thiên tai, dịch bệnh xảy ra đe dọa nghiêm trọng đến an toàn của đất nước. Khi đó chính quyền hành chính (dân sự) mất kiểm soát, cướp bóc, đe dọa tồn vong của nhà nước. Luật cũng quy định giới nghiêm được giao cho lực lượng quân sự điều hành toàn diện. Hiện nay dịch COVIT 19 lan rộng gây thảm họa lớn buộc một số nước phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp hoặc giới nghiêm ở một số vùng hay toàn quốc là xuất phát từ thực tế đó. Với Việt nam, Chính phủ đã lường trước, chủ động đề ra kịch bản, kế hoạch đối phó có hiệu quả nên ban hành biện pháp cách ly như trong Chỉ thị 16 là vừa phải, đúng thực tế diễn biến tình hình.

   Hiện nay dịch COVIT 19 đang hoành hành trên 200 nước với gần hàng trăm ngàn người nhiễm bệnh, người chết đang tăng lên hàng giờ. Đây là thời gian “vàng”cho khống chế và đẩy lùi dịch bệnh trên cơ sở khoa học về sự lây lan của loại vi rút này. Không kiểm soát, không chế được dịch sẽ rất nguy hiểm, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã ra Lời kêu gọi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị, cả hệ thống chính trị đã quyết liệt vào cuộc cho thấy tính chất cấp bách chống dịch khi bước sang giai đoạn mới. Mỗi người cần hiểu rõ để tuân thủ, đoàn kết, đồng hành cùng toàn xã hội phòng,chống dịch. Trong thời điểm này không nên hoang mang, nhưng cũng không được chủ quan. Tuân thủ quy định theo chỉ thị vừa là mệnh lệnh, vừa là trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với xã hội và với chính bản thân mình.

 

                                                                                                                       NGUYỄN  PHƯỚC AN