VIỆT NAM SẼ "VƯỢT QUA MỌI SÓNG TO, GIÓ CẢ"

Quốc hội thông qua nghị quyết bầu ông Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2016-2021 với tỷ lệ tán thành 97,5%.

Lúc 9h sáng 5/4, đội nghi lễ tiến vào vị trí. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu đứng dậy chứng kiến lễ tuyên thệ của tân Chủ tịch nước.

Trong bộ vest đen, cravat đỏ, ông Phúc cúi mình chào lá cờ Tổ quốc rồi bước lên bục thực hiện nghi lễ.

"Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp, ra sức công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó", tân Chủ tịch nước nói.

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ. Ảnh: Giang Huy

Tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên thệ. Ảnh: Giang Huy

Trong bài phát biểu nhậm chức dài gần 9 phút, ông Nguyễn Xuân Phúc hứa gần gũi, lắng nghe, tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của nhân dân. Ông bày tỏ mong muốn nhận được sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của cả hệ thống chính trị, đồng bào, chiến sỹ cả nước, đồng bào ở nước ngoài để hoàn thành tốt nhất trọng trách được giao.

Theo tân Chủ tịch nước, trong nhiệm kỳ vừa qua, "con tàu Việt Nam" đã vượt qua một hải trình dồn dập, đầy bão tố, từ bất ổn kinh tế thế giới đến đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão lũ liên tiếp tác động rất nặng nề đến sự phát triển của đất nước.

"Những thành tựu chúng ta giành được không chỉ đo bằng con số GDP tạo ra, mà còn là những giá trị xã hội vô hình không thể tính hết, đó còn là tinh thần đoàn kết, thi đua yêu nước, lòng quả cảm nhân hậu và tình người, sự bền bỉ và ái quốc trong nhân dân", ông nói.

Lãnh đạo Nhà nước nhận định trên chuyến hải trình sắp tới, "con tàu Việt Nam" sẽ còn gặp phải những con sóng dữ và nhiều ngọn gió lớn. Tuy nhiên, "khó khăn không phải là thứ sinh ra để làm chùn bước chân chúng ta, nó là bài kiểm tra tinh thần nhẫn nại và ý chí vươn lên".

Ông tin tưởng đất nước nhất định "sẽ vượt qua mọi sóng to, gió cả để đến bến bờ bình an và hạnh phúc"; đồng thời, nêu rõ khát vọng về một nước Việt Nam hùng cường vào năm 2045 không phải là một món quà có sẵn, mà "đó là mục tiêu cao cả mà chúng ta hôm nay và những thế hệ tiếp theo phải nỗ lực phấn đấu để giành được".

"Đảng và Nhà nước luôn sát cánh cùng nhân dân để mùa màng thêm bội thu, để sản xuất, kinh doanh luôn thành công, để những dòng sông luôn tuôn chảy mát lành, để những trẻ em luôn có những giấc mơ và hoài bão vươn xa, để những cụ già sống trọn phần đời thật ý nghĩa, hạnh phúc và để thúc đẩy tinh thần cho những con người đang khát khao cống hiến, sáng tạo", tân Chủ tịch nước phát biểu.

Ông Nguyễn Xuân Phúc trở thành Chủ tịch nước thứ 11 kể từ năm 1945, và là Thủ tướng đầu tiên trong lịch sử được bầu giữ chức người đứng đầu Nhà nước.

Trước đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước hôm 2/4.

Nhiệm kỳ 2016-2021 từng có sự thay đổi nhân sự Chủ tịch nước. Giữa năm 2018 Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh được phân công giữ chức Quyền Chủ tịch nước từ 23/9 đến 23/10/2018. Ngày 23/10/2018 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức Chủ tịch nước.

Việc miễn nhiệm và bầu, phê chuẩn nhân sự tại kỳ họp lần này thực hiện theo yêu cầu bố trí, sắp xếp nhân sự cấp cao của Đảng, Nhà nước sau Đại hội XIII, với khoảng 25 chức danh được kiện toàn hoặc thay đổi vị trí công tác.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bắt tay chúc mừng tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Giang Huy

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bắt tay chúc mừng tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Giang Huy

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc 67 tuổi, cử nhân Kinh tế, quê ở Quảng Nam. Ông là Uỷ viên Trung ương Đảng khoá X, XI, XII, XIII; Uỷ viên Bộ Chính trị khóa XI, XII, XIII; đại biểu Quốc hội 3 khoá XI, XIII và XIV.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, ông trở về làm cán bộ Ban Quản lý kinh tế tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, từng bước trưởng thành với nhiều vị trí công tác ở quê nhà. Từ chuyên viên, phó văn phòng, chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Chủ tịch Hội khoa học kinh tế Quảng Nam - Đà Nẵng, ông làm Giám đốc Sở Du lịch kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Khu du lịch Furama Đà Nẵng; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.

Từ năm 1997 đến 2006, ông làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Nam; Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam.

Tháng 3/2006, ông giữ chức Phó tổng Thanh tra Chính phủ, sau đó làm Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Chính phủ, rồi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Tháng 8/2011, ông được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng, 5 năm sau được Quốc hội bầu làm Thủ tướng.

Tại Đại hội XIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là hai "trường hợp đặc biệt" tái cử Trung ương và được bầu vào Bộ Chính trị.

Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại. Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội.