Bạo loạn ở Paris - sự thật về cái gọi là “xứ thiên đường” của những nhà dân chủ.

Trong những ngày qua, chủ đề “Bạo loạn ở Paris” luôn thu hút sự chú ý của báo chí và dư luận. Không ít người thể hiện sự ngỡ ngàng trước sự phản đối mạnh mẽ của người dân Pháp, đặc biệt là phong trào “Áo khoác vàng” – biểu tượng cho tiếng kêu cứu, sự oán giận của người dân đối với kế hoạch tăng thuế nhiên liệu Tổng thống Macron dự kiến áp dụng từ năm 2019, trong lúc giá xăng năm nay vốn đã tăng 16% tới 1,74 USD/lít vào tháng 10/2018.

Paris rúng động bởi phong trào áo vàng

Chỉ riêng ngày 8/12, hơn 125.000 người đã xuống đường biểu tình tại các thành phố lớn trên toàn nước Pháp như Paris, Marseille, Nice và Nantes. Các cuộc tuần hành biến thành bạo động tại Paris, Bordeaux và Toulouse khi những kẻ quá khích bắt đầu đốt cháy các chướng ngại vật trên đường phố. Khoảng 1.400 người bị bắt trên toàn nước Pháp. Khoảng 89.000 nhân viên an ninh được triển khai trên toàn nước Pháp. Nhiều người biểu tình quá khích đã phóng hỏa đốt ô tô, cướp phá các cửa hàng và thậm chí bôi bẩn Khải Hoàn Môn – công trình biểu tượng nổi tiếng của nước Pháp. Hơn 200 người đã bị thương trong các cuộc biểu tình khắp cả nước, trong đó có nhiều nhân viên an ninh. Làn sóng biểu tình dẫn tới tình trạng bạo loạn đã khiến cộng đồng doanh nghiệp Pháp quan ngại bởi thiệt hại lên tới hàng tỷ euro.

Tuy nhiên, chủ đề “Bạo loạn ở Paris” không khiến các trung tâm đài báo nước ngoài RFA, RFI….đặc biệt các nhà “dân chủ” của chúng ta hứng thú. Đa số chỉ có một đến hai bài viết cập nhật tin tức mà không có bình luận gì thêm. Điều này chứng tỏ “Bạo loạn ở Paris” có vẻ như không “hot” như bạo loạn ở Việt Nam. Nhìn lại cuộc bạo loạn ở Bình Thuận ngày 10/6/2018, chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin từ vô số các đài báo đặc biệt là RFA, RFI, VOA… Trên mạng xã hội, ta có thể bắt gặp một số luận điệu của các nhà “dân chủ” như: “Thời điểm chín muồi để chế độ sụp đổ”, “bạo loạn là điều chắc chắn đã xảy ra”, “hãy xuống đường để thể hiện tiếng nói”, “Điều này chỉ xảy ra ở những nơi Cộng sản cai trị”… Vậy theo như các luận điệu trên thì có vẻ như Chủ nghĩa tư bản ở Pháp đã trên đà sụp đổ? Việc bạo loạn xảy ra tại Paris (nơi những nhà “dân chủ” cho rằng là thiên đường “tự do – bình đẳng – bác ái”) đã chứng tỏ rằng “xứ thiên đường” ấy tồn tại vô số sự bất bình đẳng, nhiều mặt tiêu cực trong xã hội – thứ lâu nay trong suy nghĩ của chúng chỉ có ở các nước Xã hội chủ nghĩa.

Bất cứ một đất nước nào, không phân biệt thể chế chính trị đều có những vấn đề nội tại trong xã hội, không nơi nào giống nơi nào, đến cả Mỹ hay Trung Quốc đều có yếu tố cần khắc phục. Thay vì “đứng núi này trông núi nọ”, ảo tưởng về một giấc mơ “Tây hóa ở xứ thiên đường”, các nhà “dân chủ” hãy thôi làm “anh hùng bàn phím”, muốn xây dựng thì không nên chửi bới mà vạch ra vấn đề thì phải có sự nhìn nhận và giải quyết vấn đề mới xứng đáng một công dân tốt. Đây là điều mà toàn Đảng, toàn dân trong thời gian qua luôn cố gắng nổ lực, phát huy sáng kiến từng tập thể, cá nhân hướng tới một Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Minh Khánh