Thanh trà Huế & sự đầu tư về chất

Thanh trà Huế có lẽ là một trong những đặc sản thành công nhất kể từ sau khi được cấp nhãn hiệu tập thể.

Dao động trong mức giá tùy vùng, tùy vụ từ 25.000-30.000 đồng/kg đến 45.000 - 50.000 đồng/kg, thanh trà đã mang lại nguồn thu đáng kể cho người trồng khi mỗi hécta quả thanh trà có thể mang lại từ 90 đến 100 triệu đồng. Khởi đầu từ Thủy Biều, nhưng thành quả của việc định danh nhãn hiệu này không chỉ dành riêng cho Thủy Biều – vùng trồng thanh trà ngon nổi tiếng – mà còn mở ra các vùng nguyên liệu khác với diện tích trên 1.100 ha trên các vùng đất dọc theo sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu như Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền, Phú Lộc 60ha và Hương Thủy.

Thanh trà Huế đã được chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Ảnh: TH

Mặc dù đã được đưa vào tiêu thụ tại 14 siêu thị trong cả nước, được nhiều người biết tới qua sức lan tỏa nhưng ngày hội thanh trà ở Thủy Biều đã được nâng tầm thành lễ hội thanh trà, như một phương thức quảng bá hữu hiệu cho một loại cây đặc sản, góp mặt và đọ sức của quả đến từ các vùng nguyên liệu khác nhau. Việc nhận diện thương hiệu thanh trà Huế cũng đã được đầu tư cơ bản qua tem nhãn, mẫu mã bao bì… và trong tương lai gần, việc quy hoạch, mở rộng vùng thanh trà toàn tỉnh, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, tăng diện dùng nhãn hiệu tập thể và mở rộng hội thi trái ngon sẽ được thực hiện. Đó cũng là chiến lược để tiếp tục đưa thanh trà Huế ra các thị trường trong và ngoài nước.

Nói như vậy không có nghĩa là mọi việc với thanh trà Huế đều thuận. Đương nhiên mở rộng diện tích cho loại cây đặc sản cũng cần phải được tính toán ở mức độ hợp lý và có thể kiểm soát được, cho dù quả thanh trà hiện đang được tiêu thụ tốt, độ bền/tươi cao hơn các loài quả khác. Vấn đề là ở chỗ, thanh trà thường được trồng ở các vùng đất ven sông, có nhiều phù sa. Thế nhưng, chất lượng của thanh trà ở từng vùng cũng có những điểm khác nhau và điều này tùy thuộc vào thổ nhưỡng, các nguồn vi lượng và khoáng chất ở các vùng đất mà thanh trà đứng chân. Hiện người trồng thanh trà đang có những băn khoăn do nguồn phù sa bồi đắp không như trước do ít lũ. Nguồn rơm đắp cho cây cũng ít dần (thay đổi cơ cấu giống cây trồng), hoặc chi phí cao hơn khi phải mua và vận chuyển về từ nơi khác…

Chia sẻ với chúng tôi trong cuộc trao đổi mới đây, nhà giáo ưu tú Đỗ Xuân Cẩm – một chuyên gia trong lĩnh vực cây trồng cho hay, không phải vùng đất nào, cây trồng nào cũng được bón các loại phân và liều lượng như nhau. Điều này là cực kỳ cần thiết đối với việc xây dựng và mở rộng vùng nguyên liệu cho một nhãn hiệu tập thể như thanh trà Huế. Để tạo được một sự thuần nhất của quả, cần một công trình nghiên cứu khoa học đầy đủ trên các vùng nguyên liệu để đưa ra những đáp số riêng trong việc cung cấp vi lượng cho cây. Kể cả những tác động như thế nào là đủ đối với vùng nguyên liệu về nguồn nước, phân bón.

Tôi nhận ra một câu chuyện khác, hoàn toàn có lý cho một thương hiệu cây đặc sản như thanh trà (và không chỉ cho thanh trà). Lâu nay, chúng ta đang có sự đầu tư về mẫu mã (kể cả size của quả) nhưng gần như chưa có một công trình nào nghiên cứu về về sự tương đồng trong chất lượng của quả. Trong khi, đó mới là phần lõi của vấn đề, ngoài những điều cơ bản mà người dân vẫn được hướng dẫn và tham khảo như cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cây ở từng lứa và giai đoạn phát triển; thêm phân chuồng, phân xanh, phân vi sinh để tăng hàm lượng mùn trong đất, bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cây thanh trà để cây phát triển tốt, cho quả to, đồng đều; áp dụng nguyên tắc đúng lượng, đúng phân, đúng lúc, đúng cách khi bón phân…

Theo Thừa Thiên Huế online