THÔNG TIN HUẾ CHẶN, KHÔNG CHO 23 NGƯỜI VỀ QUÊ LÀ KHÔNG CHÍNH XÁC

Sáng nay 4/8/2021, một số đơn vị truyền thông, nhất là trên mạng xã hội thông tin rằng có 23 người gồm cả người lớn và trẻ em đi từ các tỉnh phía Nam ra, đến địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế bị chặn lại và… đuổi lui. Thông tin trên đã được chia sẻ và nhận rất nhiều bình luận ác ý...

Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở Thông tin- Truyền thông tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, đó là thông tin không chính xác.

Cụ thể ông cho biết, hiện nay, một số thông tin trên mạng đưa tin tỉnh Thừa Thiên Huế không đón người dân về là hoàn toàn không chính xác. Đây chính là thủ đoạn của các loại hình xe dịch vụ, xe cóc, xe cố tình vi phạm. Trong ngày 3/8/2021, tỉnh Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận cách ly hơn 55 người về và trong sáng này 4/8 đã có hơn 200 người về từ các tỉnh, thành đang áp dụng chỉ thị 16.

Riêng đoàn 23 người từ các tỉnh phía Nam ra, Chốt 5 (Lăng Cô- huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã nhận lúc 10h và làm thủ tục cách ly theo qui định. Được biết, riêng sáng 4/8/2021, tại chốt 5- Lăng Cô, các lực lượng kiểm tra kiểm soát ở đây đã đón hơn 200 người đi bằng các phương tiện ô tô, xe máy; đã hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm, tổ chức xét nghiệm và đưa đi cách ly theo qui định.

23 người về được tổ chức xét nghiệm tại chốt số 5- Lăng Cô, huyện Phú Lộc
23 người về được tổ chức xét nghiệm tại chốt số 5- Lăng Cô, huyện Phú Lộc.

 Ông Sơn cho biết thêm, tình trạng xe dịch vụ vi phạm Công điện của Chính phủ chở người về từ các tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16 rất phức tạp.

Sau khi Công điện 1063 của Chính phủ ban hành, chỉ đạo “ai đâu ở yên đấy” số lượng người về vùng dịch có chiều hướng giảm dần. Tuy nhiên, trong một hai ngày lại đây số lượng người về lại tăng cao, trung bình mỗi ngày tỉnh Thừa Thiên Huế đón gần 100 công dân từ các tỉnh, thành phố đang áp dụng Chỉ thị 16.

Điều đáng nói ở đây là thay vì về bằng hình thức tự phát xe máy thì bây giờ người dân lại được các nhà xe dịch vụ mời gọi trên mạng xã hội và chi trả để chạy ra khỏi các tỉnh, thành phố áp dụng chỉ thị 16 và về địa phương.

Các phương tiện này thường triển khai bằng hình thức là chở người về và thả xuống trước các chốt kiểm soát và quay đầu để người dân tự xử lý với địa phương. Một số trường hợp lại có hình thức phức tạp hơn là treo băng rôn trước xe với tiêu đề “Chuyến xe o đồng” nhưng trên thực tế khi tìm hiểu thì người dân đều thuê dịch vụ với chi phí cao. Một số trường hợp khi bị lực lượng kiểm tra thì quay đầu và thả người dân trên dọc đường để người dân tự xử lý.

Những hành động này đáng lên án, làm công tác phòng chống dịch không được hiệu quả vừa làm cho tình trạng người về ngày càng phức tạp hơn. Trong thời gian tới tỉnh sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các loại phương tiện như thế này!

Xe đón người đưa đi cách ly tại Lăng Cô, huyện Phú Lộc sáng nay chứ không có chuyện đẩy, đuổi người lui
Xe đón người đưa đi cách ly tại Lăng Cô, huyện Phú Lộc sáng nay chứ không có chuyện đẩy, đuổi người lui.

 Từ thực tế trên, chúng tôi cho rằng các hoạt động dịch vụ giai đoạn này khá nhiều màu sắc. Dịch covid đang có nhiều biến thể thì các loại hình dịch vụ cũng biến thế không kém. Việc các xe “0 đồng” … ảo, lợi dụng lòng mong muốn của người dân về quê để chặt, chém là cực kỳ vô nhân đạo nhưng trên hết là làm người dân mất lòng tin, tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan trên diện rộng

Để hạn chế việc người dân “tự phát” di chuyển về quê cần nghiêm trị, tổ chức cách ly các lái xe vi phạm, không để họ quay đầu. Đồng thời các địa phương cần làm tốt công tác quản lý, không để người dân di chuyển ra khỏi địa phương như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

                                                                                                                             THEO:  Trần Minh Tích/Thương hiệu & Công luận