Thừa Thiên Huế: Dân bức xúc vì đền bù tại Khu du lịch Suối Voi không thỏa đáng

Người dân cho rằng vấn đề đền bù của Công ty Hoa Lư- Huế không thỏa đáng, “giá bèo” khi triển khai Dự án Khu du lịch Suối Voi khiến họ không đồng tình, tìm mọi cách ngăn chặn…

Nhận được phản ánh của người dân đang buôn bán tại Khu du lịch sinh thái Suối Voi (thôn Thủy Dương, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) về việc chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoa Lư - Huế (Công ty Hoa Lư- Huế) không đền bù thỏa đáng cho dân khi muốn triển khai dự án lớn trên địa bàn khiến họ bức xúc, PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đã về tìm hiểu.

Khu du lịch sinh thái Suối Voi hiện tại
Khu du lịch sinh thái Suối Voi hiện tại

Qua thông tin mà PV nhận được, Dự án Khu du lịch suối Voi do Công ty Hoa Lư - Huế làm chủ đầu tư, với diện tích 51,79 ha, tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 400 tỷ đồng. Khi dự án hoàn thiện, đây sẽ là khu du lịch sinh thái cao cấp, đầy đủ tiện nghi bao gồm khu khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng ẩm thực, dịch vụ vui chơi, giải trí kèm theo các dịch vụ phụ trợ. Phía chủ đầu tư cho biết, Khu du lịch suối Voi sẽ có quy mô lớn thứ ba ở Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô, chỉ sau Laguna Lăng Cô và Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế Minh Viễn.

Theo kế hoạch, dự án sẽ chính thức được khởi công giai đoạn 1 vào cuối tháng 3/2019. Tuy nhiên dự án có thể chậm tiến độ khi mà hiện nay, người dân địa phương vẫn không đồng tình với việc đền bù, hỗ trợ và họ tìm mọi cách ngăn cản chính quyền bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư khởi công.

 

Người dân đang buôn bán tại Suối Voi bức xúc kể lại sự việc với PV
Người dân đang buôn bán tại Suối Voi bức xúc kể lại sự việc với PV

Ghi nhận của PV thì thời gian vừa qua, đỉnh điểm là từ ngày 18/2 đến nay, người dân đang buôn bán tại Suối Voi đã dựng trại, tập trung trước cổng bán vé Suối Voi để không cho chính quyền cũng như chủ đầu tư vào cắm mốc quy hoạch, dựng bản vẽ thi công dự án. Họ cũng nấu ăn tại chỗ để quyết không rời cổng vé.

Người dân chia sẻ rằng, cách đây gần 30 năm, Suối Voi vẫn còn hoang sơ, vắng vẻ, toàn là núi rừng rậm rạp. Lúc đó có 5- 6 hộ dân đã khai hoang, tự bỏ kinh phí ra để mở đường liên thôn, mỗi năm mỗi ít và dần dần dựng quán xá để buôn bán. Khoảng hơn 10 năm sau, nơi này mới gia nhập Hợp tác xã Song Thủy thuộc xã Lộc Tiến, tạo nên Ban quản lý để dần hình thành một khu du lịch đúng nghĩa với hàng chục hộ kinh doanh.

Dân lập lều trại trước cổng bán vé để chặn nhà đầu tư
Dân lập lều trại trước cổng bán vé để chặn nhà đầu tư

Mỗi năm, các hộ dân vẫn đóng các thuế đầy đủ với số tiền hàng chục triệu đồng cho chính quyền. Nơi này cũng là “miếng cơm manh áo”, xem như duy nhất để họ bấu víu làm ăn, để nuôi sống hầu hết các gia đình từ trước đến nay. Ngày nay, Suối Voi đã nổi tiếng không chỉ ở Huế mà còn ở miền Trung, lượng khách du lịch đổ về rất đông, nhất là mùa hè và các ngày lễ tết.

Bà Nguyễn Thị Kỷ (SN 1966, thôn Thủy Dương) cho hay, gia đình bà đã buôn bán ở Suối Voi suốt 24 năm qua và là người đầu tiên dựng quán ăn, uống, sạp nghỉ mát… để du khách nghĩ dưỡng, vui chơi.

“Khoảng 3 năm nay, từ khi nghe dự án sắp triển khai thì tất cả người dân đều đứng ngồi không yên. Chủ đầu tư và chính quyền phát giấy thông báo ngưng hoạt động, không cho bán vé, không cho kinh doanh nữa… để thu hồi đất khiến chúng tôi không đồng tình. Trong đó, chúng tôi bức xúc nhất là việc hỗ trợ, đền bù không thỏa đáng, mập mờ. Họ ghi tài sản thiếu, diện tích mặt bằng thực tế của tôi là 100m2 nhưng đo đạc chỉ 70m2, không ghi sạp nghỉ mát, không ghi đường ống nước… và số tiền họ đền bù chi gia đình tôi khoảng 293 triệu đồng. Số tiền này quá ít so với những gì mà tôi bỏ công sức ra gầy dựng và hiện đang có tại Suối Voi…”, bà Kỷ nói.

