Thi đâu có giải đó

 

Olympic vật lý sinh viên toàn quốc là kỳ thi khó, song hễ đi thi, đội tuyển Olympic vật lý Trường đại học (ĐH) Sư phạm, ĐH Huế lại đoạt giải.

Giảng viên Khoa Vật lý hướng dẫn cho sinh viên thực hành

Nhiều giải cao

Đội tuyển Olympic vật lý Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế vừa nhận tin vui khi giành đến 2 giải nhất, 4 giải ba và giải nhì toàn đoàn kỳ thi Olympic vật lý sinh viên toàn quốc năm 2018 (tổ chức tại Trường ĐH Đồng Nai). So với một số năm trước, đội tuyển Olympic vật lý năm nay đã giành được giải cao nhất ở phần thi thực nghiệm và kết quả chung cuộc giúp thầy trò Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm có vị trí cao trong thứ hạng chung là 12/43 trường trên toàn quốc.

Olympic vật lý sinh viên toàn quốc là kỳ thi khó, đã được tổ chức hàng chục năm qua. Đáng nói là, kỳ thi này rất thu hút sinh viên từ các đơn vị giáo dục có tiếng, như Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Tự Nhiên – ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, ĐH Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh… Kỳ thi hằng năm cũng thu hút hơn 40 trường trên toàn quốc tham gia, mỗi đơn vị chỉ được từ 6 - 8 sinh viên tham gia và vì thế cuộc đua thành tích không dễ dàng, việc lọt vào top 10 là rất khó.

PGS. TS. Bùi Đình Hợi, Tổ trưởng bộ môn Đại cương, Khoa Vật lý kiêm phụ trách dẫn đoàn Olympic vật lý Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế cho biết, khó khăn nhưng đội tuyển của trường luôn giàu thành tích và được các đơn vị cùng tham gia đánh giá cao. Điển hình như tại kỳ thi năm 2004, đội tuyển của khoa từng giành giải nhất toàn đoàn; nhiều năm đạt giải nhì toàn đoàn (2009, 2010, 2013, 2017, 2018). Đội tuyển luôn có được thứ hạng cao, trong tốp 5, 6 và có nhiều sinh viên đạt giải nhất, nhì cá nhân. So với các trường sư phạm trong cả nước, thành tích của đội tuyển Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế luôn nằm trong tốp đầu.

Lấy cần cù bù khó khăn

PGS. TS. Trương Minh Đức, Trưởng khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế chia sẻ, so với nhiều đơn vị mạnh trong toàn quốc, đội tuyển Olympic vật lý Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế vẫn còn những khó khăn nhất định, đó là đầu vào ngành sư phạm những năm gần đây chưa cao bằng một số trường khác, nhất là các trường đào tạo các ngành kỹ thuật. Nguồn kinh phí hạn hẹp phần nào ảnh hưởng đến việc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn đầu tư các khoản để phục vụ cho đội tuyển. Song, Khoa Vật lý đã đặt ra quan điểm lấy cần cù bù khó khăn.

Để chuẩn bị cho kỳ thi Oympic vật lý (thường vào khoảng cuối tháng 4 hằng năm), ngay từ đầu năm học (khoảng tháng 9, 10) khoa đã tổ chức kỳ thi (vòng 1) để tuyển chọn khoảng 10 sinh viên vào đội tuyển, chủ yếu là sinh viên năm 2 trở lên. Từ đội ngũ sinh viên có đam mê và nền tảng kiến thức tốt, khoa bố trí khoảng 5 cán bộ giảng dạy, bồi dưỡng thêm kiến thức cho nhóm sinh viên này trong 3 – 4 tháng, sau đó tiếp tục tổ chức thi vòng 2 để tuyển chọn lại khoảng 6 – 7 sinh viên vào đội tuyển chính thức và bồi dưỡng kiến thức chuyên sâu hơn cho đến lúc thi. “Ở vòng 2, chúng tôi vẫn có cơ chế mở cho những sinh viên chưa vượt qua vòng 1 thi nếu họ thực sự xuất sắc thì sẽ được chọn. Trong bồi dưỡng, các thầy cô linh động chọn các ngày nghỉ, buổi tối để thuận tiện cho sinh viên theo học. Ngoài dạy phần lý thuyết còn giảng dạy thêm các học phần thực hành để sinh viên dễ dàng nắm bắt kiến thức”, PGS. TS. Trương Minh Đức nói.

Giảng viên được phân công bồi dưỡng đa phần được học tập ở nước ngoài và có nhiều kinh nghiệm giảng dạy sinh viên đi thi ở từng nội dung cụ thể, như cơ, nhiệt, điện, quang, vật lý hiện đại. Mỗi giảng viên phụ trách một nội dung và xây dựng giáo án bài giảng rất kỹ dưới sự giám sát và hỗ trợ chuyên môn từ phía ban chủ nhiệm khoa. “Chúng tôi ưu tiên mời những giảng viên tâm huyết và giàu thành tích trong công tác ôn luyện cho sinh viên, điển hình như thạc sĩ Trần Thanh Bình đã tham gia ôn luyện và dẫn đoàn trên 10 năm”, đại diện Khoa Vật lý nói.

Việc kích thích và truyền cảm hứng cho sinh viên cũng là "bí quyết" của Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế. Lâm Thị Thục Uyên, sinh viên giành 2 giải ba (trắc nghiệm môn vật lý và giải bài tập môn vật lý) kỳ thi Olympic vật lý sinh viên toàn quốc năm 2018, chia sẻ: “Ngoài giờ dạy trên lớp, các thầy cô luôn tương tác, hướng dẫn sinh viên bất cứ lúc nào. Khoa cũng thường xuyên tổ chức những đợt giao lưu và nhiều cách để truyền cảm hứng, giải tỏa áp lực, gắn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các sinh viên đi thi Olympic. Sinh viên khóa trên thường chia sẻ tài liệu, mẹo thi tốt và kinh nghiệm cho sinh viên khóa sau”.

Đại diện Khoa Vật lý cho rằng, sinh viên chủ yếu đến từ miền Trung – Tây Nguyên nên khá cần cù, chịu khó. Nếu biết cách khai thác và phát huy thế mạnh này sẽ tạo ra lợi thế riêng và việc đạt giải cao ở kỳ thi olympic vật lý sinh viên toàn quốc những năm sau hoàn toàn khả thi.

Theo Thừa Thiên Huế