Tái diễn “rác” quảng cáo, rao vặt

Sau thời gian tăng cường các giải pháp (nhất là triển khai lắp đặt bảng quảng cáo, rao vặt miễn phí), tình trạng quảng cáo, rao vặt không đúng nơi quy định trên địa bàn TP. Huế giảm đáng kể.

“Rác” quảng cáo tràn ngập dọc hàng rào Trường tiểu học Lý Thường Kiệt gây nhếch nhác, phản cảm

Tuy nhiên, thời gian gần đây, tình trạng trên lại tái diễn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị. Trên các trụ điện, hộp đèn, tường rào, tường thành, gốc cây… nhiều tờ rơi quảng cáo, rao vặt từ việc cho vay trả góp, cho thuê nhà, cho thuê phòng trọ, bán nhà, bán đất đến dạy kèm, tuyển việc làm, chiêu sinh… lại xuất hiện nhan nhản.

Đơn cử, dọc đường Lê Quý Đôn, cạnh tường rào Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (gần tín hiệu cột đèn giao thông – trạm chờ xe buýt), nhiều bảng quảng cáo, rao vặt được treo vương vãi khắp nơi. Trong số đó có cả bảng thông báo tuyển sinh các lớp học tại một trung tâm của tổ chức Đoàn thanh niên…

Không chỉ vùng đô thị, hiện nay, tình trạng “rác” quảng cáo, rao vặt đã tràn xuống các vùng nông thôn, với các bảng quảng cáo, rao vặt thông tin về khuyến mãi lắp đặt các loại cáp, khoan cắt bê tông, mua bán nhà đất… dọc các trục đường thôn, xóm ở các làng quê.  

Theo tìm hiểu của chúng tôi, lợi dụng buổi trưa hoặc vào giờ khuya, các đối tượng đi dọc các trục đường chính, nơi có nhiều người qua lại để dán, treo các bảng quảng cáo, rao vặt .

Đã có nhiều giải pháp cụ thể từ chính quyền địa phương và ngành chức năng; nhiều đợt ra quân dọn dẹp vệ sinh của lực lượng đoàn viên thanh niên, thanh niên xung kích… nhưng vấn đề quảng cáo, rao vặt vẫn cứ tái diễn.

Với một thành phố du lịch, thành phố xanh – sạch – đẹp như Huế thì việc để tình trạng “rác” quảng cáo, rao vặt tràn ngập khắp nơi là điều không nên và cần được xử lý một cách triệt để.

Đã đến lúc các ngành chức năng cần tìm chủ nhân số điện thoại trên các bảng quảng cáo, rao vặt rồi tùy theo từng trường hợp để xử phạt hoặc đề nghị các nhà mạng cắt vĩnh viễn những số thuê bao thường sử dụng quảng cáo, rao vặt sai quy định. Kêu gọi người dân cùng tham gia bằng cách tuyên truyền cho họ hiểu hành vi dán quảng cáo, rao vặt là vi phạm pháp luật. Mỗi địa phương cần đưa ra một mức thưởng nhất định để khuyến khích người dân trình báo việc có đối tượng dán quảng cáo, rao vặt sai quy định, góp phần giải quyết triệt để tình trạng “rác” quảng cáo, rao vặt như hiện nay.

Nghị định 28/2017/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 20/3/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP trong việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi phát, dán, treo quảng cáo không đúng quy định. Cụ thể, những hành vi treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trái phép trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng trái phép sẽ bị phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo. Ngoài ra, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi phát tờ rơi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan, trật tự an toàn giao thông, xã hội.

Bài, ảnh: Tâm Anh