Việc hỗ trợ, đền bù không hợp lý khiến hầu hết các hộ dân không đồng tình
Việc hỗ trợ, đền bù không hợp lý khiến hầu hết các hộ dân không đồng tình

Bà Kỷ cũng chia sẻ bà nuôi 4 người con trưởng thành cũng là nhờ buôn bán tại Suối Voi bấy lâu nay. Hiện bà có một người con bệnh máu phải chạy hàng tháng để chữa bệnh, nếu không được kinh doanh nữa thì không biết làm gì để mưu sinh, nuôi con; ruộng nương ở quê thì không thể làm nổi vì thiếu nước trầm trọng. Và nếu đền bù thì phải hợp lý hơn…

Tương tự như bà Kỷ, chị Đỗ Thị Gái (SN 1979, thôn Thủy Dương) cho hay gia đình chị lên Suối Voi kinh doanh từ năm 1998, là nơi duy nhất để mưu sinh, nuôi 5 người con cùng bố mẹ già.

“Nếu chúng tôi không bán nữa thì lấy gì mà sống, mà nuôi con cái ăn học đây. Chúng tôi thật sự nóng gan nóng ruột nên đã kéo nhau lại ngăn cản chủ đầu tư. Mong cấp trên sớm giải quyết cho thỏa đáng, nếu đền bù thì cũng phù hợp…”, bà Gái thổ lộ.

Nếu như các hộ dân đồng tình hỗ trợ đền bù, Suối Voi thời gian tới dự kiến trở thành điểm du lịch sinh thái cao cấp…
Nếu như các hộ dân đồng tình hỗ trợ đền bù, Suối Voi thời gian tới dự kiến trở thành điểm du lịch sinh thái cao cấp…

Những hộ dân còn cho biết thêm, ba năm trở lại đây họ chỉ trồng lúa được vụ đông xuân còn vụ hè thu thì bỏ hoang vì thiếu nước tưới tiêu. Lý do mà dân đưa ra là đập chứa nước ở đây bị hỏng nhưng không thể sửa chữa vì có quy hoạch xây dựng Khu du lịch Suối Voi…

Cũng theo người dân, chủ đầu tư đã đưa ra cho họ 2 phương án là đền bù thỏa đáng để nghỉ kinh doanh, hai là đăng ký tiếp tục kinh doanh cùng chủ đầu tư. Đa số người dân đều chọn phương án đầu tiên, không muốn tiếp tục hợp tác với nhà đầu tư nữa, tuy nhiên họ muốn việc hỗ trợ đền bù phải hợp lý hơn nhiều so với hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Tâm- Giám đốc Hợp tác xã Song Thủy, Trưởng Ban quản lý Khu du lịch Suối Voi hiện tại cho rằng, chủ trương của đơn vị là ủng hộ dự án, tuy nhiên nhà đầu tư phải có mức hỗ trợ, đền bù hợp lý cho dân cũng như cho Hợp tác xã; khi có sự đồng thuận giữa hai bên thì dự án mới thi công được chứ hiện nay thì còn quá nhiều khúc mắc, mập mờ…

Liên quan đến sự việc, trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường,  ông Vương Đình Cẩm- Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến xác nhận, việc người dân buôn bán ở Suối Voi những ngày vừa qua đã nhiều lần phản đối việc xây dựng dự án là có, điều này cũng dễ hiểu và thông cảm khi đụng chạm đến quyền lợi của họ.

“Có tất cả 24 hộ bị ảnh hưởng đến việc kinh doanh, không đồng ý việc hỗ trợ đền bù. Khi xảy ra sự việc, xã đã cử cán bộ đến kiểm tra, theo dõi nắm tình hình. Sau đó đã báo cáo với huyện tạm ngưng việc cho chủ đầu tư đến cắm bản vẻ quy hoạch…, đồng thời tham mưu huyện sắp tới sẽ tiếp tục về đối thoại, giải thích cho dân. Quan điểm của xã là vẫn đồng tình với chủ trương đầu tư, qua đó giúp phát triển du lịch cho địa phương. Thời gian tới xã vẫn tiếp tục vận động dân chấp thuận việc hỗ trợ, di dời…”, ông Cẩm thông tin.

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...