Vun đắp niềm tin hướng thiện

Làm việc trong môi trường đặc biệt, với những đối tượng đặc biệt, tập thể nữ quản giáo (NQG) Trại tạm giam Công an tỉnh luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đối với những phạm nhân nữ, những NQG ở đây đã trở thành điểm tựa và niềm tin cho nhiều số phận lầm lỗi, vươn lên làm lại cuộc đời.

Phạm nhân nữ trong giờ lao động tại Trại tạm giam Công an tỉnh

Phạm nhân nữ Lê Thị Ánh Ng. nhận mức hình phạt tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đang thụ án tại Trại tạm giam Công an tỉnh. Ng. đã trải qua những chuỗi ngày tưởng chừng như tuyệt vọng kể từ khi vướng vào vòng lao lý. Thời gian đầu đối mặt với cơ quan điều tra, chị chưa thực sự cởi mở, hợp tác.

Hiểu rõ những biến động về tâm lý, ngay từ những ngày đầu mới vào trại, Ng. đã được các NQG nơi đây gần gũi, sẻ chia để động viên. Đến nay, Ng. đã bình tâm, nhận thức được việc làm sai trái của mình; đồng thời, tích cực hợp tác cùng cơ quan công an, cung cấp nhiều thông tin giúp cơ quan điều tra sớm làm sáng tỏ vụ án.

Ng. đã hiểu rằng, ăn năn hối cải là một trong những cách để mình chuộc lại lỗi lầm và nhận được sự khoan hồng của luật pháp. Ng. chia sẻ: Chính sự gần gũi của các NQG đã giúp tôi yên tâm cải tạo. Ngày trở về không còn xa, tôi cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc khi được đoàn tụ với gia đình. Vì vậy, tôi luôn động viên các phạm nhân khác cố gắng cải tạo thật tốt để hưởng sự khoan hồng của pháp luật; mà hơn hết là sống tốt với bản thân, gia đình và xã hội.

Hiện nay, Trại tạm giam Công an tỉnh đang giam giữ, quản lý trên 200 can phạm, phạm nhân. Mỗi người đều có ngã rẽ khác nhau, nhưng đa phần đều hạn chế về trình độ, hiểu biết pháp luật; song khi đến đây, họ luôn nhận được sự bao dung, một điểm tựa tinh thần để nuôi dưỡng niềm tin dẫn bước trở về con đường thiện.

Theo thượng úy Văn Như Bạch Mai, cán bộ Trại tạm Giam Công an tỉnh: Mỗi can phạm, phạm nhân có đặc điểm riêng về tâm lý, hoàn cảnh gia đình, môi trường sống khi còn ngoài xã hội, điều kiện phạm tội... nên bên cạnh hình thức giáo dục chung, cán bộ chiến sĩ còn chú trọng quan tâm đến từng đối tượng để nắm tình hình, diễn biến tư tưởng, thái độ của các phạm nhân. Với những phạm nhân có biểu hiện tâm lý khác thường, cán bộ quản giáo còn tạo điều kiện thuận lợi để gia đình thân nhân thăm gặp, điện thoại, thư từ để tác động. Sự quan tâm, lo lắng và những lời động viên, an ủi về tinh thần là nguồn động lực để các phạm nhân cố gắng cải tạo tiến bộ.

“Có những can phạm nhân khi vào trại biết bản thân mình mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh hiểm nghèo luôn tỏ ra bất hợp tác, không chấp hành nội quy, không tiếp xúc với bất kỳ ai. Những trường hợp đó, NQG làm công tác trực tiếp chăm sóc, dùng sự tận tâm để cảm hóa, giáo dục họ hồi tâm, chuyển hướng và đã thành công”. - Thượng tá Võ Quang Vinh, Phó Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh cho biết.

Công tác quản lý tạm giam, tạm giữ là một công việc phức tạp và nguy hiểm, song các chị đã vượt qua những khó khăn, thử thách, lặng lẽ khơi dậy, vun đắp niềm tin hướng thiện, mở ra trang đời hoàn lương từ  một thời lầm lỗi.

Theo Thừa Thiên Huế online