Ứng dụng công nghệ giám sát, quản lý rừng hiện đại: Giảm diện tích rừng bị chặt phá, lấn chiếm

Số vụ, diện tích chặt phá, lấn chiếm rừng trái phép giảm nhờ ứng dụng công nghệ viễn thám (CNVT) và máy tính bảng (MTB) mang lại hiệu quả trong quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR).

Kịp thời phát hiện, ngăn chặn

Giám đốc Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện A Lưới, ông Văn Thân đánh giá, sử dụng CNVT và MTB có nhiều ưu thế, thuận lợi trong việc kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các vụ việc có liên quan tác động đến rừng, góp phần quan trọng trong QLBVR. Gần đây ngành kiểm lâm sớm phát hiện nhiều vụ chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng, từ đó có hướng ngăn chặn kịp thời, tham mưu các cơ quan chức năng xử lý.

Kiểm tra rừng tại A Lưới thông qua công nghệ hiện đại

Mới đây, thông qua CNVT, MTB, cán bộ kiểm lâm đã phát hiện nhóm đối tượng Trần Văn Đam ở xã Hồng Bắc có hành vi chặt phá rừng. Sau khi xác định được tọa độ, vị trí, các lực lượng đã đến hiện trường ngăn chặn kịp thời, diện tích bị chặt phá khoảng 0,6ha; vụ việc sau đó chuyển Công an huyện A Lưới khởi tố. Khoảng 3 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện A Lưới xảy ra khoảng 16 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, số vụ không chỉ giảm so với trước mà diện tích bị xâm hại giảm đáng kể nhờ ngăn chặn kịp thời thông qua CNVT, MTB.

Ông Hoàng Văn Chúc, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Đông cho rằng, nhờ nguồn ảnh thông qua CNVT đã phát hiện và cập nhật kịp thời vào MTB để đi hiện trường nhiều vụ phá rừng tại vùng giáp ranh Phú Lộc và Nam Đông, Vườn Quốc gia Bạch Mã. Nếu không có CNVT và MTB thì việc tuần tra, phát hiện các vụ phá rừng rất khó khăn, phải mất một buổi, thậm chí cả ngày. Ba năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Nam Đông phát hiện khoảng 7 vụ chặt phá, lấn chiếm đất rừng trái phép, trong đó có hai vụ xảy ra tại xã Hương Phú đã chuyển Công an huyện Nam Đông xử lý hình sự.

Khoảng 3 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra 31 vụ chặt phá, lấn chiếm đất rừng với tổng diện tích gần 18ha. Số vụ vi phạm giảm hằng năm, song quan trọng hơn là diện tích bị chặt phá, lấn chiếm giảm đáng kể khoảng 50-60% so với trước. Trong số các vụ vi phạm đã xử lý 8 vụ, xử phạt hành chính trên 50 triệu đồng, có 2 vụ chuyển cơ quan công an khởi tố, xử lý hình sự.

Ưu điểm vượt trội

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng phòng QLBVR và Bảo tồn thiên nhiên thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh, công tác giám sát biến động rừng trước đây chủ yếu nhờ kiểm lâm địa bàn hoặc người dân địa phương đi tuần tra. Hạt kiểm lâm sở tại tiến hành đo đếm diện tích, xác minh mức độ thiệt hại, báo cáo Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Các vụ phá rừng thường được phát hiện chậm nên mức độ thiệt hại lớn.

Từ đầu năm 2014 đến nay, Chi cục Kiểm lâm đã ứng dụng CNVT trong công tác theo dõi diễn biến tài nguyên rừng. Phạm vi áp dụng ban đầu chỉ ở Văn phòng Chi cục Kiểm lâm, cán bộ kỹ thuật của Phòng QLBVR phân tích ảnh viễn thám, xác định các khu vực có nguy cơ phá rừng, yêu cầu hạt kiểm lâm sở tại xác minh. Đến đầu năm 2016, CNVT triển khai rộng khắp toàn tỉnh, gồm cả các đơn vị chủ rừng nhà nước.

Sử dụng CNVT đã hỗ trợ tích cực cho các cán bộ kỹ thuật và kiểm lâm địa bàn bộ công cụ và kỹ thuật phân tích lớp phủ bề mặt trái đất bằng nguồn ảnh vệ tinh miễn phí. Từ đó có thể giám sát và xác định cụ thể các khu vực rừng đang bị tác động, ngăn chặn kịp thời và giảm thiểu hậu quả của các vụ phá rừng trái phép đang xảy ra.

Qua gần 5 năm triển khai thực hiện CNVT cho thấy, khả năng phát hiện sớm các vụ phá rừng tự nhiên đang xảy ra rất cao, đồng thời ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu hậu quả xấu tác động đến rừng. Ưu điểm nữa là có thể xác định khoảng thời gian mà vụ phá rừng được tiến hành (dựa trên thời gian ảnh vệ tinh cung cấp nhằm cung cấp cơ sở dữ liệu cho các cơ quan điều tra và đơn vị quản lý).

Trước đây khi phát hiện có biến động rừng, hoặc cần đến một địa điểm rừng nào, cán bộ kiểm lâm thường phải sử dụng GPS (hệ thống xác định vị trí, định vị vị trí toàn cầu của 24 vệ tinh nhân tạo đặt trên quỹ đạo không gian), kết hợp với bản đồ giấy để đi thực địa. Một số trường hợp cần phải có người dân địa phương dẫn đường để tiếp cận khu vực biến động. Sử dụng bản đồ giấy thường mất nhiều thời gian trình bày và chi phí in ấn.

Trong khi đó việc kiểm tra, nghiệm thu kết quả kiểm kê rừng thay vì sử dụng bản đồ giấy và GPS để đi thực địa thì nay đã sử dụng trực tiếp MTB để nạp các lớp dữ liệu bản đồ có các thông tin quan trọng để đối chứng giữa dữ liệu số và hiện trạng thực tế. Việc thay thế bản đồ giấy, sử dụng chức năng bản đồ số và bộ công cụ điều hướng giúp cho cán bộ khảo sát và kiểm lâm địa bàn dễ dàng tìm được khu vực nghi ngờ bị tác động.

Đến nay, tổng số MTB được trang cấp từ các dự án, nhà tài trợ liên quan đến lâm nghiệp gồm 83 chiếc. Trong đó đã bàn giao trực tiếp đến công chức kiểm lâm địa bàn 41 chiếc, số còn lại bàn giao cho các cán bộ thuộc Văn phòng Chi cục Kiểm lâm và các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty kinh doanh lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển lâm nghiệp toàn tỉnh hiện có trên 348.836 ha; trong đó gần 212.229 ha rừng tự nhiên, hơn 99.674 ha rừng trồng (bao gồm hơn 23.815 ha diện tích mới trồng chưa thành rừng). Công chức kiểm lâm địa bàn trực tiếp tham gia theo dõi diễn biến rừng ngoài thực địa 90 người, trong đó có 37 công chức đã được tập huấn và có đủ năng lực sử dụng, vận hành MTB để đo đếm và báo cáo diễn biến rừng ngoài thực địa.

Theo Thừa Thiên Huế online