BI KỊCH HÓA THÁI QUÁ

Dù không còn nóng như mùa đầu tiên nhưng phải thừa nhận ở mùa thứ hai này, chương trình “Rap Việt” vẫn thu hút sự chú ý của khá đông khán giả.

Nhưng càng chú ý theo dõi, số lượng khán giả cảm thấy thất vọng với một chương trình từng đứng đầu “top thịnh hành” trên Youtube năm 2020. Cơ bản, chương trình không có nhân tố mới và hơn nữa, lối khai thác đã trở nên nhàm chán với kiểu bi kịch hoá một cách thái quá.

Ví dụ điển hình nhất là ở tập 4, sau màn thi của thí sinh nghệ danh Xám (tên thật Lê Minh Quốc), MC Trấn Thành đã có những trao đổi với Xám xoay quanh cảm hứng sáng tác, đề tài lựa chọn. Khi Xám kể lại câu chuyện buồn là sự ra đi của cha mình trong mùa dịch COVID-19 vì bệnh tiểu đường, không khí chùng lại, đầy cảm xúc.

Những giọt nước mắt đồng cảm của các HLV như Binz, Rhymastic, Karik, Wowy và của Trấn Thành cùng ca sỹ hỗ trợ Sofia đã để lại hình ảnh tuyệt đẹp, đầy tình người, rất nhân văn và chạm được hết vào cảm xúc của khán giả. Cảm xúc ấy lên cao trào hơn khi chính Binz cũng chia sẻ về mất mát tương tự của anh, và lặng lẽ quay lưng đi vào hậu trường để giấu những giọt nước mắt. Mọi thứ đều tuyệt đẹp cho đến lúc đó.

Nhưng nó trở nên quá đà khi sau đấy, MC Trấn Thành lại kể lể chuyện nữ ca sỹ Sofia mồ côi mẹ như thế nào. Từ cảm xúc đẹp mà khán giả cảm nhận được, mọi thứ quay ngoắt 180 độ để sự bực bội và khó chịu xuất hiện. Dễ hiểu, trước mất mát của người khác, ai cũng có xu hướng muốn an ủi, sẻ chia, động viên nhưng khi chúng ta phải chứng kiến việc mang bi kịch cá nhân ra làm điểm nhấn tạo sức hút cho một show diễn, ai cũng phải có phản ứng lại với sự lạm dụng đầy vô cảm của những người sản xuất chương trình.

“Mua nước mắt, bán nụ cười” vẫn là nhận xét của nhiều người về nghề biểu diễn, nghề sân khấu. Tuy nhiên, bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu nụ cười cho đủ lại là một nghệ thuật không phải ai cũng đạt tới nổi. Dư nước mắt, thừa nụ cười ắt sẽ thành phản cảm. Và ngay cả khi những chuyện vốn dĩ đong đầy tình cảm nếu bị khai thác thái quá cũng sẽ trở nên phản cảm như thường.

Không hiểu những người sản xuất “Rap Việt” có hiểu được tác dụng ngược của việc bi kịch hoá câu chuyện đến mức thái quá hay không? Nhưng rõ ràng, nhà sản xuất này vốn dĩ có “truyền thống” khai thác bi kịch cá nhân, kể từ thời kỳ họ xây dựng chương trình “Sau ánh hào quang”. Và nếu nhìn vào lượng người xem “Rap Việt” mùa 2 trên Youtube sụt giảm so với mùa 1 cũng như “Rap Việt” không còn chiếm top thịnh hành nữa, có lẽ họ nên nhận ra rằng chính việc bi kịch hoá thái quá các câu chuyện là một trong các nguyên nhân khiến chương trình mất khách như hiện nay. 

Văn  Đoàn