Vay dễ, thoát khó

Mất tiền, mất xe, mất nhà, mất đất, mất việc và có thể là mất cả gia đình, lâm vào cảnh lang thang cơ nhỡ, thậm chí phải rời bỏ quê hương, thậm chí là mất luôn cuộc sống…

Việc tiếp cận để có ngay một nguồn tiền, từ một đến vài chục triệu đồng, thậm chí nhiều hơn thế nhiều lần từ các “ngân hàng” nhan nhản trên các cột điện, bờ tường, thân cây…trên đường phố đã làm cho người có nhu cầu nhanh chóng giải quyết được sự cần kíp cho những chi tiêu trước mắt. Cũng vì quá dễ, không mất nhiều thời gian để chứng minh tài sản khi chỉ cần một chứng minh thư cộng hộ khẩu bản chính; giấy tờ xe hay hóa đơn tiền điện trong một khoảng thời gian nào đó (nhằm mục đích chứng minh nguồn thu nhập); hợp đồng lao động, thậm chí là có người “cầm’ cả thẻ ATM (đối với người có lương được chi trả lương hàng tháng qua hệ thống này) hoặc ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với bên cho vay nếu cần một khoản tiền lớn… nên nhiều người đã chọn kênh này mà không biết rằng, mình đã cõng một món nợ với lãi suất khủng từ 10% - 15%/tháng và khi nhận tiền, đã bị trừ phần lãi 1 tháng, phần còn lại chia đều trả góp mỗi ngày. Các chủ nợ sẽ cộng lãi suất vào tiền gốc nếu người đi vay không trả nợ được. Trong đa số trường hợp, người đi vay vừa khó có tiền để trả, vừa khó thoát được mạng lưới vây bủa của kiểu tín dụng theo kiểu xã hội đen này.

Mất tiền, mất xe, mất nhà, mất đất, mất việc và có thể là mất cả gia đình, lâm vào cảnh lang thang cơ nhỡ, thậm chí phải rời bỏ quê hương, thậm chí là mất luôn cuộc sống… là những hậu quả nhãn tiền của nhiều người khi tham gia vào mạng lưới này. Đây là một thực trạng được cảnh báo trên diện rộng khi nó đã lan ra hầu khắp các tỉnh, thành phố trên địa bàn toàn quốc. Vấn đề này cũng đã được Công an TP. Huế cảnh báo trong cuộc họp báo 6 tháng đầu năm với những vụ việc cụ thể. Trước đó, Công an tỉnh vừa chủ động tuyên truyền, vừa lập kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này nhưng hoạt động này vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự và an toàn xã hội. Ngày 17/9 mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã có Quyết định số 2055/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra dịch vụ cầm đồ và hoạt động cho vay trên địa bàn mà Công an tỉnh nắm được danh sách và các đối tượng có liên quan đến phát tờ rơi, niêm yết quảng cáo cho vay công khai.

Thật khó để nói về một sự bình tĩnh, có tìm hiểu, lựa chọn đối với những người cần kíp một khoản tiền trong một thời điểm ngặt nghèo; nhất là những người đã trót vướng vào cờ bạc, cá độ nhưng vẫn phải nhắc lại một điều không cũ về việc phải cẩn trọng với lãi suất khi vướng vào mạng lưới này nếu không muốn “bán” mình cho “quỷ dữ”. Đó là điều thuộc về các cá thể. Rộng hơn, đây là một vấn đề xã hội mà các cấp chính quyền cần phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, từ nhiều phía với những giải pháp căn cơ và chế tài về theo luật pháp để nhổ dần nấm độc. Bên cạnh đó là việc quan tâm đến người nghèo từ các ngân hàng bằng cách tạo điều kiện, đơn giản hóa thủ tục cho những khoản vay nhỏ dựa trên cơ sở xét mục đích vay vốn, phương án tài chính, khả năng trả nợ. Việc phát triển hệ thống tín dụng quy mô nhỏ chuyên nghiệp cung cấp các khoản vay nhỏ cho dân nghèo đô thị và vùng nông thôn cũng là điều đã được đề nghị và tính đến để góp phần ngăn chặn sự lây lan của tín dụng đen như một giải pháp cần thiết.

Theo Thừa Thiên Huế online